Du lịch Việt Nam “hồi sức” sau Covid-19: Làm đi, đừng chờ hết dịch!

Thứ năm, 20/02/2020 09:27 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Phải bắt đầu bằng tư duy: chọn khách đông để Nhà nước bán vé hay chọn du khách chất lượng cao để thu được nhiều tiền thì mới mong thay đổi!”, một chủ doanh nghiệp cơ sở du lịch ở Hội An chia sẻ về những khó khăn mà ngành du lịch đang gặp phải giữa dịch cúm nCoV.

Covid-19 khiến du lịch Việt lao đao vì sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường giống câu chuyện “tái ông mất ngựa”, dù thiệt hại ước tính gần 7 tỷ đô trong 3 tháng đầu năm nhưng cũng là cơ hội để ngành du lịch tái cơ cấu. Thật ra, đây cũng là cơ hội để ngành du lịch nhìn lại thị trường nội địa với cả trăm triệu khách hàng. Và các biện pháp không phải không có, vấn đề chỉ là làm chứ đừng chờ đến hết dịch.

Hội An - Thành phố Di sản Thế giới nhiều năm qua ghi nhận sự sụt giảm đáng kể lượng khách đến từ châu Âu.

Hội An - Thành phố Di sản Thế giới nhiều năm qua ghi nhận sự sụt giảm đáng kể lượng khách đến từ châu Âu.

1. Theo Forbes - các chuyên gia phân tích từ SSI Research nhận định ảnh hưởng của dịch bệnh do chủng virus Corona mới (nCoV, Covid-19) lên toàn nền kinh tế, trong đó dự báo một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và hoạt động du lịch, ít nhất là trong ngắn hạn khi Việt Nam đóng cửa một số cửa khẩu giao thương với Trung Quốc đồng thời hạn chế cấp thị thực đối với những khách đến từ các vùng dịch bệnh.

Đánh giá về tác động với ngành du lịch Việt Nam, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương nhận định ba tác động đến du lịch Việt Nam, thông qua sự sụt giảm nguồn khách du lịch Trung Quốc, khách quốc tế đến châu Á, Đông Nam Á và sụt giảm nguồn cầu du lịch trong nước.

Đầu tiên, Trung Quốc vốn là thị trường khách nguồn lớn nhất của du lịch Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2019 Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế thì du khách Trung Quốc hơn 5,8 triệu, chiếm 32%. Khi dịch bệnh xảy ra, con số giảm gần như 100%.

Tác động thứ hai là sự sụt giảm lượng khách quốc tế tại châu Á do đây được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao hơn so với những điểm đến du lịch khác.

Tác động thứ ba phải kể đến nguồn cầu du lịch trong nước cũng sẽ sụt giảm đáng kể do đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm tàu, trạm xe buýt và cả các nhà hàng hay khu vực vui chơi giải trí.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ khi dịch cúm bùng phát, các doanh nghiệp du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề, lượng khách hủy, hoãn tour ngay trong cao điểm mùa du lịch. Tổng cục Du lịch ước tính ngành du lịch có thể thiệt hại từ 5,9-7,7 tỷ USD trong ba tháng tới. Trong đó, lượng khách quốc tế có thể sẽ giảm 3,7-4,7 triệu lượt, khách nội địa giảm 10,9-15,3 triệu lượt.

2. “Sống chung với dịch”, “cầm cự”,… là những từ, cụm từ mà các địa phương, các doanh nghiệp du lịch đang sử dụng trong thời kỳ lượng du khách giảm mạnh vì nCoV.

Ví dụ như Thừa Thiên - Huế, ngành du lịch tỉnh này vẫn tổ chức các hoạt động du lịch, đón khách tham quan cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng dịch như: phun thuốc khử trùng, phát khẩu trang miễn phí cho du khách,... Hay ở Hội An, chính quyền kêu gọi, vận động doanh nghiệp đối xử công bằng, không kỳ thị du khách tới từ Trung Quốc… Tuy nhiên, như đã nêu trên, khi dịch bệnh xảy ra, con số khách Trung Quốc đã giảm gần như 100%.

Trước tình hình kinh doanh ảm đạm, khó khăn của các khách sạn, cơ sở lưu trú, ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng đang đề nghị Nhà nước cần xem xét các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thuế, giá điện nước, tiền thuê đất để doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn khó khăn này. Ngoài ra, ngành du lịch Đà Nẵng xác định đây là một bài học để phát triển đa dạng các thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào khách Trung, Hàn như lâu nay.

Ở Khánh Hòa, nơi ngành du lịch địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn khi có tới khoảng 70% thị phần khách quốc tế tới từ Trung Quốc. Công suất phòng hiện tại của nhiều khách sạn ở TP. Nha Trang đang giảm xuống chỉ còn 10 - 20%, nhiều cơ sở nhỏ lẻ đã phải đóng cửa.

Hướng ra của du lịch Nha Trang, theo ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, ngành du lịch địa phương cần phải có các chính sách ưu đãi cho thị trường khách nội địa. “Đây là cơ hội tốt nhất để các doanh nghiệp tự nhìn lại chiến lược kinh doanh, tái cấu trúc thị trường, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhân viên, cơ sở vật chất”, ông Vinh nói.

Ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch đều đang than vãn, bên cạnh đó cũng coi dịch cúm nCoV là cơ hội để nhìn nhận, thay đổi. Ví như ở lĩnh vực lưu trú, các khách sạn phải tính đến phương án nâng cấp cơ sở vật chất, làm thêm một phòng cách ly; các đơn vị lữ hành cũng phải thay đổi chiến lược, hướng đến thị trường ở Tây Âu, Bắc Mỹ,... thay vì chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc hay các vùng có dịch.

Hội An - Thành phố Di sản Thế giới nhiều năm qua ghi nhận sự sụt giảm đáng kể lượng khách đến từ châu Âu.

Hội An - Thành phố Di sản Thế giới nhiều năm qua ghi nhận sự sụt giảm đáng kể lượng khách đến từ châu Âu.

3. Theo Tổng cục Du lịch, ngay từ cuối năm 2019, ngành du lịch đã thảo luận triển khai một số giải pháp quyết liệt cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường.

Theo cơ quan này, dự kiến nếu dịch kết thúc vào cuối tháng 3/2020, các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch bắt đầu khởi động vào tháng 4/2020. Ngành có thể thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa, vốn thường bắt đầu vào cao điểm từ cuối tháng 5/2020.

Ở kịch bản thứ hai, dự báo khách du lịch quốc tế có thể trở lại Việt Nam vào tháng 6/2020. Để thị trường tăng trưởng trở lại vào mùa cao điểm đón khách quốc tế từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021, thì từ tháng 4 đến tháng 9/2020, phải đẩy mạnh hoạt động quảng bá trong và ngoài nước.

Hiện nay, một số chuyên gia y tế dự báo dịch Covid-19 có thể được đẩy lùi hoàn toàn sớm nhất là sau mùa hè 2020, nên Tổng cục Du lịch cũng đưa ra kịch bản thứ ba. Khi dịch Covid-19 kết thúc vào mùa hè thì đến quý 4/2020, các hoạt động du lịch mới có thể trở lại. Trong trường hợp này, các hoạt động xúc tiến để kích cầu du lịch nội địa sẽ gặp khó khăn vì thời gian quá gấp. Tuy nhiên, các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế vẫn được triển khai.

Đặc biệt, trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, Tổng cục Du lịch cho rằng cần đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện, có tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và ASEAN. Thêm vào đó, tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ, Bắc Mỹ. Dự kiến từ tháng 6/2020, Tổng cục sẽ triển khai tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch nhằm phục hồi các thị trường trọng điểm gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Âu, Úc, Trung Đông, Ấn Độ, Bắc Mỹ…

Nhiều kế hoạch đã được vạch ra, nhưng theo một chủ doanh nghiệp du lịch tại Hội An, chúng ta không có gì để sẵn sàng cho sự thay đổi, chuyển hướng khi hạ tầng, sản phẩm du lịch, hướng dẫn viên,… đang xoay quanh trục khách Trung, Hàn. “Phải bắt đầu bằng tư duy: chọn khách đông để Nhà nước bán vé hay chọn du khách chất lượng cao để thu được nhiều tiền thì mới mong thay đổi”, anh chia sẻ.

Không thay đổi được tư duy qua việc đầu tư vào hạ tầng du lịch, nâng chất lượng dịch vụ, đào tạo đội ngũ,… thì không cách nào Việt Nam thu hút được lượng khách chất lượng cao, và quyết tâm “chuyển hướng”, “đa dạng hóa thị trường” sẽ chỉ là hô hào khơi khơi xa rời thực tiễn. Covid-19 khiến du lịch Việt lao đao vì sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường giống câu chuyện “tái ông mất ngựa”, dù thiệt hại ước tính gần 7 tỷ trong 3 tháng đầu năm nhưng cũng là cơ hội để ngành du lịch tái cơ cấu. Thật ra, đây cũng là cơ hội để ngành du lịch nhìn lại thị trường nội địa với cả trăm triệu khách hàng. Và các biện pháp không phải không có, vấn đề chỉ là làm chứ đừng chờ đến hết dịch. 

 An Nhiên

Tin khác

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn
Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đã đến lúc phải luật hóa!

Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đã đến lúc phải luật hóa!

(NB&CL) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2024.

Góc nhìn
“Lót ổ đón đại bàng”- Thiếu quyết liệt sẽ đánh mất cơ hội!

“Lót ổ đón đại bàng”- Thiếu quyết liệt sẽ đánh mất cơ hội!

(NB&CL) Cách đây chừng 3,4 năm, khi bàn về câu chuyện làm thế nào để thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới đến đầu tư tại Việt Nam - mà theo nhiều chuyên gia ví von đó là công cuộc “lót ổ đón đại bàng”.

Góc nhìn
Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xây dựng với  triển khai, thi hành pháp luật

Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xây dựng với triển khai, thi hành pháp luật

(NB&CL) Ngày 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, để kịp thời triển khai, bảo đảm hiệu lực thi hành các luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Góc nhìn
Từ vấn nạn “biến tướng lễ hội”: Đừng để niềm tin tâm linh bị trục lợi!

Từ vấn nạn “biến tướng lễ hội”: Đừng để niềm tin tâm linh bị trục lợi!

(NB&CL) Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, đi lễ chùa để cầu mong một năm mới bình an, thuận lợi đã là một nét đẹp truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa lâu đời này dần bị biến tướng, câu chuyện lễ hội biến tướng, trục lợi tâm linh dường như vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Góc nhìn