Dữ liệu vệ tinh cũ hé lộ về Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt Trời
(CLO) Một vật thể bí ẩn, được phát hiện qua hai cuộc khảo sát hồng ngoại, có thể là dấu vết rõ ràng nhất về Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời.
Hành tinh giả định có khối lượng ngang Sao Hải Vương và quay quanh Mặt Trời ở khoảng cách hàng trăm lần so với Trái Đất. Với quỹ đạo kỳ lạ và khối lượng đáng chú ý, vật thể này làm dấy lên nhiều câu hỏi về nguồn gốc của nó. Tuy nhiên, để xác nhận danh tính, các nhà thiên văn học cần thêm quan sát từ những kính viễn vọng mạnh.

Các nhà thiên văn học từ lâu đã suy đoán về một hành tinh vô hình ẩn núp ở rìa ngoài Hệ Mặt Trời. Hành tinh thứ 9 từng được đề xuất vào năm 2016 bởi Michael Brown và Konstantin Batygin nhằm giải thích quỹ đạo bất thường của các vật thể ở Vành đai Kuiper.
Không giống với "Hành tinh X" trong các giả thuyết tuyệt chủng cũ, Hành tinh thứ 9 được cho là có quỹ đạo dài và nằm rất xa Sao Hải Vương, khiến việc quan sát trở nên cực kỳ khó khăn.
Mới đây, nhóm nghiên cứu do nhà thiên văn học Terry Long Phan dẫn đầu đã sử dụng dữ liệu từ hai vệ tinh hồng ngoại: IRAS (NASA, năm 1983) và AKARI (Nhật Bản, 2006–2011). Bằng cách so sánh những hình ảnh chụp cách nhau 23 năm, họ phát hiện một điểm mờ đã dịch chuyển khoảng 47,4 phút cung – phù hợp với chuyển động dự kiến của Hành tinh thứ 9 trong thời gian đó.
Để loại trừ nhiễu loạn và vật thể gần, nhóm Phan đã tính đến hiệu ứng thị sai và chỉ chọn dữ liệu được chụp cùng ngày trong năm. Dù phát hiện rất hứa hẹn, dữ liệu hiện tại chưa đủ để xác định rõ quỹ đạo hoặc xác nhận đây chính là Hành tinh thứ 9.
Phan cho biết khu vực cần quan sát hiện rộng khoảng 3 độ vuông bầu trời – hoàn toàn nằm trong khả năng của các thiết bị như camera năng lượng tối DECam tại Chile.
Dựa vào độ sáng trong dữ liệu, vật thể này có thể còn lớn hơn Sao Hải Vương. Trong khi các khảo sát trước như WISE đã loại trừ các hành tinh lớn hơn trong phạm vi gần, thì một hành tinh cỡ Sao Hải Vương ở khoảng cách hàng trăm đến hàng ngàn AU vẫn có thể chưa bị phát hiện.
Nếu được xác nhận, quỹ đạo dao động từ 280 AU đến 1.120 AU sẽ đặt ra nhiều câu hỏi lớn. Có thể hành tinh này từng hình thành gần các hành tinh khí khổng lồ và bị đẩy ra ngoài bởi tương tác hấp dẫn, hoặc là một hành tinh lang thang bị Mặt Trời “bắt giữ” từ sớm.
Trước đó, một nghiên cứu năm 2021 của Michael Rowan-Robinson cũng đề xuất một ứng viên tương tự từ dữ liệu IRAS, nhưng chưa được xác nhận bởi các khảo sát khác. Theo Phan, phát hiện lần này đáng tin cậy hơn vì vật thể xuất hiện nhất quán trong cả dữ liệu IRAS và AKARI.
Dù đầy hứa hẹn, phát hiện này vẫn mang tính sơ bộ do chưa xác định được quỹ đạo chính xác của vật thể. Các quan sát bổ sung là cần thiết, và những thiết bị tiên tiến như Kính viễn vọng không gian Nancy Grace Roman, Đài quan sát Vera C. Rubin và Camera năng lượng tối được kỳ vọng sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc truy tìm Hành tinh thứ 9.