Những điểm mới!
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 190 điều. So với Luật Đất đai năm 2003 tăng thêm 6 chương và 44 điều. Hai chương mới được bổ sung là quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai và hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.
Không ít điểm mới đáng chú ý tại dự án luật được Bộ trưởng Quang nhấn mạnh, như tách đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất xây dựng công trình sự nghiệp thành các loại đất riêng; tách đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp thành đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ để quy định chế độ quản lý sử dụng đối với các loại đất này. Hay, bổ sung quy định về những hành vi bị nghiêm cấm như “sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”. Thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân cũng được kéo dài lên 50 năm, ông Quang cho biết.
Đặc biệt, quy định tại dự luật đã đổi mới theo hướng
Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất “sạch”. Sau đó, Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế- xã hội. Nguyên tắc định giá đất cũng được sửa đổi “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường" thay cho nguyên tắc "sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường". Bỏ quy định bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành và công bố vào ngày 1/1 hằng năm.
Vẫn còn nhiều quy định chưa sáng tỏ
Trước đó, ngày 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian, cho ý kiến thảo luận về các nội dung: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ chế thu hồi đất; giá đất; giải quyết tranh chấp đất đai; bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm… Ủy ban thường vụ Quốc hội thừa nhận Luật Đất đai năm 2003 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tế hiện nay như: các quy định về đất đai còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mẫu thuẫn; có quá nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật; quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất chưa được quy định đầy đủ; các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất còn chưa phù hợp; chính sách tài chính còn bất cập, định giá đất chưa sát với thị trường… Do đó, việc ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; đồng thời, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở; giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóađất nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ chế thu hồi đất; giá đất; giải quyết tranh chấp đất đai; bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm… Tuy đã có nhiều thay đổi so với Luật Đất đai 2003 nhưng xét một cách tổng thể, Dự án Luật Đất đai sửa đổi lần này vẫn còn khá nhiều điểm bất cập. Cụ thể:
- Vấn đề “giá thị trường” vốn được xem là “xương sống” của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng quy định về định giá đất trong dự luật theo nguyên tắc “giá đất do Nhà nước quyết định phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường” lại không nhận được sự đồng thuận của các Ủy viên UBTVQH. Nhiều người cho rằng còn “mơ hồ, không khả thi” bởi giá đất là một trong những điểm nút quan trọng nhất cần tháo gỡ hiện nay. Song dự Luật lần này lại đưa ra nguyên tắc còn mơ hồ hơn là “phù hợp với giá thị trường”.
Như thế, không những không cởi được nút thắt, mà còn gây tranh cãi nhiều hơn. Tất nhiên Luật đã giao lại cho Chính phủ quy định, nhưng như vậy là nội dung quan trọng nhất thì lại không được đưa vào Luật
- Dự thảo luật còn một số vấn đề quan trọng chưa thấu đáo. Các căn cứ thu hồi đất như dự Luật đưa ra là quá rộng và chưa đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Trong nhiều trường hợp, thiệt thòi luôn thuộc về người dân. Tại nhiều dự án, người bị thu hồi đất luôn bức xúc bởi chênh lệch giữa giá thu hồi đất với giá đất của nhà đầu tư bán ra thường rất cao trong khi chi phí họ phải bỏ ra không lớn. Ngược lại, người dân đã phải bỏ ra công sức nhiều đời để có đất. Vấn đề thu hồi đất và giải quyết hậu thu hồi đất cũng còn nhiều điểm chưa sáng tỏ, việc thu hồi đất bất hợp lý sẽ dẫn đến bùng phát các dự án treo và việc khiếu kiện khiếu nại của người dân không những không giảm mà sẽ có chiều hướng tăng thêm.
- Một vấn đề khác cũng được nêu ra đó là hạn mức giao đất. Dự thảo Luật Đất đai quy định thời hạn giao đất trong hạn mức sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm và áp dụng thống nhất cho các loại đất nông nghiệp có vẻ như khuyến khích người dân gắn bó với đất đai và yên tâm đầu tư sản xuất. Nhưng khi hết hạn mức sử dụng việc gia hạn sẽ được quy định như thế nào để đảm bảo công khai minh bạch. Vì vậy vấn đề này cũng cần tiếp thu thêm ý kiến đóng góp từ giới chuyên môn cũng như chính người dân để có điều chỉnh phù hợp. Việc quy định khung quá cứng nhắc sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội từ nguồn lực đất đai, nhất là trong bối cảnh đất nước còn nghèo như hiện nay.
Rõ ràng với những bất cập như hiện nay thì Dự án Luật Đất đai sửa đổi vẫn còn cần phải tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện bổ sung.
N.HUY
Thẩm tra dự thảo luật Đất đai sửa đổi, đa số ý kiến trong UB Kinh tế QH đồng tình do đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nên giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể. Khung giá, bảng giá được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng và các trường hợp giao đất, cho thuê đất. Có cơ chế xử lý chênh lệch giá tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương. Đa số ý kiến tán thành nguyên tắc giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng tại thời điểm định giá, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc nguyên tắc định giá theo thời hạn sử dụng đất vì quy định này có nghĩa là khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp mà Nhà nước thu hồi thì sẽ không bồi thường giá trị quyền sử dụng cho người có đất bị thu hồi.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH: Sự minh bạch của luật Đất đai lần này phải góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả. Việc sửa đổi lần này phải là một khâu đột phá, giúp giải quyết được các bức xúc, nhất là trong khiếu nại tố cáo.
Bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban công tác Đại biểu quốc hội: Luật phải công bằng, dân chủ, công khai minh bạch và giải quyết được các bức xúc, vướng mắc rất lớn trong xã hội hiện nay. Luật cũng phải giải quyết được tham nhũng để đất đai trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Chế độ thu hồi đất thiếu minh bạch và công bằng là một trong ba nút thắt lớn nhất của Luật Đất đai hiện hành và Dự thảo vẫn chưa tháo gỡ được nút thắt này.
Luật gia Vũ Xuân Tiền: Một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của việc sửa Luật Đất đai là, xóa bỏ một cách triệt để những nguyên nhân từ quy định của pháp luật dẫn đến các khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên, những nút thắt về chính sách này vẫn chưa được gỡ bỏ trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.