Xã hội

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi): Mở rộng tự chủ, đơn giản hóa thủ tục, đặt nền móng cho trung học nghề

Văn Hiền 09/07/2025 19:54

(CLO) Ngày 9/7, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp – Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã tổ chức phiên họp góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội.

edit-img3630-17520415663741466785779.png
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Trần Hiệp

Luật mới hướng đến giáo dục nghề nghiệp linh hoạt, hiệu quả, hội nhập

Dự thảo Luật lần này được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) mở – linh hoạt – hiệu quả, thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Cục trưởng Cục GDNN và GDTX, dự thảo gồm 9 chương, 50 điều, tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn: đổi mới cơ cấu và mô hình hệ thống GDNN; tăng cường chất lượng đào tạo, chuẩn hóa chương trình; nâng cao vai trò doanh nghiệp, mở rộng hợp tác quốc tế; huy động nguồn lực, quản lý tài chính minh bạch; đổi mới cơ chế quản lý, giảm thủ tục hành chính, phân cấp mạnh mẽ.

Dự thảo quán triệt chỉ đạo “6 tăng cường” và thực hiện phương châm “6 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ thẩm quyền, rõ kết quả) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Điểm nhấn: Mô hình trung học nghề và giảng viên đồng cơ hữu

Một trong những điểm cải cách đáng chú ý là đưa mô hình trung học nghề vào luật, tích hợp kiến thức văn hóa THCS và kỹ năng nghề. Đây được kỳ vọng là lời giải cho bài toán phân luồng sau THCS và tăng cơ hội học tập, việc làm sớm cho học sinh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ tỷ lệ thời lượng giữa học văn hóa và học nghề; xác định mô hình trường mới hay chuyển đổi từ trung cấp hiện có; tổ chức thi hay cấp bằng tương đương THPT.
TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐT Trường ĐH FPT) đánh giá: “Trung học nghề là bước tiến lớn, nhưng phải đảm bảo công bằng với học sinh THPT truyền thống”.
Bà Nguyễn Thị Thu Dung (Hiệu trưởng CĐ Y tế Thái Bình) đề xuất: “Nên dành tối thiểu 2/3 thời lượng học văn hóa, 1/3 cho học nghề, giúp học sinh vẫn đủ điều kiện thi lên đại học nếu muốn”.

Về nhân lực đào tạo, dự thảo lần đầu đưa vào khái niệm giảng viên đồng cơ hữu mở ra cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng, đặc biệt là với ngành thiếu giảng viên chuyên sâu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: “Cần định nghĩa rõ, tránh biến giảng viên đồng cơ hữu thành hình thức mời giảng thiếu ràng buộc”.

Cắt giảm thủ tục, phân cấp mạnh cho địa phương

Dự thảo Luật cũng giảm đáng kể các thủ tục hành chính, loại bỏ các quy định không còn phù hợp như điều kiện chia tách, sáp nhập, liên kết quốc tế… Đồng thời, chuyển phần lớn nội dung hướng dẫn sang các nghị định của Chính phủ để tạo linh hoạt trong thực thi.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng GD&ĐT đề nghị bổ sung điều riêng về phân cấp quản lý, trong đó giao quyền điều phối toàn bộ các cơ sở GDNN trên địa bàn cho UBND cấp tỉnh: “Địa phương là nơi nắm rõ nhu cầu nhân lực, cần được chủ động tổ chức lại hệ thống phù hợp với thực tiễn”.

Về phía doanh nghiệp, nhiều đại biểu ủng hộ tăng vai trò trong đào tạo, nhưng đề nghị phải có quy định chặt chẽ về điều kiện, năng lực và trách nhiệm khi tham gia GDNN, để đảm bảo chất lượng và quyền lợi người học.

Luật mới cần tạo đột phá, truyền thông hiệu quả

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định: Luật GDNN (sửa đổi) không chỉ thay thế luật hiện hành, mà cần có tầm nhìn dài hạn, phù hợp xu hướng chuyển đổi số, hội nhập và học tập suốt đời.

edit-img4244-17520418596591324652033.png
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại phiên họp.

Thứ trưởng nhấn mạnh một số điểm then chốt: Chỉ điều chỉnh các trình độ GDNN thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sơ cấp, trung cấp, trung học nghề, cao đẳng); không điều chỉnh các khóa đào tạo nghề ngắn hạn do doanh nghiệp tổ chức. Tạo điều kiện công nhận kỹ năng, chứng chỉ, thúc đẩy liên thông, học tập suốt đời. Đẩy mạnh truyền thông, đặc biệt về mô hình trung học nghề – khái niệm còn mới mẻ, dễ gây hiểu nhầm nếu không giải thích rõ ràng.

Luật phải tạo được niềm tin cho xã hội, là nền tảng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, có tư duy nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và cạnh tranh toàn cầu”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi): Mở rộng tự chủ, đơn giản hóa thủ tục, đặt nền móng cho trung học nghề
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO