Dù thế nào vẫn giữ ngọn lửa đam mê với nghề giáo!

20/11/2023 08:00

(NB&CL) Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiều thầy cô hiện nay vẫn kiên định tận tâm cống hiến với nghề dạy học, họ là minh chứng rõ nét nhất cho sự cao quý của nghề dạy học.

Xung phong đi dạy học ở Trường Sa

Trong các năm gần đây, số giáo viên nghỉ việc ngày một nhiều do đời sống khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người thầy, người cô luôn hết mình kiên định với sự nghiệp trồng người, họ luôn theo đuổi lý tưởng đã chọn và nguyện gắn bó suốt đời cho sự lựa chọn đó.

Thầy Bàng Hữu Tình - công tác tại Trường Tiểu học Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa  là một ví dụ. Thầy Tình có 18 năm công tác trong ngành giáo dục. Kể về trải nghiệm của nghề, thầy đã dạy học từ miền núi đến hải đảo xa xôi. Nếu nhìn vào hành trang 18 năm dạy học của thầy Tình, nhiều người sẽ nghĩ đến vất vả khó nhọc nhưng với người thầy giáo đã yêu nghề, yêu trò thì mỗi trải nghiệm khó khăn lại là những kỷ niệm vô cùng đẹp.

du the nao van giu ngon lua dam me voi nghe giao hinh 1

Thầy Bàng Hữu Tình dạy học ở Trường Sa.

Thầy Tình chia sẻ, quãng thời gian làm nghề giáo quả thực có rất nhiều điều để kể, nhưng với thầy 5 năm dạy học trên đảo Trường Sa là khoảng thời gian đem lại cho thầy nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất. Để ra dạy học nơi đảo ngọc của Tổ quốc, thầy Tình đã tự viết đơn tình nguyện xung phong. May mắn cho thầy Tình, mong muốn của thầy được  đáp ứng.

Tháng 6/2018, thầy Tình đã đặt chân lên đảo Trường Sa, với thầy đó là kỷ niệm không thể nào quên. “Mơ ước một lần đến với Trường Sa không chỉ của riêng tôi mà còn của rất nhiều công dân Việt Nam. Việc được sinh sống và làm việc ở  Trường Sa thật sự là điều tuyệt vời. Khi đặt chân đến Trường Sa, khác xa so với tưởng tượng ban đầu, Trường Sa rất đẹp, đẹp một cách say đắm, một cột mốc chủ quyền sừng sững, vững chãi giữa biển khơi” - thầy Tình kể.

Năm đầu tiên ở trên đảo, cũng là lần đầu tiên được đón ngày 20/11 xa đất liền. Buổi lễ chỉ một mình là giáo viên, hơn 10 học trò có sự tham dự của phụ huynh cũng như đại diện Đảng ủy Đảo và chính quyền, các đơn vị đóng quân trên đảo. “Mặc dù chỉ tổ chức tọa đàm nho nhỏ trong lớp học nhưng hết sức ấm cúng, ý nghĩa. Đó là kỷ niệm mà em thực sự nhớ nhất trong suốt hành trình dạy học của mình” - thầy Tình kể.

Lớp học của thầy Tình trên đảo rất đặc biệt, học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 5 với hơn 10 học trò. Cứ thế 5 năm, thầy Tình dạy bảo các em, truyền đạt kiến thức để bù đắp cho những thiệt thòi mà học sinh của mình còn thiếu thốn so với các bạn trên đất liền. “Các em học sinh trên đảo rất ngoan, lễ phép. Về cơ sở vật chất và điều kiện các em được sự quan tâm rất lớn nhưng so với các bạn ở đất liền thì các kỹ năng vi tính, internet vẫn còn hạn chế” - thầy Tình bày tỏ. Biết học sinh trên đảo thiệt thòi như vậy nên thầy Tình càng yêu thương các em, dạy dỗ các em chu đáo để bố mẹ yên tâm đi biển, công tác.

Tháng 6/2023 thầy Tình kết thúc 5 năm công tác tại Trường Sa, thầy về trường cũ dạy học. Tại Trường Tiểu học Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, khi biết thầy vừa từ Trường Sa về các đồng nghiệp, học trò và phụ huynh càng yêu mến và tự hào hơn  về thầy. Thầy Tình chia sẻ: “Dù trong bối cảnh nào thì nghề giáo cũng là nghề vinh quang. Tôi luôn luôn kiên định và giữ vững lập trường gắn bó đối với nghề giáo”.

Cũng theo thầy Tình, trong bối cảnh hiện nay, xã hội có rất nhiều biến động, thay đổi cũng như áp lực cơm áo đè nặng lên vai người thầy. Đặc biệt, thời gian COVID-19 đã có nhiều thầy cô không thể trụ nổi mà từ bỏ nghề. “Tôi thấy đây là điều đáng buồn. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ  với các thầy cô là chúng ta hãy giữ vững lý tưởng, mục tiêu để gắn bó và cống hiến vì thế hệ trẻ, vì học sinh thân yêu” - thầy Tình nhấn mạnh.

Cô giáo như mẹ hiền

Giống như thầy Tình, cô Hoàng Thị Bảy, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lắk - Đắk Lắk cũng là một tấm gương hết mình vì học sinh. Công tác 16 năm ở trường dân tộc, nội trú - một ngôi trường chuyên biệt nên cô Tình và đồng nghiệp của mình vừa làm thầy, vừa làm cha, mẹ.

du the nao van giu ngon lua dam me voi nghe giao hinh 2

Theo đó, học sinh của cô là con em đồng bào các dân tộc. 100% các em đi học xa nhà. Khi lên trường học tập, phụ huynh gần như phó thác học sinh cho giáo viên.

Học sinh của cô Bảy cuối tháng mới về nhà, hầu như các em gần gũi thầy cô hơn bố mẹ. “Sự chăm sóc chủ yếu do thầy cô, bố mẹ rất ít” - cô Bảy chia sẻ.

Nhiều học sinh của cô Bảy bố mẹ đi làm xa, làm công nhân ở Bình Dương nhiều tháng mới về nhà. Do đó, nhiều em thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, các em vì thế cần sự yêu thương, thấu hiểu và hòa hợp đến từ giáo viên như cô.“Hiểu và thương học trò từ nhỏ đã xa gia đình nên tôi luôn chủ động chia sẻ, tâm sự với các em” - cô Bảy kể.

Theo cô, với học sinh lớp 6 vừa mới xa nhà, các em còn bé mà đã phải sống tự lập nên rất bỡ ngỡ. Từ việc gấp chăn màn các em chưa thể làm được cho đến các kỹ năng như ăn nói, chào hỏi. Do đó, cô thầy phải dạy cho các em từ kỹ năng nhỏ nhất. Dạy học ở trường nội trú cũng có điều đặc biệt hơn, có những lúc 11h đêm cô thầy mới về nhà.

“Nhiều khi giáo viên phải chờ các em học hành xong, đi ngủ thì mới yên tâm ra về. Nhiều khi các em đau ốm cũng gọi cho cô để đưa các em đi viện. Bị tai nạn, bị té trên đường từ trường về nhà thầy cô cũng đi lên viện chăm sóc, khi nào khỏi mới đưa các em về” - cô Bảy kể.

Cái khó của học sinh ở trường dân tộc nội trú là các em có nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Lớp cô Bảy chủ nhiệm có 37 em thì đến 9 em thành phần dân tộc. Hầu như các em khi nói chuyện với nhau đều dùng tiếng địa phương mà ít khi dùng tiếng phổ thông. Mỗi dân tộc có văn hóa riêng, để dạy các em buộc mình phải tìm hiểu văn hóa từng dân tộc.

Khi hiểu được văn hóa của từng dân tộc thì giáo viên mới đồng hành với các em. Nhiều lúc, cô Bảy phải chủ động trò chuyện, trao đổi với học sinh. Đề nghị các em dạy tiếng dân tộc cho cô. “Việc này các em rất thích thú. Qua đó, mình học thêm được nhiều thứ tiếng” - cô Bảy kể. Chính vì những nỗ lực hằng ngày như vậy mà cô Bảy và đồng nghiệp đã thành công trong dạy học. Họ không chỉ dạy giỏi mà còn chăm sóc các em tốt để phụ huynh yên tâm trao gửi con em mình cho thầy cô.

Cô Bảy cho rằng, nghề giáo cần sự cố gắng và theo đuổi đến cùng, nếu vì khó khăn mà bỏ giữa chừng tất cả thì rất đáng tiếc. “Thành công của người giáo viên không phải vật chất mà là ấn tượng của mình trong lòng học sinh” - cô Bảy chia sẻ.

Có thể thấy, qua trao đổi với các thầy cô đều dễ nhận ra, sự tận tâm cống hiến với nghề đã mang lại cho họ niềm vui và hạnh phúc. Đồng lương của họ chưa thực sự cao nhưng cũng đủ sống trong bối cảnh đất nước chưa giàu mạnh. Những tấm gương như thầy Tình, cô Bảy làm cho nghề giáo thêm cao quý và thiêng liêng.

Trinh Phúc

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dù thế nào vẫn giữ ngọn lửa đam mê với nghề giáo!
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO