(CLO) Hãy thử nghĩ về viễn cảnh mà những nhà dự đoán đã nói đúng, rằng báo in sẽ biến mất và mạng xã hội sẽ lên ngôi.
Tuần vừa rồi cuộc chiến tin tức giả đã lên tới cao trào. Facebook đã quyết định mua quảng cáo trên các tờ báo ngày nổi tiếng của nước Anh để đăng tải các thông tin hữu ích giúp phân biệt tin tức thật giả. BBC cũng đã phát sóng chương trình Panorama sớm với hàng loạt cảnh báo liên quan tới vấn nạn này.
Theo như nhiều báo cáo, Facebook là một trong những ẩn số có tác động không nhỏ tới cuộc bầu cử Brexit và bầu cử Tổng thống Mỹ. Facebook có thể giúp người ta nhắm vào hoặc loại bỏ những cử tri một cách chọn lọc.
Tất nhiên có một số chi tiết bị thổi phồng. Các tờ báo đang chứng kiến Facebook và Google dần dần ăn mòn tương lai của họ khi hai "ông lớn" chiếm tới 90% doanh thu quảng cáo. Các kênh truyền hình cũng đang nơm nớp ko sợ một tương lai đồng dạng khi doanh thu quảng cáo của họ đã có dấu hiệu chững lại. Các chính trị gia ngược lại, lại nhìn thấy một phép màu, chút "gia vị" có thể khiến họ tăng chút cơ hội đắc cử.
Việc ông Trump đắc cử đã đẩy cuộc chiến tin tức giả lên tới đỉnh điểm. Sự giả mạo đó có thể là lý do ngụy biện cho phe thua cuộc, nhưng lại có thể là một chiến lược được tung hô khi chiến thắng. Những nhà làm luật thì lại nhìn thấy một không gian mới hoàn toàn "không kiểm soát".
Trong chiếc nồi thập cẩm đó có đủ cả: chút sợ hãi, chút tư lợi, chút quan điểm cá nhân... đương nhiên họ không cho rằng tương lai này sẽ tự mai một hoặc câu trả lời sẽ tự xuất hiện vào một khoảng thời gian nào đó.
Hãy thử đặt bản thân vào trong giả thuyết kia, rằng cuộc tổng tuyển cử nước Anh vào năm 2042, rằng quãng thời gian chuyển đổi gian truân đã đi đến hồi kết, báo in cũng không còn tồn tại. Các kênh truyền hình cũng dần mất vị thế của mình. Kênh BBC, sau nhiều thập kỷ đứng trên đỉnh cao sẽ dần suy tàn, rồi văn phòng hoành tráng của họ sẽ rời tới xó xỉnh nào đó ở góc của Salford Quays.
Đế chế của Facebook/Google sẽ vẫn tiếp tục duy trì, dù cho việc sát nhập có thể xáo trộn một vài vị trí không đáng kể. Ngoài việc triển khai 3,000 nhân sự để duy trì theo dõi tin tức giả, số lượng người đăng ký quảng cáo lại còn nhiều hơn. Các đối thủ như Snapchat dần bị cô lập và suy sụp theo từng tháng. Sức thống trị của các công ty lớn là điều khó có thể tránh.
Vậy những "ông lớn" này sẽ bị kiểm soát ra sao? Có lẽ chúng ta đã và đang dần có được chút câu trả lời qua những tháng vừa rồi.
Tại một số nước, lấy Nga làm ví dụ, các kênh mạng xã hội được sử dụng với mục đích truyền thông có lợi cho chính phủ. Một số nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, các kênh thông tin truyền thống đang dần bị xoá sổ khỏi bản đồ dưới "chế độ" của Tổng thống, còn một số khác như Trung Quốc lại tạo ra một nền tảng mạng xã hội có kiểm soát để thay thế. Một số nước như Đức đã đe doạ sẽ đưa ra mức phạt cực kỳ cao nếu Facebook không đưa ra các câu trả lời thích đáng. Nước Mỹ ngược lại đang bị chia rẽ giữa hai thái cực, chung quy cũng vì kết quả cuộc bầu cử đã đưa ông Trump lên làm Tổng thống.
Rõ ràng, chúng ta không hề có chút "quốc tế" nào được áp dụng trong cuộc chiến này. Mỗi nước, mỗi quốc gia, mỗi chính phủ đều hành động dựa theo cái nhìn và mức độ nguy hại mà tin tức giả có thể ảnh hưởng tới họ. Khi không hề có một quy ước quốc tế gì để kiểm soát sức phát triển vô bờ của thế giới mạng, việc truy tìm tận gốc tin tức giả, ngăn chặn hiệu quả vẫn chỉ là một giấc mơ hão huyền.
Nhìn về 25 năm tới trong tương lai và mọi sự khó khăn bỗng trở nên rõ ràng, khi mà áp lực tới từ truyền thông truyền thống với các tập đoàn công nghệ khổng lồ đã suy giảm. Mọi nỗ lực khi đó vẫn đều là rời rạc. Mội đạo luật, biện pháp đều chỉ giới hạn trong lãnh thổ của các nước đó.
Chúng ta không nên chỉ trích công việc của các ngài Zuckerberg và Schmidt mà nên nhìn vào những khó khăn của tương lai: nơi mà không chỉ tin tức giả, thậm chí quan điểm giả sẽ điều hành thế giới.
Liệu có biện pháp nào? Có thể trong tương lai khi công nghệ phát triển, một trào lưu mới sẽ xuất hiện để thay thế. Có khi nếu con người cảm thấy đã chán với mạng xã hội sẽ dần bước ra khỏi thế giới đó chăng?
Điều chắc chắn duy nhất là tương lai gần chúng ta sẽ phải đối phó với hàng loạt các cơn sóng tin tức giả ập tới.
Hoàng Việt (Theo The Guardian)