Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh
(CLO) Trong hai ngày 8 và 9/5/2025, tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã diễn ra Hội thảo “Đưa Công nghiệp Văn hóa thành đòn bẩy để Du lịch Ninh Bình cất cánh”, do Báo Tiền Phong phối hợp với Sở Du lịch Ninh Bình tổ chức dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh du lịch Ninh Bình đang có những bước tiến mạnh mẽ. Năm 2024, địa phương này đón khoảng 8,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt – tăng trưởng tới 221% so với năm trước. Doanh thu du lịch đạt trên 9.100 tỷ đồng, tăng 40,15% so với năm 2023 và tăng 148% so với năm 2019 – thời điểm cao nhất trước đại dịch.
Bốn tháng đầu năm 2025, Ninh Bình tiếp tục ghi nhận con số ấn tượng với 5,6 triệu lượt khách và doanh thu ước đạt 6.056 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Những thành công này đã giúp Ninh Bình khẳng định vị thế là điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực, được vinh danh trên các bảng xếp hạng quốc tế như Top 10 kỳ quan thế giới dành cho người không thích đám đông (Forbes), hay danh hiệu “Điểm đến có ảnh hưởng trên thế giới” cho Quần thể danh thắng Tràng An (Kotler Award).

Không chỉ phát triển về lượng khách, Ninh Bình còn đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng và sự đa dạng của sản phẩm du lịch, từ sinh thái, tâm linh, lịch sử - văn hoá đến du lịch cộng đồng, nông nghiệp. Hạ tầng giao thông, lưu trú và dịch vụ du lịch được cải thiện đáng kể, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Đáng chú ý, Ninh Bình xác định công nghiệp văn hóa là yếu tố then chốt trong việc nâng cao chiều sâu và giá trị của du lịch. Nghị quyết số 22 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành ngày 28/2/2025 đã đặt ra mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cấp vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế đến năm 2050, cùng với du lịch tạo nên các ngành kinh tế mũi nhọn.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn khẳng định: “Công nghiệp văn hóa không chỉ làm giàu bản sắc dân tộc, mà còn là động lực kinh tế mới. Việc phát triển đồng bộ công nghiệp văn hóa và du lịch sẽ tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao vị thế Ninh Bình trên bản đồ du lịch thế giới".

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, nhấn mạnh: “Công nghiệp văn hóa là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là linh hồn của một điểm đến. Khi kết hợp với du lịch, chúng ta không chỉ giới thiệu cảnh quan mà còn truyền tải câu chuyện, bản sắc – điều làm nên sự khác biệt và chiều sâu trong trải nghiệm của du khách".
Tại Hội thảo, nhiều ý tưởng sáng tạo, sáng kiến thiết thực đã được trình bày và thảo luận, từ xây dựng sản phẩm văn hóa đặc thù, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, cho đến mô hình hợp tác công tư thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghiệp sáng tạo.

Hội thảo khép lại với kỳ vọng lớn lao: công nghiệp văn hoá sẽ trở thành đòn bẩy bền vững, giúp du lịch Ninh Bình không chỉ “cất cánh” mà còn bay xa, vững vàng trên bản đồ du lịch quốc tế.