Đua nhau tăng lệ phí thi đánh giá năng lực: Chính sách ăn xổi dễ trả giá

03/02/2023 17:41

(CLO) Theo chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, đào tạo ở bậc đại học và cao đẳng là hướng đến việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo ra đội ngũ tinh hoa của dân tộc nên đòi hỏi cần phải có hoạch định chính sách mang tầm nhìn chiến lược.

Hiện nay, đã có 10 kỳ thi riêng do các cơ sở giáo dục đại học tổ chức để phục vụ tuyển sinh. Theo xu hướng này, tới đây sẽ còn nhiều kỳ thi nữa xuất hiện.

Tuy nhiên, khi có nhiều kỳ thi thì phát sinh ra chi phí thêm cho phụ huynh học sinh. Hiện nay, đã có nhiều trường đại học tăng phí xét tuyển. Việc tăng phí này đến nay nhiều phụ huynh băn khoăn không biết căn cứ vào đâu mà mỗi nơi thu một kiểu.

dua nhau tang le phi thi danh gia nang luc chinh sach an xoi de tra gia hinh 1

Đầu tư cho đại học cần tầm nhìn chiến lược dài hạn (ảnh minh họa- nguồn Đại học quốc gia Hà Nội).

“Việc tổ chức thi riêng, mỗi nơi thu phí một kiểu khiến cho chi phí của những gia đình có con em chuẩn bị tham gia xét tuyển đại học thêm gánh nặng.

Chúng tôi mong muốn chi phí giảm thiểu tối đa để tạo điều kiện cho con em được tiếp cận giáo dục đại học” – anh Trần Quang Trung ở Nghệ An chia sẻ.

Việc những phụ huynh như anh Trần Quang Trung cảm thấy lo lắng về chi phí để con được tham gia thi tuyển, xét tuyển đại học ngày một tăng lên là điều dễ hiểu. Bởi, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mọi gia đình tối giản các khoản chi tiêu nhưng chi tiêu cho giáo dục thì không thể không đầu tư.

Chính vì lẽ đó, muốn giảm chi tiêu nhưng thực tế phải tiêu nhiều hơn nếu con em phải tham gia một năm nhiều kỳ thi.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, thành viên Ban kiểm duyệt tạp chí nghiên cứu quốc tế  International Journal of Training Research, London; thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA); thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia cho rằng, cần phải quản lý.

Theo đó, chuyên gia này cho rằng phải có mức quy định thu phí thi trong các kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ cho tuyển sinh đại học.

Nếu không có mức quy định chung của Bộ chủ quản để các trường tự định ra mức thu khác nhau sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn về thu phí cho một kỳ thi đánh giá năng lực quốc gia.

Nó cũng dẫn đến sự nghi về độ tin cậy về chất lượng của kỳ thi này nếu như các trung tâm khác thu phí thấp hơn .

“Cho nên tôi cho rằng cần phải thống nhất và nhất quán chung về mức phí cho kỳ thi này cũng như hình thức tuyển sinh đại học trong cả nước hiện nay” – chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, đào tạo ở bậc đại học và cao đẳng là hướng đến việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo ra đội ngũ tinh hoa của dân tộc nên đòi hỏi cần phải có sự hoạch định chính sách mang tầm nhìn chiến lược cho dài hạn nhưng phải đảm bảo tính hệ thống, tính thống nhất, tính nhất quán cho tầm nhìn dài hạn đó.

“Chúng ta đã trả giá quá nhiều cho những chính sách giáo dục “ăn xổi ở thì”, chắp vá và manh mún của những nhiệm kỳ trước.

Những bài học nhãn tiền cho những kiểu làm chính sách như vậy là rào cản cho quá trình hội nhập quốc tế của nền giáo dục nói chung và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng” – vị này lo lắng.

Theo chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão hiện nay hơn ai hết Bộ chủ quán cần phải thể hiện cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình trên cương vị quản lý nhà nước.

Trao quyền tự chủ cho các trường học không đồng nghĩa với việc rũ bỏ hết trách nhiệm của mình.

Mà cần phải là người đồng hành cùng gánh trách nhiệm chia sẻ khó khăn với các các cơ sở để hoàn thành sứ mạng đưa nền giáo dục Việt Nam trở thành một nền giáo dục tiến bộ sánh vai với các cường quốc giáo dục khác .

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đua nhau tăng lệ phí thi đánh giá năng lực: Chính sách ăn xổi dễ trả giá
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO