Đưa quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển phát triển sâu rộng hơn, hiệu quả hơn

Thứ hai, 27/05/2019 07:10 AM - 0 Trả lời

(CLO) Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy, Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Thụy Điển và mong muốn đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng hơn, hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Thương mại và các vấn đề Bắc Âu của Thụy Điển, bà Ann Linde và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay quốc tế Stockholm Arlanda, ngày 26/5/2019. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Thương mại và các vấn đề Bắc Âu của Thụy Điển, bà Ann Linde và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay quốc tế Stockholm Arlanda, ngày 26/5/2019. Ảnh: TTXVN

Quan hệ hữu nghị tốt đẹp

Nhận lời mời của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển từ ngày 26 - 28/5.

Thụy Điển là là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/1/1969), là đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu trong hợp tác phát triển.

Trong 50 năm qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam và Thụy Điển đã vượt qua nhiều sự khác biệt, khó khăn, thách thức về khoảng cách địa lý xa xôi để không ngừng vun đắp, chăm lo cho sự phát triển quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Ngày 11/1/2019, với cột mốc đánh dấu 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg đã phát biểu: "Trong hơn nửa thế kỷ qua, Thụy Điển đã luôn là người bạn và là đối tác của Việt Nam, ngay cả ở những thời điểm khó khăn nhất". Điều đó cho thấy “lúc khó khăn mới biết ai là người bạn thực sự” như thành ngữ nói, Đại sứ nhấn mạnh.

Tiếp đó, Đại sứ Thụy Điển đã khiến cả khán phòng bất ngờ khi kết thúc bài phát biểu của mình bằng câu ca dao đọc bằng tiếng Việt: “Yêu nhau vạn sự chẳng nề/Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”.

Người dân Việt Nam khi nói tới Thụy Điển luôn nghĩ tới sự giúp đỡ nghĩa tình, vô tư và hào hiệp dành cho Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Hình ảnh cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh Mỹ tại Việt Nam không bao giờ phai nhạt. Nguồn viện trợ ODA của Thụy Điển trị giá hơn 3,5 tỷ USD đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã có nhiều hoạt động trao đổi đoàn cấp cao. Về phía Thụy Điển đã có các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Carl Bildt (1994); Chủ tịch Quốc hội Birgiha Dahl (1995); Nhà Vua Thụy Điển Carl XVI Gusstaf và Hoàng hậu (2004); Thủ tướng Thụy Điển Goran Persson và Ngoại trưởng Laila Freivals dự Hội nghị thượng đỉnh ASEM 5 tại Hà Nội. Mới đây nhất, nhận lời mời của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree thăm chính thức Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thuỵ Điển từ ngày 6 - 8/5/2019.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Thụy Điển có: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1974), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1993), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1995), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu  (1999), Thủ tướng Phan Văn Khải (1999). Gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển từ ngày 6 - 8/4/2017.

Các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước không chỉ minh chứng cho sự quan tâm mà còn cho thấy quyết tâm chính trị của hai nước mong muốn tăng cường và thúc đẩy sự hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực hiện nay cũng như trong tương lai, thông qua việc ký kết nhiều hiệp định.

Bên cạnh đó, các cơ chế hợp tác, như tham khảo chính trị cấp thứ trưởng ngoại giao, Ủy ban liên Chính phủ, được hai nước duy trì hiệu quả. Hai bên còn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, như Liên Hợp quốc, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Thụy Điển coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và tin cậy đối với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới, ủng hộ Việt Nam và EU sớm ký kết, chính thức phê chuẩn và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021...

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư

Bề dày lịch sử cùng kề vai sát cánh đã tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Thụy Điển trong suốt 5 thập niên qua, không chỉ về chính trị - ngoại giao mà còn về kinh tế - thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa - du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ...

Về quan hệ kinh tế, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Thụy Điển đạt 1,5 tỷ USD, tăng 14,5% so với 2017. Trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch song phương đạt  trên 500 triệu USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển trên 400 triệu USD và nhập khẩu 96,2 triệu USD.

Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thụy Điển là giày dép, hàng dệt may, hải sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, máy tính và linh kiện. Thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Thụy Điển thông thường là 0,2%. Mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Thụy Điển là thiết bị viễn thông, máy móc thiết bị các loại.

Tính đến tháng 4/2019, Thụy Điển xếp thứ 33 trong số 131 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 68 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư hơn 365 triệu USD. Một số dự án của doanh nghiệp Thụy Điển đã hoạt động tại Việt Nam trong nhiều năm nay trên nhiều lĩnh vực như bán lẻ, sản xuất chế tạo máy móc, điện lực, công nghệ thông tin và viễn thông, hạ tầng giao thông đô thị, điện tử gia dụng, công nghiệp chế biến thực phẩm, giáo dục - đào tạo...

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, quan hệ thương mại Việt Nam - Thụy Điển đã có từ lâu và không ngừng phát triển. Với kết quả đàm phán Hiệp định EVFTA dự đoán sẽ mang lại tác động tích cực thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Thụy Điển. Đặc biệt, những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giầy dép, dệt may, đồ da, đồ gỗ, đồ gốm, thuỷ tinh, sản phẩm cao su của Việt Nam và máy móc, mô tô, dược phẩm, sản phẩm từ giấy, sản phẩm từ gỗ và bột giấy, sản phẩm sắt thép, hóa chất của Thụy Điển có cơ hội tăng trưởng cao.

Hướng tới mối quan hệ đối tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực

Trong hợp tác phát triển, Thụy Điển không chỉ là quốc gia Bắc Âu viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam sớm nhất (từ năm 1967) mà còn là nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, với tổng số tiền viện trợ đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, nhà nước pháp quyền, luật pháp, phát triển nguồn lực, y tế, năng lượng, viễn thông, môi trường và biến đổi khí hậu...

Các chương trình, dự án hỗ trợ của Thụy Điển được thực hiện thông qua Quỹ Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần vào việc cải thiện đời sống của nhiều người dân ở những vùng nhận viện trợ phát triển, xóa đói - giảm nghèo tại Việt Nam. Sau năm 2013, Thụy Điển ngưng cung cấp viện trợ phát triển song phương cho Việt Nam, quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước chuyển sang quan hệ đối tác bình đẳng cùng có lợi.

Hợp tác văn hóa - du lịch giữa Việt Nam và Thụy Điển thời gian qua cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Sự kiện “Năm Thụy Điển tại Việt Nam” và “Năm Việt Nam tại Thụy Điển” lần lượt được tổ chức tại hai nước với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, giúp nhân dân hai nước ngày càng gắn bó và thêm hiểu biết lẫn nhau.

Về hợp tác giáo dục - đào tạo, là một trong những nước có nền giáo dục tiên tiến và bề dày lịch sử lâu đời ở khu vực Bắc Âu, trong nhiều năm qua Thụy Điển đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều chuyên gia, kỹ sư trong các ngành lâm nghiệp, giấy, năng lượng, công nghệ sinh học, y học, báo chí. Một số trường đại học lớn của Thụy Điển, như Đại học Uppsala, đã liên kết với Đại học Quốc gia Hà Nội mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức tại Việt Nam.

Tháng 8/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Điển đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đại học và nghiên cứu nhân chuyến thăm Thụy Điển của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Nội dung của Bản ghi nhớ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác về giáo dục đại học, trao đổi sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên, các dự án nghiên cứu khoa học chung, phát triển giáo dục đại học.

Hiện nay, Việt Nam và Thụy Điển tiếp tục hướng tới mối quan hệ đối tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực như thương mại và đầu tư, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin - viễn thông, công nghệ xanh và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân chính là cầu nối quan trọng để quảng bá hình ảnh, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển.

Trong bối cảnh quan hệ truyền thống, hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa cho thấy, Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Thụy Điển và mong muốn đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng hơn, hiệu quả hơn.             

Thế Vũ

Tin khác

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Tin tức
Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

(CLO) Tỉnh Gia Lai vừa xử lý 18 đảng viên liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị do Công ty AIC cung cấp, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ông Phùng Ngọc Mỹ.

Tin tức
Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ văn hóa, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Tin tức
Rà soát cơ chế, chính sách để đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán

Rà soát cơ chế, chính sách để đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các bộ, ngành sớm rà soát các quy định pháp luật hiện hành về cơ chế, chính sách đặc thù để tham mưu, đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, nhằm phát triển toán học Việt Nam nói riêng, tạo ra đột phá đối với các lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung.

Tin tức
Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích các dự án hợp tác, đầu tư

Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích các dự án hợp tác, đầu tư

(CLO) Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích và tạo thuận lợi cho các dự án hợp tác và đầu tư song phương, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, nông nghiệp, viễn thông và xây dựng.

Tin tức