Đưa 'Thủ phủ sâm Ngọc Linh' trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dược liệu
(CLO) Phó Thủ tướng Lê Thành Long mong muốn đưa Quảng Nam - "Thủ phủ sâm Ngọc Linh" trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dược liệu của cả nước.
Ngày 10/5, tại tỉnh Quảng Nam, đã diễn ra Hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực".

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, những năm qua, nhiều chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách về phát triển dược liệu đã được ban hành và việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực" mới là điểm khởi đầu, chứ chưa phải đích đến cuối cùng.
Quảng Nam được mệnh danh là "Thủ phủ sâm Ngọc Linh" với trên 15.000 ha được quy hoạch để trồng sâm Ngọc Linh; có đặc điểm, điều kiện thuận lợi để phát triển dược liệu quý, trong đó có sâm Ngọc Linh.
Do đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, Đề án này chứa nhiều kỳ vọng, với nhiều mục tiêu phấn đấu, góp phần phát triển ngành dược liệu, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Nam nói riêng, của Việt Nam nói chung.

Để tổ chức triển khai hiệu quả Đề án, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết, về cơ chế, chính sách, xuất phát đầu tiên phải từ Quảng Nam và các địa phương lân cận có điểm mạnh về trồng, chế biến, thương mại hóa sâm Ngọc Linh. Phải chủ động rà soát, xem còn cần chính sách nào khi mà ngành dược liệu, chuỗi sản phẩm sâm Ngọc Linh ngày càng phát triển.
"Chính phủ sẵn sàng lắng nghe, cùng các đồng chí xem còn cơ chế, chính sách nào đặc thù hơn nữa", Phó Thủ tướng nêu rõ và cho rằng, cần sự chủ động phối hợp giữa các tỉnh. "Đây là câu chuyện nhìn xa, làm lớn chứ không phải câu chuyện của một địa phương".
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các địa phương liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp liên kết, phát triển chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu, các sản phẩm dược liệu.

Trong thẩm quyền của mình, Phó Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam cùng các địa phương trong vùng sớm hoàn thiện, công bố các quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch liên quan, xác định mặt bằng.
Quan tâm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực trung tâm dược liệu. "Trung tâm dược liệu cần được hiểu là một khu vực, một vùng, chứ không phải là một thiết chế", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cần đa dạng hóa các hình thức hợp tác, các nguồn lực tài chính, con người… để xúc tiến, thu hút đầu tư. Ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất dược liệu. Chú trọng phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình trồng, khai thác, chế biến dược liệu.

Đề cập đến sự phối hợp của '4 nhà' (gồm Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, người nông dân), Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của tỉnh Quảng Nam. "Các đồng chí làm sao có cơ chế để định kỳ các nhà ngồi lại với nhau", như tổ chức hội nghị định kỳ bởi "nhiều cơ chế chính sách được đề xuất từ đây".
Chứng kiến ký kết các thỏa thuận hợp tác, Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp cùng tỉnh vì mục tiêu chung, "đã ký rồi thì phải thực hiện sớm".
Hội nghị hôm nay là bước khởi đầu và đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp dược liệu Việt Nam, với tỉnh Quảng Nam là trung tâm và sâm Ngọc Linh là cây chủ lực. Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, "với khí thế quyết tâm và nỗ lực của tất cả chúng ta, với các thỏa thuận đã ký kết, đồng hành của Chính phủ, biến Đề án thành hiện thực, đóng góp quan trọng đưa tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dược liệu của cả nước; đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của cả nước".