Ngày 27 tháng 1 hàng năm được chọn là ngày tưởng nhớ các nạn nhân của Đức quốc xã.
Kể từ lần đầu được tổ chức vào năm 1996, số lượng người sống sót sau thảm họa Holocaust ở Đức tiếp tục giảm đi. Hơn 15.000 người kể từ đó đã chết tính đến năm 2021, theo Cơ quan Quyền lợi của Người sống sót sau thảm họa Holocaust.

Inge Auerbacher (giữa), người sống sót sau thảm họa Holocaust trong lễ tưởng niệm ở BundestagKay Nietfeld. Ảnh: AP
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier vào tối thứ Tư (26/1) đã kêu gọi lưu giữ ký ức về tội ác chiến tranh của Đức Quốc xã. Ông nói trong chuyến thăm trại tập trung Sachsenhausen gần Berlin: “Chúng tôi nhớ hàng triệu người đã bị trục xuất đến các trại tập trung, bị tra tấn và sát hại ở đó."
"Họ bị giam ở đây vì họ là đối thủ chính trị của chế độ, vì họ là người Do Thái, vì họ bị coi là người Sinti và Roma, vì họ là người đồng tính luyến ái hoặc vì họ là tù nhân chiến tranh", ông nói thêm.
Steinmeier nói, trách nhiệm ngày nay là kiên quyết chống lại tất cả các hình thức bài Do Thái, phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử.
Hơn 200.000 người đã bị giam cầm trong trại tập trung Sachsenhausen từ năm 1936 đến năm 1945. Hàng chục nghìn người chết vì đói, bệnh tật, lao động cưỡng bức, thí nghiệm y tế, ngược đãi hoặc tiêu diệt có hệ thống.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hôm thứ Tư cam kết họ sẽ đối đầu với sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái - đang có xu hướng gia tăng trong thời gian đại dịch vừa qua.
Mai Anh (Theo euronews)