Đừng bao giờ đặt cá nhân mình lên trên tờ báo!

Thứ năm, 23/11/2017 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Cao Hùng là PV viết điều tra của báo Lao Động, nhiều người biết. Nhưng không phải ai cũng biết đã 24 năm qua, đây là PV “chung thuỷ” duy nhất ở lĩnh vực này. Ngần ấy thời gian, với hàng ngàn tác phẩm, rất nhiều loạt bài điều tra gắn với cái tên Cao Hùng.

Gặp Cao Hùng, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là sự giản dị, cởi mở và khả năng đọc, dẫn dắt vấn đề của anh. Ở anh, luôn toát lên sự điềm tĩnh, từng trải. Với người lạ, anh cho họ chút cảm giác gì đó kiểu như “nguy hiểm“, nhưng khi đã biết “chất” của nhau, vẫn là sự an tâm, tin cậy...

Trò chuyện cùng Cao Hùng, là những câu chuyện dài, dường như bất tận về đủ mọi thứ trên đời. Nhưng, thú vị nhất, vẫn là những câu chuyện về “phóng viên điều tra” – công việc anh đeo đuổi hơn 2 thập kỷ.

Bỏ qua, thoả hiệp, là có tội với sự thật, có tội với công lý

+ Trên báo Lao Động, khi thì anh viết bài Tây Nguyên, lúc lại ra miền Trung, lúc lại xuống miền Tây. Anh có quan điểm như thế nào về phân vùng” các quan báo chí?

- Phân chia khu vực, địa bàn, theo tôi, chỉ đơn thuần mang tính địa lý, giao trách nhiệm nắm bắt thông tin cho nhà báo, phóng viên ở tại các địa phương. Đó là quy định riêng của mỗi cơ quan báo chí. Song, không thể vì lý do đó mà dẫn tới hiện tượng “cát cứ’’ địa phương, “độc quyền” lãnh thổ. Điều này có hại hơn là có lợi. Bởi lẽ, có những đề tài, phóng viên vùng khác tới viết sẽ có nhiều cảm xúc hơn. Hoặc, có vụ việc, vì lý do tế nhị, sợ đụng chạm, phóng viên địa phương gặp “rào cản”, khó cất bút viết. Nhưng hãy để phóng viên nơi khác tới thực hiện, sự thật khách quan sẽ phơi bày…

Bản thân tôi, làm báo là ở mọi lúc, mọi nơi, không cứ nhất thiết chỉ một vùng. Trên đường công tác, ngao du đây đó, thấy một đề tài hay, hoặc ai đó, biết tên tuổi mình, có việc cần nhờ giúp đỡ, tôi ra tay ngay… Tất nhiên, liên quan đến địa phương nào, mình phải xin phép lãnh đạo cơ quan, trước khi tác nghiệp.

Báo Công luận
Nhà báo Cao Hùng
+ “Rào cản” ở đây, có phải là việc một số ít phóng viên thường trú ngại đụng chạm, muốn  “che chắn”  cho chính quyền, doanh nghiệp sai phạm tại địa phương?

- Đó là một điều khó nói. Nói ra, ít nhiều sẽ “đụng chạm” nhau giữa anh em, đồng nghiệp trong nghề. Phóng viên thường trú tại địa phương, tất nhiên phải có quan hệ với chính quyền, doanh nghiệp, người dân ở địa phương đó. Vì báo chí, bản chất là quan hệ, mới có nguồn, mới ra tin tức chứ… Song, không vì quan hệ, quen biết mà bỏ qua cái xấu, cái sai, nhất là cái sai ảnh hưởng tới cộng đồng, xã hội, pháp luật… Có những cái sai sót nhỏ, có thể khắc phục được mà không cần phải lên mặt báo, nhà báo có thể bỏ qua. Nhưng có những cái sai, người làm sai vẫn “ngoan cố” không sửa. Nếu mình là nhà báo, mà không viết, bỏ qua, thoả hiệp, thì chúng ta có tội với sự thật, có tội với công lý và đặc biệt, với nạn nhân cậy nhờ nhà báo.

Phóng viên điều tra phải tôi luyện “chất” thép trong người

+ Cá nhân anh cũng từng bị “treo bút” khi viết bài phản ánh sai phạm tại một địa phương phía Nam?

- Tại cơ quan báo Lao Động phía Nam, có lẽ tôi là phóng viên thăng trầm nhất. Hơn 20 năm làm báo, tôi không còn nhớ nổi bao nhiêu lần mình phải viết giải trình, vì bị khiếu nại về các bài viết. Viết sai bị kiện đã đành, nhưng viết đúng cũng bị kiện, viết cỡ nào cũng bị làm khó… Nhưng nặng nhất là năm 2005, do nhầm chức danh của một lãnh đạo địa phương, tôi đã bị rút thẻ, treo bút và phải đi… bán báo 1 năm. Một “tai nạn” mà cả đời tôi không bao giờ quên.

Báo Công luận
Nhà báo Cao Hùng nhận Kỷ niệm chương của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng 

+ Sau đó anh trở lại như thế nào?

- Thời điểm bị kỷ luật, đang đi phát hành báo. Tôi lại nhận được tin Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng lập đoàn vào kiểm tra các quan chức mà tôi đã điều tra trên mặt báo. Đoàn kiểm tra ấy có gặp tôi, nhờ tôi giúp đỡ về mặt tài liệu, vì một số quan chức là ứng cử viên cho nhiệm kỳ tới, vào các chức vụ chủ chốt của tỉnh… Ban đầu, giận vì cho rằng bị kỷ luật quá tay, tôi không muốn hợp tác. Nhưng sau đó, đồng chí trưởng đoàn kiểm tra đã kiên trì thuyết phục mà tôi đã hợp tác, cung cấp toàn bộ hồ sơ… Kết quả, 5 cán bộ cao cấp của địa phương đó bị Trung ương kỷ luật, rút ứng cử nhiệm kỳ tới. Gần 100 cán bộ khác thuộc tỉnh quản lý đã bị kiểm điểm, kỷ luật các kiểu… Nhờ sự “hợp tác” này mà sau đó không lâu, tôi đã được cấp lại thẻ nhà báo và quyền hành nghề.

+ Qua “cú vấp” đó và trở lại, anh đã rút ra bài học gì cho bản thân?

- Với lĩnh vực điều tra chống tiêu cực, tham nhũng, theo tôi, người làm báo phải có một cái đầu tỉnh táo và trái tim nóng. Phải thật rạch ròi 2 cái này, nhưng không thể có cái này mà thiếu cái kia. Cái đầu tỉnh táo sẽ giúp phóng viên viết chuẩn, chính xác, trung thực, không bóp méo sự thật… Trái tim nóng sẽ giúp phóng viên thương con người, không toan tính, đong đếm, hơn thua, mà luôn dấn thân, đi đến tận cùng để bảo vệ người yếu thế, bị cái xấu chèn ép, lấy lại công lý… Mặt khác, phóng viên điều tra cũng cần phải tôi luyện cho mình cái “chất” thép trong người; không có gì đánh gục được mình, khi thất bại thì cố đứng dậy đi tiếp và làm lại, khẳng định mình lần nữa. 

Tôn trọng sự thật, giữ cho mình đạo đức nghề

 + Đến lúc không còn làm phóng viên điều tra nữa, anh sẽ làm gì?

- Tôi viết cho báo Lao Động từ năm 1993. Nay, tròn 24 năm, tờ báo Lao Động đã qua 6 đời Tổng Biên tập. Nhưng tôi vẫn chỉ viết duy nhất cho 1 tờ là Lao Động. Và, suốt 24 năm qua, tôi vẫn là một phóng viên, là “lính trơn” thôi.

Tương lai chưa biết thế nào, nhưng tôi chỉ tâm nguyện, còn viết báo thì mình vẫn gắn bó duy nhất với tờ báo Lao Động. Nếu không được viết báo nữa, chắc chắn tôi sẽ tìm nghề khác.

Báo Công luận
Nhà báo Cao Hùng đang tác nghiệp 
+ Anh đã làm nghề, làm một phóng viên điều tra với tâm thế như thế nào?

- Tôn trọng sự thật, giữ cho mình đạo đức người làm báo thật trong, thật sáng và luôn yêu, sống chết với nghề. Ngoài ra, một nhà báo, đừng bao giờ đặt cá nhân mình lên trên tờ báo, coi thường bạn đọc. Hãy vì quý trọng danh dự của tờ báo mà mình đang nhận lương, quý trọng bạn đọc của mình, yêu thương đồng nghiệp cùng chí hướng… sẽ giúp mình có nhiều thành công trong chính nghề nghiệp mình đã chọn lựa. Cuộc đời sẽ không phụ mình, nếu mình chân thành và chí cốt với mọi người.

Hãy ráng giữ một cái đầu tỉnh táo

+ Gần đây, một số tạp chí, trang mạng bị xử phạt vì nhiều lý do, trong đó có việc viết sai sự thật, hoặc vi phạm tôn chỉ, mục đích, anh có đánh giá như thế nào?

- Tôi không dám đánh giá, vì gần như cả đời làm báo, chưa bao giờ làm quản lý hay lãnh đạo báo gì cả. Tuy nhiên, với tư cách một người viết báo, chỉ có ý kiến tham khảo. Qua rất nhiều “sự cố” các tờ báo bị đóng cửa, tạm đình bản…, tôi hết sức chia sẻ với những đồng nghiệp bị lâm cảnh ngộ trên. Nghề báo nó giống như cái nghiệp, một định mệnh; dứt bỏ nghề là rất khó… Tôi biết có những nhà báo, dù tờ báo đã bị đình bản, tâm trạng chán chường, nhưng trong trái tim của họ, bao giờ cũng trăn trở với thông tin, khát khao được viết… Do vậy, chúng ta hãy cố giữ cho bằng được cái chỗ chúng ta được viết, được cày xới, canh tác v.v… Trong thời đại thế giới mạng như hiện nay, bên cạnh cái tiện lợi, luôn kèm cái rủi ro. Hãy ráng giữ một cái đầu tỉnh táo trong mọi câu chữ, tít tựa, vấn đề… khi xuất bản, sẽ hạn chế rất nhiều rủi ro, khiến chúng ta không còn đất để cày xới.

+ Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

 

Suốt thời gian dài, tôi không chơi facebook, như để yên phận, tránh nhức đầu. Song, khoảng 2-3 năm gần đây, thấy được cái hay của mạng xã hội, nên tôi cũng tham gia tí chút. Chủ yếu chỉ để quan sát thế giới, cộng đồng, con người quanh mình hơn là thể hiện mình. Với tôi, tham gia facebook với một cái đầu tỉnh táo, không ảo tưởng, sẽ rất tốt cho nhận thức của mình. Nhất là với những người làm báo, vì facebook là một kênh thông tin đa dạng, đa chiều…

 

 


Kiên Giang (Thực hiện)


Tin khác

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo
Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

(CLO) Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hưởng ứng Giải Búa liềm vàng toàn quốc lần thứ IX - năm 2024.

Nghề báo
Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

(CLO) Theo quyết định của T.Ư Đoàn, nhà báo Lê Xuân Sơn - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ nghỉ hưu từ ngày 1/5/2024; Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ phụ trách Báo Tiền Phong từ ngày 1/5/2024 cho đến khi kiện toàn chức danh Tổng Biên tập.

Nghề báo
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo