Đừng để ai phải ân hận vì đã chọn nghề làm thầy

Thứ năm, 02/11/2017 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Nhà giáo nhà nghèo”-cụm từ ấy chẳng biết xuất hiện tự bao giờ- đã chứng minh cho một thực trạng buồn của ngành giáo dục. Vẫn biết thế, nhưng giờ đây câu chuyện cô giáo Trương Thị Lan, sau 37 năm dạy học ở bậc mầm non, nhận quyết định về hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng dường như càng làm nản lòng những người đã và đang làm nghề giáo viên. Một câu hỏi nhức nhối tiếp tục được đặt ra: Liệu ai còn đủ can đảm để tiếp tục cống hiến cho nghề dạy chữ, dạy người khi sự đãi ngộ còn quá thấp?

Chia sẻ câu chuyện về cô giáo Lan, Hiệu trưởng trường mầm non Lê Duẩn (Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nói: “Cầm quyết định vừa được nhận trên tay mà cô khóc không thành tiếng làm cho cả tập thể giáo viên của nhà trường không biết động viên cô bằng cách nào chỉ có khóc theo.

Chúng tôi nghĩ cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân của cô đã cống hiến như vậy, giờ đây ra về chỉ còn tấm thân già cỗi, bệnh tật cộng thêm hoàn cảnh gia đình lại hết sức khó khăn chồng con ốm đau, bệnh tật. Với mức lương như vậy thì thử hỏi sẽ sống sao đây?”. 

Liên tiếp từ tháng 9/2017 tới nay, hàng loạt thầy cô giáo nghỉ việc đã khiến công luận một lần nữa phải nhắc lại câu chuyện: “Đãi ngộ với nghề giáo viên như thế nào cho xứng đáng?”. 

Báo Công luận
Sự đãi ngộ trong nghề giáo còn quá thấp - Ảnh minh họa 
Hàng loạt các thầy cô như cô Nguyễn Thị Thành, giáo viên môn văn của Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) xin nghỉ dạy để về làm nghề bốc thuốc; thầy Đoàn Hùng Cường (Quảng Ninh), người 16 năm trong biên chế, xin nghỉ dạy học vì “phải sống trong cảnh nhà trọ ọp ẹp, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, thiếu thốn” khiến cho sức khỏe “ngày càng suy sụp”; cô giáo trẻ Kim Anh (Cao Bằng), nghỉ dạy để bán hàng online vì lương không đủ sống… Và chắc chắn là còn nhiều trường hợp khác chưa kịp lên mặt báo, công khai trước công luận. 

Là một nước Á Đông thuần nông nhiều nghìn đời, chúng ta luôn coi nghề dạy học là một nghề cao quý. Thời phong kiến, nhiều người từ bỏ chốn đô hội, quan trường, bỏ chốn xa hoa về quê cũ dạy học, hưởng thái bình, thanh bần lạc đạo. Dạy học không chỉ là dạy trẻ con biết đọc, biết viết, mà còn là ươm những mầm non trở thành những người tử tế.

 Nghề “gõ đầu trẻ” thì được sự trân trọng của xã hội. Nhưng đi cùng nó là bi kịch NGHÈO. Người ta nói nhiều về những tấm gương điển hình làm giàu, vượt khó làm kinh tế. Thế nhưng chưa ở đâu, chưa khi nào ngành giáo dục lại có một tấm gương “làm giàu từ dạy học”.

Mang trọng trách đào tạo ra những con người sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước, thế nhưng, chưa bao giờ những người làm nghề giáo viên lại thấy “an tâm” về thu nhập của mình.

Cuộc sống luôn tiến tới bình đẳng và dân chủ, nhưng càng hiện đại, hố sâu ngăn cách về thu nhập ngày càng nới rộng ra. Nghề dạy học thì làm giàu bằng cách nào? Có một nghịch lý là nếu những người thợ, làm công việc lao động bình thường có thể tăng ca để cải thiện thu nhập thì trong giáo dục lại bị cấm dạy thêm, kể cả dạy thêm tại nhà. Thậm chí, đây đó còn có chuyện đi rình rập, bắt quả tang dạy thêm, học thêm, coi người thầy khi dạy thêm như kẻ gian cần phải loại bỏ khỏi xã hội.

Cô giáo Trương Thị Lan kể lại: “Cầm quyết định về hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng từ tay nhân viên kế toán, tôi ngã khuỵu xuống nền nhà, nước mắt giàn giụa. Các đồng nghiệp có mặt lúc đó cũng không cầm được nước mắt bèn ôm tôi khóc”.

Những đồng nghiệp với cô Lan khóc vì thương cô là một lẽ, nhưng có lẽ họ cũng khóc cho chính mình khi chỉ ít lâu nữa thôi, chính họ khi về hưu cũng phải khóc như vậy.

Bên hành lang Quốc hội, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói: “tôi rất trăn trở” khi nói về chuyện thu nhập của giáo viên. Thế nhưng chính ông cũng thừa nhận, chuyện lương hưu hay thu nhập của giáo viên là chuyện của ngành bảo hiểm xã hội hay là do các quy định của Bộ Nội vụ về biên chế.

Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết, để khuyến khích, động viên các thầy cô gắn bó, cống hiến cho ngành giáo dục, Luật Giáo dục sửa đổi đang được xây dựng và theo kế hoạch tháng 5/2018 sẽ trình ra Quốc hội cho ý kiến và dự kiến tháng 10/2018 sẽ được Quốc hội thông qua.

Nghĩa là sau hàng chục năm thực tế và nhận thức, cái kết câu chuyện thu thập của nhà giáo vẫn còn nằm ở thì tương lai. Xin đừng để ai phải hối hận vì đã chọn nghề giáo. Có nghề cao quý thì tốt, nhưng không một ai muốn cao quý trong đói nghèo.❏

Tử Hưng

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn