Thể thao

Đừng để những sai sót ở Wimbledon 2025 cản bước AI hỗ trợ thể thao!

Nguyễn Khánh 18/07/2025 20:12

(CLO) Một số sai sót của hệ thống trọng tài biên tự động tại Wimbledon 2025 đã làm dấy lên nhiều ý kiến phản đối việc áp dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác “cầm cân nảy mực”. Nhưng liệu vấn đề có nên được nhìn nhận theo hướng như thế?

Toàn bộ 300 trọng tài biên mất việc vì AI tại Wimbledon

Trong các giải đấu tennis, trọng tài biên là những người quan sát và đưa ra quyết định về việc quả bóng có rơi trong hay ngoài các đường biên của sân (như đường biên cuối sân, đường biên dọc, hoặc đường giao bóng).

Anh 5
Các trọng tài biên làm nhiệm vụ ở Wimbledon. Ảnh: Wikipedia Commons

Họ thường đứng ở các vị trí cố định quanh sân để theo dõi các đường biên cụ thể, ví dụ: đường baseline (đường cuối sân), đường sideline (đường biên dọc), hoặc đường service line (đường giao bóng). Nhiệm vụ của họ là gọi “out” (ra ngoài) hoặc “fault” (lỗi giao bóng) nếu bóng rơi ngoài khu vực hợp lệ. Quyết định của họ rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số trong trận đấu.

Sở dĩ bài viết đề cập khá kỹ về trọng tài biên như vậy vì Wimbledon 2025, giải đấu kết thúc vào ngày 13/7 vừa qua, lần đầu tiên thay thế hoàn toàn 300 trọng tài biên bằng hệ thống Hawk-Eye Live trên tất cả 18 sân, chấm dứt truyền thống 147 năm sử dụng trọng tài biên con người ở giải Grand Slam sân cỏ.

Hawk-Eye Live là một công nghệ gọi biên điện tử sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Hệ thống này bao gồm 18 camera tốc độ cao được đặt quanh mỗi sân để theo dõi quỹ đạo của quả bóng với độ chính xác cao.

Máy tính và cảm biến sẽ phân tích dữ liệu từ camera để xác định bóng rơi trong hay ngoài biên. Giọng nói tự động (không phải giọng nhân tạo hoàn toàn mà do nhân viên Wimbledon lồng tiếng) sẽ phát ra các thông báo như "Out" hoặc "Fault" qua loa để thông báo kết quả.

Anh 1
Mỗi sân đấu tại Wimbledon 2025 sẽ được trang bị 12 camera tốc độ cao để làm nhiệm vụ thay các trọng tài biên. Ảnh: Wimbledon

Mỗi sân ở Wimbledon 2025 có 12 camera và được giám sát bởi khoảng 50 nhân viên vận hành trong một trung tâm điều khiển, sử dụng 144 màn hình để theo dõi dữ liệu. Một nhân viên có thể giám sát hai sân cùng lúc, và có một trọng tài xem xét (review official) liên lạc với trọng tài chính để xử lý các tình huống bất thường.

Mục tiêu của việc sử dụng hệ thống AI thay thế là nhằm tăng độ chính xác, giảm sai sót do con người, đẩy nhanh tốc độ trận đấu, và giảm chi phí thuê nhân sự. Tuy nhiên, nó cũng làm mất đi yếu tố truyền thống và sự tương tác của con người trên sân, điều mà một số người hâm mộ và tay vợt tiếc nuối.

Hai sai lầm đáng trách của Hawk-Eye Live

Và tâm lý tiếc nuối này càng được đẩy lên cao sau một số sai sót rất đáng tiếc của hệ thống Hawk-Eye Live.

Đầu tiên là lỗi xảy ra ở trận đấu vòng 4 trên sân Trung tâm giữa hai tay vợt nữ Sonay Kartal (Anh) và Anastasia Pavlyuchenkova (Nga). Thời điểm đó, hai đấu thủ đang ở set đầu tiên và tỉ số là 4-4, Pavlyuchenkova đang có lợi thế (game point) trên lượt giao bóng của mình.

Kartal đánh một cú trái tay rõ ràng ra ngoài đường biên cuối sân, cách xa khu vực hợp lệ (TV phát lại sau đó xác nhận bóng ra ngoài khá xa). Lẽ ra, hệ thống Hawk-Eye Live phải tự động gọi "Out" qua loa, và điểm này sẽ thuộc về Pavlyuchenkova, giúp cô thắng game đó (đưa tỉ số lên 5-4).

Tuy nhiên, đã không có tiếng gọi "Out" nào từ hệ thống. Pavlyuchenkova nhận thấy bóng ra ngoài nên dừng thi đấu, và trọng tài chính Nico Helwerth cũng nhận ra điều bất thường, gọi "Stop, stop" để tạm dừng trận đấu.

Sau khi kiểm tra, người ta phát hiện hóa ra hệ thống Hawk-Eye Live đã bị tắt nhầm bởi một nhân viên vận hành trong suốt một game ở phía sân của Pavlyuchenkova. Trong game đó, có ba lần bóng ra ngoài không được hệ thống phát hiện, và hai trong số đó được trọng tài Helwerth gọi trực tiếp.

Tuy nhiên, ở lần thứ ba (cú trái tay của Kartal), ông Helwerth không chắc chắn về quyết định nên đã liên lạc với đội ngũ vận hành Hawk-Eye qua điện thoại. Kết quả, họ xác nhận hệ thống “không thể theo dõi điểm đó” do bị tắt, và theo luật, điểm phải được chơi lại, tức hai tay vợt phải đánh lại pha bóng này.

Kết quả thật tồi tệ: Kartal thắng điểm được chơi lại, sau đó thắng lại game đấu. May là trận đó, Pavlyuchenkova thắng Kartal 2-0 (7-6, 6-4), nên sự cố không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng, nhưng tay vợt người Nga vẫn chỉ trích trọng tài chính vì không tự gọi "Out" dù ông thừa nhận đã thấy bóng ra ngoài.

Pavlyuchenkova đề xuất cần có hệ thống xem lại video (video review) như trong bóng đá để tránh lặp lại sai lầm. Ban tổ chức Wimbledon 2025 cuối cùng đã xin lỗi cả hai tay vợt và điều chỉnh hệ thống để ngăn nhân viên vận hành vô tình tắt Hawk-Eye Live trong tương lai.

hawk-eye-wimbledon.jpg
Một hình ảnh từ hệ thống Hawk-Eye Live tại Wimbledon. Ảnh: SVG

Lỗi thứ hai đến trong trận tứ kết Wimbledon giữa hai tay vợt nam Taylor Fritz (Mỹ) và Karen Khachanov (Nga), khi đôi bên đang ở game đầu tiên của set thứ tư, và Fritz dẫn 15-0 (sau khi thắng hai set đầu 6-3, 6-4 và thua set ba 1-6).

Khi đó, Fritz đánh một cú thuận tay trong một pha bóng (không phải pha phát bóng), và bóng rơi trong sân, cách đường biên cuối sân khoảng 1,2 mét, tức là rõ ràng hợp lệ.

Tuy nhiên, hệ thống Hawk-Eye Live bất ngờ gọi "Fault" (lỗi) ngay giữa pha bóng, khiến trận đấu bị gián đoạn. Trọng tài chính Louise Azemar-Engzell bèn gọi "Stop" để tạm dừng trận đấu và liên lạc qua điện thoại với đội ngũ vận hành Hawk-Eye. Sau đó, bà thông báo: "Chúng ta sẽ chơi lại điểm này vì hệ thống gặp trục trặc. Bây giờ hệ thống đã hoạt động lại”.

Ban tổ chức Wimbledon 2025 giải thích rằng lỗi xảy ra vì một cậu bé nhặt bóng (ball boy) vẫn đang di chuyển qua lưới khi Fritz bắt đầu giao bóng để khởi đầu pha bóng. Hệ thống Hawk-Eye Live nhầm lẫn chuyển động của ball boy với quả bóng, dẫn đến việc không nhận diện đúng thời điểm bắt đầu pha bóng.

Kết quả là hệ thống gọi sai "Fault" (lỗi giao bóng), mặc dù pha bóng đang diễn ra là một cú đánh trong cuộc, không phải giao bóng. Trọng tài quyết định điểm phải được chơi lại, vì bà không thể xác minh ngay lập tức quyết định của hệ thống.

Khán giả trên sân la ó vì không hài lòng với sự cố này. Karen Khachanov thì bày tỏ sự không hài lòng với hệ thống, nói rằng anh thích trọng tài biên con người hơn vì sân đấu cảm thấy "quá trống vắng" khi không có họ. Tay vợt Nga đặt câu hỏi tại sao một hệ thống được cho là chính xác lại mắc lỗi.

Ngược lại, Taylor Fritz cho rằng hệ thống Hawk-Eye vẫn tốt hơn trọng tài con người, vì nó loại bỏ nhu cầu phải khiếu nại các quyết định trong trận đấu. Tuy nhiên, anh thừa nhận vẫn có "một số vấn đề" cần khắc phục.

Áp dụng công nghệ là con đường tất yếu?

Tuy hai sự cố kể trên không phải bước ngoặt thay đổi thành bại của trận đấu, song nó vẫn khiến giới mộ điệu tennis đặt ra nhiều câu hỏi. Rằng, phải chăng công nghệ đang cướp đi công việc của con người, đánh cắp những truyền thống quý giá của môn quần vợt. Và có phải sau tất cả, nó cũng cho thấy rằng máy móc không thể thay thế phán đoán của con người?

Để trả lời những câu hỏi này, trước tiên cần phải nhìn nhận một thực tế rằng Wimbledon 2025 đang sử dụng một phiên bản nâng cấp của cùng hệ thống Hawk-Eye mà họ đã sử dụng từ năm 2007. Và một vài sự cố không nên khiến chúng ta bỏ qua thực tế rộng lớn hơn rằng công nghệ vẫn tốt hơn nhiều so với mắt người.

Máy móc mắc ít lỗi hơn nhiều. Và sự khác biệt là rất lớn. Theo tờ The Guardian, các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng trọng tài biên mắc lỗi khoảng 8% trong các quyết định gây tranh cãi. Nhưng, nếu có, phán đoán của con người còn tệ hơn nhiều.

Tần suất các tay vợt đúng khi khiếu nại một quyết định biên ở Wimbledon năm ngoái là rất thấp. Trong số 1.535 lần khiếu nại ở nội dung đơn nam và đơn nữ vào năm 2024, chỉ có 380 lần (tức chưa đến 25%) dẫn tới việc lật ngược quyết định của trọng tài. Nói cách khác, khi một tay vợt nghĩ rằng bóng đã ra ngoài và đưa ra khiếu nại, họ đã sai ba trong số bốn lần.

Và có một điểm rộng hơn, mà một quan chức Wimbledon đã nhấn mạnh về việc sử dụng công nghệ trong thể thao: Các tổ chức thể thao đang sử dụng công nghệ không chỉ vì các tay vợt, nói chung, muốn nó, mà còn vì nó còn bảo vệ tính toàn vẹn của thể thao và bảo vệ các trọng tài.

Đã qua rồi cái thời mà chúng ta chỉ biết nhún vai trước một quyết định “có mùi” của trọng tài. Và cũng qua rồi cái thời, trọng tài hứng chịu vô số lời đe dọa chỉ vì quyết định của họ là duy nhất, là không thể bị xem lại. Tại World Cup Rugby gần đây, trọng tài Wayne Barnes tiết lộ ông đã nhận được “những lời đe dọa bạo lực tình dục đối với vợ tôi, những lời đe dọa bạo lực nhằm vào con cái tôi”. Và, vị trọng tài này chắc chắn không phải là người duy nhất.

Chưa hết, ngay cả khi các trọng tài làm công tâm và hết sức mình, họ vẫn bị ảnh hưởng vô thức bởi đám đông. The Guardian dẫn chứng về một nghiên cứu trong đó người ta yêu cầu 40 trọng tài bóng đá đánh giá 47 sự cố từ một trận đấu giữa Liverpool và Leicester tại Premier League; một nửa xem với tiếng ồn của đám đông, nhóm còn lại xem trong im lặng. Kết quả là những người xem cảnh quay có tiếng ồn của đám đông đã trao ít lỗi hơn đáng kể (15,5%) cho Liverpool so với những người xem trong im lặng.

Một nghiên cứu khác ở Na Uy cho thấy các đội thành công hơn có nhiều khả năng được hưởng các quyết định phạt đền thuận lợi hơn. Các nhà tâm lý học gọi ảnh hưởng này là sự tuân thủ. Và dù mọi người có thể nói bất cứ điều gì họ muốn về máy móc, chúng chắc chắn cũng miễn nhiễm với điều đó.

Anh 3
Các tay vợt bình quân sai 3/4 lần khiếu nại những tình huống bóng ra biên. Ảnh: Wimbledon

Những người chỉ trích công nghệ trong thể thao thường rất kháng cự với sự thay đổi. Họ cũng đòi hỏi sự hoàn hảo. Nhưng như Voltaire từng nói, “hoàn hảo là kẻ thù của cái tốt”, thay vì bác bỏ, chúng ta nên hỏi, liệu công nghệ có tốt hơn và chính xác hơn những gì đã có trước đây không, và liệu có còn chỗ để cải thiện nữa không?

Hawk-Eye bây giờ chính xác hơn so với khi nó được giới thiệu vào năm 2007. Cùng với sự phát triển của công nghệ và việc tích hợp sâu AI, hệ thống này sẽ còn tốt hơn. Tương tự, dù có rất nhiều người chỉ trích VAR, cách FIFA đã sử dụng công nghệ này tại World Cup và Club World Cup - với ít sự chậm trễ hơn và cho phép người hâm mộ xem các đoạn phát lại mà các trọng tài đang xem - cho thấy VAR đã được cải thiện tốt như thế nào.

“Không có hệ thống nào hoàn hảo 100%, nhưng chúng rõ ràng chính xác hơn nhiều so với việc chỉ dựa vào việc ra quyết định của con người", Matt Drew, chuyên gia của công ty cung cấp dữ liệu thể thao hàng đầu StatsPerform, cho biết. Do đó, chừng nào công nghệ còn giúp đưa ra nhiều quyết định đúng đắn hơn, còn bảo vệ các trọng tài và cầu thủ khỏi sự lạm dụng, thì các tổ chức thể thao còn sử dụng và tinh chỉnh nó, để nó trở nên chính xác hơn và phục vụ con người tốt hơn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đừng để những sai sót ở Wimbledon 2025 cản bước AI hỗ trợ thể thao!
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO