Lỗi đánh máy, lỗi soạn thảo và lỗi do cấp dưới tham mưu đã xuất hiện với tần suất ngày một nhiều trong những năm gần đây, đủ để “lỗi đánh máy hay do cấp dưới” trở thành một cụm từ mới mang đầy sắc thái khôi hài, thậm chí thành câu cửa miệng trong dân gian để giải thích cho mọi sai sót văn bản. Lỗi này xuất hiện phổ biến ở nhiều cơ quan công quyền, từ địa phương cho tới Trung ương.
Cụ thể, theo Thông tư 45 sửa đổi của Bộ Giao thông và Vận tải, từ ngày 15/1/2018, thẻ đảng viên; thẻ nhà báo; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ kiểm soát an ninh hàng không, sân bay; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam không được sử dụng để làm thủ tục để lên các chuyến bay nội địa.Sau đó, Bộ GTVT cũng đã chính thức lên tiếng thừa nhận sai sót trong quá trình soạn thảo, ban hành Thông tư.
Trên một giấy Chứng minh công an nhân dân đã xuất hiện 2 tên gọi của một tỉnh (phía trên thì ghi tỉnh Đắc Lắc và phía dưới thì đánh tỉnh ĐăkLăk), chắc có lẽ cũng do lỗi đánh máy? (ảnh: Cái Văn Long)
Hay, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã ra văn bản đề nghị xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, đưa ra quan điểm bảo vệ bán đảo Sơn Trà và sau đó cấp tốc thu hồi văn bản mà chính ông đã ký. Dư luận rất khó hiểu và bức xúc trước cách làm việc bất nhất này. Sau đó Thứ trưởng Ái đổ lỗi do cấp dưới tham mưu?.
Câu chuyện mới đây, đoàn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về làm việc tại huyện miền núi Hướng Hóa, của tỉnh Quảng Trị Bà Hồ Thị Lệ Hà, Bí thư Huyện ủy chỉ đạo đã tổ chức họp Thường trực Huyện ủy và kết luận chỉ đạo giao Công an huyện theo dõi đoàn kiểm tra Trung ương. Sau khi bị đoàn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện, Hà giải thích chữ "theo dõi" này là do “Chánh Văn phòng” Huyện ủy viết nhầm trong cuốn sổ họp giao ban của thường trực Huyện ủy?.
Một câu chuyện khác, rất nhỏ nhưng cũng đủ cho thấy cách sử dụng quyền lực quan liêu, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế mời người dân đến làm việc và Giấy mời ghi rõ họ tên của một người đã chết cách đó 2 tháng. Bị phản ứng, chính quyền gửi tiếp giấy khác ghi tên của người con trai quá cố và mở ngoặc đơn ghi rõ con của bà... “đã chết chưa”, vừa tối nghĩa vừa vô văn hóa. Thể nào rồi cũng đổ cho “lỗi đánh máy” nhưng người đặt bút ký cả 2 cái giấy mời nói trên rõ ràng là quan liêu, thiếu cẩn trọng. Quan liêu cũng là một biểu hiện của việc lạm dụng quyền lực.
Mới đây, Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên - Môi trường khiến dư luận náo loạn vì làm người dân hiểu là phải ghi tên tất cả thành viên trong gia đình vào sổ đỏ. Bộ này sau đó cũng giải thích một cách rất “phổ biến” là do lỗi soạn thảo, đã gây hiểu nhầm...
Đặc biệt, trong tháng 10 vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đuổi học sinh viên sư phạm nếu bán dâm 4 lần,sau khi bị dư luận phản ứng Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đổ lỗi do cấp dưới tham mưu và hứa sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân những người làm sai".
Cứ mỗi khi văn bản được ban hành bộc lộ sai sót, làm dư luận phản ứng, buộc cơ quan ban hành văn bản phải giải thích, thì ắt hẳn sẽ có một người đánh máy, soạn thảo văn bản trở thành tội đồ. Vì sao các cơ quan công quyền lại chọn cách giải thích này. Họ không hiểu rằng cách giải thích này không hề làm thỏa mãn bất cứ ai, thậm chí còn làm xấu thêm hình ảnh cơ quan công quyền trong mắt người dân? Điều này là do đánh giá thấp trình độ dân trí hay chính các cơ quan này không thể có cách giải thích nào khác trước sai trái rành rành!?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo, thẩm định trong trường hợp văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc, thận trọng khi ban hành văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành luật. Nếu sai, phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu để có hình thức xử lý nghiêm khắc, không nên tiếp tục đổ lỗi cho người đánh máy và do cấp dưới tham mưu.
Việc "đổ lỗi cho đánh máy hay do cấp dưới tham mưu" chưa biết đúng hay sai nhưng văn bản phát hành có chữ ký có đóng dấu. Do đó, người ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chẵng lẻ người đứng đầu biết ký mà không biêt chữ?
Cái Văn Long