Đừng đổ thừa cho thiên tai!

Thứ năm, 22/11/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trận “đại hồng thủy” trút xuống đầu người dân TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sáng 18/11 đã khiến ít nhất 18 người chết, 2 người mất tích, 31 người bị thương, hàng chục ngôi nhà bị sập đổ, vùi lấp. Tất cả đã bàng hoàng, bởi lẽ vì sao một đô thị sát biển lại có thể biến thành sông sau 1 trận mưa 6 tiếng? Vì sao lũ quét, sạt lở vốn thường xảy ra ở miền núi, nay lại gây họa ngay tại thành phố du lịch lớn nhất Nam Trung Bộ này?

1. Thành phố biển Nha Trang sáng ngày 18/11 bỗng trở nên tang thương, khi trận lở núi bất ngờ tàn phá tan hoang nhiều nhà dân, khiến 4 người trong gia đình thầy giáo Trần Hoàng Phong tử nạn oan uổng. Cái chết của họ được cho là do một bể bơi trên đỉnh núi Hòn Xện, nơi được cho phép làm một khu nhà ở cao cấp có tên Hoàng Phú Nha Trang.

Theo giới thiệu, dự án có tổng diện tích 11,2ha được thiết kế xây dựng với 380 căn nhà phố và biệt thự, cùng với đó là các hạng mục: Cung đường khám phá; vườn tri thức; công viên thiếu nhi; con đường cổ tích; đài thiên văn; hồ bơi vô cực;...

Ai đã cho phép doanh nghiệp xây dự án trên núi, khoét đá, phá cây rừng?

Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết, trong quy hoạch 1/500 dự án trên đỉnh núi Hòn Xện (phường Vĩnh Hòa) không có hạng mục hồ bơi. Ông Thọ nói: “Sau sự cố sạt lở núi, đoàn công tác phát hiện chủ đầu tư có dùng máy móc múc đất tạo thành hố sâu nhưng chưa rõ họ làm gì…”.

Ngỡ ngàng hơn, chủ đầu tư giải trình dự án xảy ra sự cố sạt lở là do “mương đón nước” từ sườn núi bị vỡ. Họ gọi đó là “mương nước”, một cái “mương” khổng lồ dài tới 60m, ngang hơn 10m, sâu hơn 1,5m, khi lũ lớn đã thành quả “bom nước” đổ xuống đầu người nghèo ở khu dân cư tạm bợ bên dưới, khiến họ uổng mạng.

Nhà báo Trần Vương Thuấn đã viết: “Hai vợ chồng giáo viên đã bị chôn vùi khi cố cứu 2 đứa trẻ của mình, đứa trẻ chưa biết nói và đứa trẻ chưa kịp học.

Bốn cái cáo phó này xuất hiện với sự “góp công lớn” của một cái bể bơi trên núi, trên đầu khu dân cư. Cái bể bơi vốn sẽ dành cho cư dân cao cấp tắm táp mai sau. Cái bể bơi mà chính quyền địa phương bảo không biết đến sự tồn tại. Cái bể bơi khoét núi mà thành. Cái hồ nước - bể bơi không tồn tại này đã làm điều chứng minh mình có thật, nó vỡ ra và cào nát các ngôi nhà dưới chân mình…”

Báo Công luận
 Lực lượng cứu hộ phải đào bới đất đá bằng tay tại hiện trường vụ sạt lở núi TP. Nha Trang.
2. Ngay từ chiều 19/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tổ chức cuộc họp thông tin về diễn biến thiên tai tại TP. Nha Trang.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn nhận định, có hai nguyên nhân chính dẫn đến thiên tai. Đầu tiên là do mưa lớn, ngoài sức tưởng tượng và vượt ngoài khả năng dự báo. Thứ hai, là tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Sơn, trong suốt 10 năm trở lại đây, TP. Nha Trang chưa có một trận mưa nào lớn như vừa qua. Khu vực chân núi Rớ nơi xảy ra lũ quét, sạt lở đất khoảng 10 năm trước có rất ít nhà dân, công trình hạ tầng nhưng hiện là khu vực phát triển sôi động. Mặt bằng xây dựng nhà dân, các công trình chủ yếu bám vào chân núi, các tác động này sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra sạt lở đất khi có mưa lớn, khi nằm dưới dòng chảy từ đỉnh núi xuống khu vực chân núi.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV quốc gia (Bộ TN&MT) thì cho rằng, TP. Nha Trang hiện nằm trong “vùng mù”, ra đa bị che lấp do sự phát triển của các công trình cao tầng, tín hiệu phản hồi ra đa bị nhiễu, không xác định được các ổ mây gây mưa lớn.

Cũng theo ông Lâm, các khu đô thị, nhà ở ven biển phát triển đã làm hạn chế sự tiêu thoát nước. Sự phát triển mạnh mẽ của các công trình nhà ở dân sinh ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, hay việc san, lấp các khu vực đồi núi để xây dựng nhà…

Trận mưa lũ đã cho thấy hệ thống thoát nước của TP. Nha Trang vô cùng yếu kém.

Theo ông Ngô Khắc Thinh, Phó phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang, ngoài một số điểm ngập “truyền thống”, thì một số nơi ngập sâu do nằm trong vùng của các dự án như, khu đô thị Phước Long, Vĩnh Thái, Phước Hải,… “Ở những nơi này hệ thống thoát nước bị bít hết, có nơi thì chưa hoàn thiện hoặc chưa được đấu nối nên khi mưa nước dồn ứ”, ông Thinh lý giải.

Báo Công luận
 Lực lượng cứu hỗ đưa trẻ em tới khu vực an toàn.
3. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, cho rằng các nơi xảy ra sạt lở đều nằm ở những vị trí nhạy cảm, gần các dự án. “Lâu nay, chúng tôi đã cảnh báo sự bất cập tại các dự án ở TP. Nha Trang. Trong quy hoạch, những dự án ven các núi đồi ở Nha Trang về độ cao đều vượt quá chuẩn quy hoạch chung mà Thủ tướng đã phê duyệt. Các dự án đều vi phạm kể cả quy hoạch sử dụng đất vì tất cả đều quy hoạch rừng và cây xanh ở khu vực đồi núi”, ông Lộc cho biết.

Ông Lộc cho rằng khi các dự án triển khai hay người dân tự ý xây dựng đều phải tác động vào tự nhiên, thay đổi nhiều yếu tố địa chất. Các dự án triển khai đều mang tính chủ quan, không tính toán, lường trước các trường hợp xấu xảy ra. Năm ngoái, khu vực Đường Đệ phường Vĩnh Hòa đã xảy ra vụ vỡ mương khiến nhà cửa người dân hư hỏng, năm trước đó thì sạt núi ở Phước Đồng, đến nay lại vỡ hồ chứa của dự án khu dân cư nhà ở cao cấp Hoàng Phú khiến cả gia đình 4 người chết… “Hậu quả, trách nhiệm này trước hết phải là do chính quyền địa phương chứ đừng đổ thừa cho thiên tai. Đây không phải là lần đầu tiên TP. Nha Trang gặp mưa lớn”, ông Lộc nói.

Vậy là, sự “vỡ trận” của đô thị biển lớn nhất nhì miền Trung, theo chuyên gia quy hoạch, là do “nhân tai” chứ không phải “thiên tai”. Dự án được cấp phép tràn lan, những ngọn núi, quả đồi tuyệt đẹp bao quanh phố biển bị cạo trọc làm dự án,… đã từng được các chuyên gia, báo chí, dư luận cảnh báo nhưng địa phương thường bỏ ngoài tai.

Và đáng lo ngại hơn, không chỉ TP. Nha Trang, nhiều đô thị biển khu vực miền Trung cũng rơi vào tình trạng tương tự, phát triển đô thị nóng và bất chấp, hiện hữu nguy cơ bị mẹ thiên nhiên “trả đòn”. Và người dân, nhất là người nghèo lại thường bị đưa vào tầm ngắm của thảm họa.

Trong sự “vỡ trận” ở Khánh Hòa, những từ như “bất ngờ”, “dồn dập”, “ngoài sức tưởng tượng”,… sẽ không thể là giải pháp để chính quyền nơi đây ứng phó với mưa bão đang tới gần. Và chắc chắn, đó không thể là thứ đem ra để lý giải, đổ lỗi cho thảm họa.

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn