Dùng ngân sách trả nhà đầu tư để xóa các trạm thu phí BOT

Thứ sáu, 22/05/2020 16:09 PM - 0 Trả lời

(CLO) Để xử lý các trạm thu phí BOT đặt sai vị trí gây bức xúc dư luận thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cho phép dùng ngân sách thanh toán cho các nhà đầu tư và xoá các trạm này.

Sự kiện: thu phí

Trạm thu phí trên quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới vẫn chưa thể xử lý các vướng mắc

Trạm thu phí trên quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới vẫn chưa thể xử lý các vướng mắc

Các trạm thu phí BOT đặt sai vị trí gây bức xúc thời gian qua cũng là vấn đề các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhiều nhất tại kỳ họp cuối năm 2019.

Mới đây, trong Báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, 15/19 trạm sai vị trí đã khắc phục tình hình, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên tuyến. Tuy nhiên, còn 4 trạm BOT là Bỉm Sơn (Thanh Hoá), trạm thu phí trên quốc lộ 3 đường Thái Nguyên - Chợ Mới, trạm La Sơn - Tuý Loan và trạm thu phí T2 hoàn vốn cho dự án BOT quốc lộ 91, 91B vẫn chưa thể xử lý do tính chất đặc thù.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, các trạm này vẫn chưa được thu phí, gây sụt giảm doanh thu tại các dự án. "Trường hợp không được khắc phục sớm, sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ, cũng như môi trường thu hút đầu tư tư nhân, tạo áp lực về ngân sách nhà nước trong các giai đoạn tiếp theo", ông lưu ý.

Để xử lý, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cho phép dùng ngân sách thanh toán cho các nhà đầu tư và xoá được các trạm đặt sai vị trí này.

Với trạm thu phí T2, hoàn vốn cho dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91, 91B, phương án xử lý vướng mắc đã được Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang - địa bàn tuyến đi qua, là không tiếp tục thu phí. Cùng đó, Bộ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền dùng ngân sách hỗ trợ cho phần đầu tư quốc lộ 91B, giao UBND thành phố Cần Thơ tiếp nhận, quản lý bảo trì đoạn tuyến quốc lộ 91B đã đầu tư nêu trên.

Trạm Bỉm Sơn (Thanh Hoá) thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây thành phố Thanh Hóa đoạn km0 - km6, theo ông Thể, do trạm nằm ngoài phạm vi dự án nên nếu tiếp tục thu phí để hoàn vốn cho tuyến tránh sẽ phát sinh nguy cơ mất an toàn trật tư, giao thông. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Thanh Hoá, nhà đầu tư nghiên cứu phương án di dời về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn.

Nhưng như vậy có tới 3 tuyến tránh song hành, gồm quốc lộ 1 qua thành phố Thanh Hoá, tuyến tránh phía Đông và phía Tây, và trên tuyến cũng có nhiều vị trí giao cắt nên các xe có thể tránh trạm. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc đặt trạm thu phí trên tuyến tránh phía Tây không thể bảo đảm hoàn vốn cho dự án nên sẽ kiến nghị bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư.

Với trạm thu phí trên quốc lộ 3, thu phí hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp quốc lộ 3 đoạn km 75 - km 100, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất được phương án giảm giá.

Tuy nhiên, theo ý kiến của UBND tỉnh Thái Nguyên, còn một bộ phận nhân dân chưa đồng tình, thường xuyên tụ tập phản đối tại trạm thu phí, yêu cầu xóa trạm và được đối thoại với cấp có thẩm quyền.

Để tránh an ninh trật tự phức tạp khi triển khai thu phí trở lại, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp cùng UBND tỉnh Thái Nguyên có giải pháp. Trường hợp quá khó khăn Bộ này sẽ dừng thu phí và báo cáo Thủ tướng bố trí vốn Nhà nước trả cho nhà đầu tư, xoá trạm trên quốc lộ 3.

Còn với trạm thu phí La Sơn - Tuý Loan, hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng không sử dụng trạm này để hoàn vốn, bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ, bảo đảm hiệu quả tài chính cho dự án. Song theo Bộ Giao thông Vận tải, cơ chế thu phí trạm La Sơn - Túy Loan không chịu tác động của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nên vẫn có thể xem xét tiếp tục cho thu phí.

Về tiến độ triển khai thu giá dịch vụ không dừng (ETC), theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cho biết, đến nay khoảng 40 trạm BOT trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, cao tốc có lưu lượng lớn đã vận hành hệ thống ETC.

Với các trạm BOT còn lại, Bộ Giao thông Vận tải đã đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thứ hai là Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và một số đơn vị có kinh nghiệm về công nghệ thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Còn 4 tuyến cao tốc do Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, Bộ đang phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn và thẩm quyền để sớm triển khai ETC trên các tuyến này.

Thế Vũ

Tin khác

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 14,4%

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 14,4%

(CLO) Ngày 29/3/2024, Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh năm 2023 (kiểm toán), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.

Thị trường - Doanh nghiệp
Quỹ bình ổn xăng dầu bộc lộ nhiều bất cập, vì sao Bộ Công Thương vẫn giữ?

Quỹ bình ổn xăng dầu bộc lộ nhiều bất cập, vì sao Bộ Công Thương vẫn giữ?

(CLO) Bộ Công Thương thừa nhận, thời gian qua, quỹ bình ổn xăng dầu đã bộc lộ nhiều bập cập, tuy nhiên, muốn bỏ quỹ vẫn cần lấy ý kiến để đưa ra các đề xuất phù hợp.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nam A Bank phát hành cổ phiếu ưu đãi Esop cho cán bộ nhân viên

Nam A Bank phát hành cổ phiếu ưu đãi Esop cho cán bộ nhân viên

(CLO) Ngày 29/03, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – HoSE: NAB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Đại hội đã nhận được sự đồng thuận cao, thông qua nhiều quyết sách quan trọng về kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Mumbai (Ấn Độ) lần đầu vượt Bắc Kinh (Trung Quốc) trở thành thủ đô dành cho tỷ phú châu Á

Mumbai (Ấn Độ) lần đầu vượt Bắc Kinh (Trung Quốc) trở thành thủ đô dành cho tỷ phú châu Á

(CLO) Mumbai hiện là thủ đô châu Á có nhiều tỷ phú nhất với con số 92, vượt qua Bắc Kinh với 91 tỷ phú, theo danh sách người giàu toàn cầu của Viện nghiên cứu Hurun.

Thị trường - Doanh nghiệp
Lý do Dubai mất dần sức hút đối với nhà giàu Nga

Lý do Dubai mất dần sức hút đối với nhà giàu Nga

(CLO) Dubai từng trở thành địa điểm được nhiều người Nga yêu thích để gửi tiền hoặc xây dựng cuộc sống mới sau chiến sự tại Ukraine. Sức hấp dẫn đó hiện đang giảm dần khi sinh hoạt phí ở vương quốc hào nhoáng này tăng cao, các ngân hàng ngày càng khắt khe hơn trong việc thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thị trường - Doanh nghiệp