Nỗ lực vì mục tiêu
Có thể thấy, trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nỗ lực không ngừng vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững. Sự thay da đổi thịt trên quê hương là “quả ngọt” xứng đáng cho sức mạnh phối hợp, đoàn kết giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với các sở ban ngành trong suốt chặng đường thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tập thể và đẩy mạnh liên kết sản xuất; kết hợp giữa ưu tiên chỉ đạo điểm và triển khai trên diện rộng, trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đã đăng ký và có khả năng phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2018.
Theo đó, sau hơn hai năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các chỉ tiêu chủ yếu được triển khai thực hiện hiệu quả, cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra. Cùng với đó là những cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM); xây dựng các mô hình mới, sản xuất an toàn, liên kết theo chuỗi khá hiệu quả...
Nhờ vậy, năm 2017, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 6.862 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt là 3.263 tỷ đồng (chiếm 47,6%); chăn nuôi đạt 1.490 tỷ đồng (chiếm 21,7%); thủy sản đạt 237 tỷ đồng (chiếm 3,5%); lâm nghiệp đạt 1.686 tỷ đồng (chiếm 24,5%); dịch vụ nông, lâm nghiệp đạt 186 tỷ đồng (chiếm 2,7%).
Giá trị sản phẩm trên một héc - ta đất sản xuất trồng trọt đạt 57 triệu đồng (tăng 1,43 triệu đồng so với năm 2016, tăng 2,76 triệu đồng so với năm 2015); nuôi trồng thủy sản đạt 120 triệu đồng (tăng 8,35 triệu đồng so với năm 2016 và tăng 13,19 triệu đồng so với năm 2015). Toàn tỉnh có thêm 15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 33 xã.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I, giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 1.600 tỷ đồng, bằng 23,12% kế hoạch. Toàn tỉnh đưa vào gieo cấy được 19.458ha lúa đông xuân, đạt 103,3% kế hoạch; tổng đàn gia súc chính đạt 637.459 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 11.579 tấn, bằng 25,7% kế hoạch. Toàn tỉnh trồng mới được 6.013ha rừng, đạt 40% kế hoạch.
Nhiều chính sách hỗ trợ triển khai đồng bộ, tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất hàng hóa bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Phấn đấu hết năm 2018, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Triển khai đồng bộ chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM
Để đạt được hiệu quả cao nhất và một nông thôn mới bền vững, Sở phối hợp với các đơn vị khác trong tỉnh sẽ tiếp tục các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là đối với những xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Sở thường xuyên rà soát, đánh giá các tiêu chí, nhất là những tiêu chí có khả năng biến động như cơ sở hạ tầng giao thông, thu nhập bình quân đầu người, môi trường, cơ sở vật chất giáo dục.
Sở đã phân công đoàn thể phụ trách các tiêu chí để duy tu bảo dưỡng thường xuyên… để không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục hoàn chỉnh các tiêu chí và đề xuất chính sách bố trí kinh phí thưởng cho các xã làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, rà soát, đánh giá các tiêu chí chưa đạt để có giải pháp, chỉ đạo khắc phục những khó khăn, hạn chế. Tiến hành lồng ghép các nguồn vốn để phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội với phương châm nâng đầu, đỡ cuối trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; trước mắt ưu tiên tập trung hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước cho các xã điểm, xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các sở ban ngành trong tỉnh nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” ở tất cả các xã. Tăng cường công tác xây dựng và đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là cán bộ cấp xã và thôn, bản.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng cấp ủy, chính quyền trong sạch, vững mạnh; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, quy hoạch đội ngũ kế cận và đề xuất việc tuyển dụng, bổ sung, thay thế công chức cấp xã còn thiếu, không đáp ứng yêu cầu.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2018, Yên Bái phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,5%. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 300.000 tấn (trong đó sản lượng thóc là 205.000 tấn, sản lượng ngô là 95.000 tấn); sản lượng chè búp tươi là 75.000 tấn, riêng sản lượng chè búp tươi chất lượng cao 15.000 tấn; tổng đàn gia súc chính đạt 695.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 45.000 tấn; trồng mới 15.000 ha rừng; 12 xã đạt chuẩn NTM.
Về giá trị sản phẩm thu được trên một héc - ta đất sản xuất, phấn đấu đạt 58,5 triệu đồng và đạt 129 triệu đồng trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản... vì năm 2018 là năm nông nghiệp Yên Bái sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng đồng thời cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến khó lường của khí hậu, thời tiết.
Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm là việc nâng cao nhận thức và hành động về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao, trên cơ sở tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với XDNTM.
Trong trồng trọt, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm có thế mạnh và khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Trong chăn nuôi, các địa phương cần điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt Sở cũng định hướng, triển khai đồng bộ chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM.
Vì thế, chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chỉ đạo triển khai có hiệu quả; đến hết quý I, trên địa bàn toàn tỉnh có 34 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong quý II, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung hỗ trợ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản an toàn theo chuỗi; tiếp tục tham mưu bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản sạch an toàn bền vững, có sự liên kết theo chuỗi; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đăng ký nhãn mác hàng hóa nông, lâm nghiệp của tỉnh.
Trong đó chú trọng vào các sản phẩm chủ lực; tập trung chỉ đạo nông dân trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi, tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; tập trung chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đã xây dựng, phấn đấu hết năm 2018, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Đắc Nguyên