“Dưới mái hiên nhà” hay câu chuyện về nghệ thuật “Thưởng Trà”

Thứ năm, 14/01/2021 10:43 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Khác với những gì mọi người nghĩ về một cuốn sách về Trà, “Dưới mái hiên nhà” là một cuốn sách dung dị, gần gũi mà những người quan tâm tới Trà nên có. Cuốn sách được viết bởi vợ chồng Việt Bắc - Ngọc Linh, trong đó, Việt Bắc là người đã có 10 năm làm nghề, nghiên cứu Trà.

Kỳ ngộ

Khi nhắc đến trà, chúng ta thường nghĩ ngay đến một sự cầu kỳ đặc biệt: Uống trà cần có thời gian thảnh thơi, tâm hồn thư thái, người uống trà cần có những trải nghiệm trong cuộc sống, cần trải qua cay đắng ngọt bùi, uống trà cần một không gian trầm mặc để suy tư, thưởng thức trà là một thú vui của người già… Thế nhưng thưởng trà trong “Dưới mái hiên nhà” muốn truyền tải rằng nó không nhất thiết phải theo một khuôn khổ, một quy định khắt khe, không nhất thiết phải uống trà chuẩn kiểu, mà hãy thuận theo tự nhiên thưởng trà theo cách của chúng ta.

Bìa sách “Dưới mái hiên nhà”.

Bìa sách “Dưới mái hiên nhà”.

Sinh năm 1984 và tự mày mò, nghiên cứu, làm nghề một cách nghiêm túc, Việt Bắc đã đi con đường Trà được hơn 10 năm. Trải qua nhiều công việc khác nhau, từ Giám đốc một công ty IT, chủ spa, Việt Bắc đã từ bỏ hết để đến với Trà. Khởi đầu bằng việc “đi thăm thú mọi nơi cho biết”, anh qua Suối Giàng, Tà Xùa, Thanh Sơn, Tân Sơn... Tháng 7/2012, anh tới Thái Nguyên và bước chân vào “cuộc định mệnh”.

Khác với kỳ vọng sẽ nhìn thấy những cây trà kỳ vĩ mà sách báo vẫn ghi, Bắc chỉ thấy mùi thuốc hóa học, thấy những bóng người với bình phun trên lưng, động cơ nổ giòn và một màn sương từ chiếc vòi to dài. Quanh đó là những cây trà cổ thụ chết khô. Và Việt Bắc chỉ tìm được những cây trà thực thụ cho đến khi anh lên tới Tà Xùa, ngắm những cây trà cao cả chục mét, chồi non xanh mơn mởn, anh quyết định tìm hiểu, rồi tự tay chế biến loại trà Tà Xùa, rồi đời anh gắn với đời Trà lúc nào chẳng hay.

Năm 2016, anh gặp Ngọc Linh, rồi cả hai kết đôi, trở thành vợ chồng. Bắt đầu cuộc hành trình xây dựng một “hiên nhà” cùng nhau.

“Dưới mái hiên nhà” là cuốn sách về trà lần đầu tiên được viết bởi một thợ trà sau 10 năm lăn lộn với nghề. Qua hơn 200 trang sách, bạn sẽ biết về tác dụng của trà trong cuộc sống gia đình trong lễ nghi hằng ngày, thậm chí cả việc dùng trà như một vị thuốc, rồi cách thức chọn ấm, chén cho bàn trà tại gia, và cách phân biệt các loại trà phổ biến.

Ngoài những kiến thức về văn hóa, cuốn sách còn hướng dẫn cách dệt các loại hương đơn giản cho trà với vài loại hoa quen thuộc mà bạn dễ dàng tìm thấy như nhài, cúc, sen…

Đọc xong cuốn sách bạn đọc sẽ hiểu vì sao trà lại quen thuộc với đời sống người dân Việt như vậy và bạn cũng biết cách tự pha cho mình một ấm trà ngon để hàn huyên cùng người thân yêu trong một ngày rảnh rỗi, từ đó tìm được góc bình an của chính bản thân mình trong nhịp sống vội vã của đô thành hiện đại.

Ngoài những kiến thức được sẻ chia, cuốn sách còn là cuộc đối thoại giữa người chồng Việt Bắc và người vợ Ngọc Linh, về Trà. Hai góc nhìn khác nhau giữa một người nghiên cứu, làm nghề suốt 10 năm, có những chính kiến riêng, khắt khe và kiêu hãnh, với một người chỉ đơn giản là người dùng và yêu mến trà, đồng hành cùng người chồng với trà nhiều năm.

Cuộc sống gia đình với Trà được cả hai khắc họa rõ nét thông qua các bài viết: “Bàn trà gia đình”, “Trà Tà Xùa”, “Uống thôi nhé Trà ơi”… Những gì được viết lên, chỉ là những điều bình thường và hoàn toàn dung dị của một gia đình làm nghề thủ công, một cuộc sống lãng mạn, tràn ngập yêu thương giữa vợ, chồng, con cái, bạn bè. Các cuộc chơi với trà được người chồng tổ chức thông qua việc làm trà dệt hương với các dụng cụ dễ dàng tìm thấy trong nhà, cách chọn ấm chén cho bàn trà phù hợp tại gia đình, cách pha tinh giản…

Đồng hành

Mặc dù có nhiều kiến thức được Việt Bắc đưa vào, nhưng anh luôn ủng hộ người dùng tự có trải nghiệm cá nhân với gia đình. “Nay, những ngôi nhà cứ lạnh dần đi, chúng ta thiếu vắng bữa cơm chung, thiếu vắng khoảnh khắc sum vầy và đốm lửa nhỏ sưởi ấm. Dẫu chẳng dám hy vọng cuốn sách này là đốm lửa nhỏ, nhưng tôi mong rằng nó sẽ là một que diêm để khi bật lên, bạn sẽ bắt đầu hoặc tiếp tục nhen nhóm những điều đẹp đẽ. Đừng mong chờ những điều kỳ vỹ, cuốn sách chỉ là những thứ bình dị và thân thuộc mà thôi”, Việt Bắc chia sẻ.

Vợ chồng Việt Bắc – Ngọc Linh trong buổi ra mắt cuốn sách “Dưới mái hiên nhà”.

Vợ chồng Việt Bắc – Ngọc Linh trong buổi ra mắt cuốn sách “Dưới mái hiên nhà”.

Còn người vợ, lại kể chuyện nhà chuyện cửa, mà trong đó, Trà là một thành viên, một chất keo gắn kết cả gia đình. Đối với Ngọc Linh, Trà chỉ là một thức uống đơn thuần có nhiều thú vị cho nhiều trải nghiệm về sắc, hương, vị. Mỗi lần pha trà là một lần được chơi với Trà cùng nhiệt độ, là khoảnh khắc lặng thinh yên tĩnh giữa đêm khi đóng trà và đôi tay thơm mùi trà khô. Và quan trọng hơn hết, bàn trà tại gia đã trở thành một nơi tụ họp mọi cảm xúc: nơi vợ chồng làm lành với nhau sau trận cãi vã, nơi con cái nghe cha mẹ dạy bảo, nơi tiếp đón bạn bè gần xa, nơi những bận rộn, buồn phiền, mạng xã hội với những chiếc likes được đặt phía sau một chén trà.

Nhà mình, có cái bàn trà vạn năng như thế. Mọi lúc vui, buồn, chán, hoạt động đều xoay quanh cái bàn trà như thể nó là một thành viên chưa bao giờ thiếu trong gia đình. Mỗi lần đi xa hay có việc đâu đó rời Hà Nội vài ba ngày, mình luôn nhớ mùi khói thuốc mà bạn cùng nhà ngồi đối diện hay hút, mình cũng nhớ tiếng nước rót vào chén hay thứ hương cốm ngọt ngậy của Bạch Hạc. Mình nhận ra một điều rằng, bất kể có chuyện gì xảy ra với bản thân vào ban ngày thì quan trọng nhất là đến tối bạn có một chỗ để trở về - Nơi mà có người mừng khi nhìn thấy bạn. Chẳng có gì tệ hơn là sự cô độc và lẻ loi ngay trong căn nhà của mình. Đã bao lâu rồi bạn chưa uống trà?”.

Ngoài ra, trong cuốn sách, bạn cũng sẽ được tìm hiểu về những Trà Nương - người phục vụ tại quán trà. Các cô gái sẽ được học tất cả về trà, học cách rót, cách đi đứng, nói năng nhẹ nhàng và quán xuyến công việc nhà. Tới khi thân quen với Trà, Trà Nương sẽ chơi một cuộc chơi rất khác, của riêng mình, dựa trên cá tính của mỗi cá nhân để cảm nhận, hiểu thêm và yêu Trà.

Rồi thi thoảng, cũng có khi là thường xuyên, chiếc tống chẳng có quai trở nên nóng hơn 70 độ khiến cho ngón trỏ, ngón cái cùng ngón giữa bị bỏng nhẹ vì cố giữ khi rót trà; cũng có khi là vì nhỡ tay trượt qua chiếc ấm đồng mới đun sôi trên bếp hay bị nước nóng bắn vào mà giật mình khiến ấm chén bị vỡ. Cũng có khi, là pha trà bị cháy, khách thắc mắc sao hôm nay trà lại có vị chát không ngọt giống hôm trước thì bẽn lẽn đỏ mặt, xin lỗi rồi đổi ấm trà khác. Cũng là lúc, tự dưng nhận ra hồng trà thì hợp với chén miệng rộng, Bạch Hạc mùa hạ có vẻ chát hơn, màu cũng xanh hơn khi vào mùa đông hoặc xuân, hay là lúc nhận ra “con mắt sáng tinh” dưới đáy chén thiên mục khi rót vào Phổ Nhĩ... Mọi việc cứ thể, chậm chạp khác đi từng ngày, rồi trở nên bình thản và bình thường. Làm Trà Nương, xem ra cũng không khó, như ta nghĩ lúc đầu”.

Khép lại hơn 200 trang sách “Dưới mái hiên nhà”, qua những tâm sự nhỏ nhẹ của đôi vợ chồng làm trà, có thể thấy Trà thật gần gụi và đầy thân thuộc. Không tham vọng biến văn hóa uống trà của dân tộc thành thứ gì đó cao siêu, mĩ miều, không cường điệu việc thưởng trà thành nghệ thuật hay những thứ cầu kỳ, tỉ mỉ... trong con mắt của vợ chồng Việt Bắc, trà trước hết là thức uống, sau đó là tình thân. Lẽ tất nhiên, những điều này đều được vợ chồng anh gửi gắm nơi đứa con tinh thần của mình: cuốn sách “Dưới mái hiên nhà”.

Hoàng Lan

Tin khác

Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

(CLO) Cùng với các nghi lễ, các hoạt động, trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư cũng là nguồn sử liệu vô cùng quý giá góp phần làm sáng rõ một giai đoạn quan trọng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Hội thi chèo thuyền tại lễ Hội hoa lư năm 2024

Hội thi chèo thuyền tại lễ Hội hoa lư năm 2024

(CLO) Ngày 18/4/2024, Hội nông dân huyện Hoa lư đã tổ chức Hội thi chèo thuyền khéo tại lễ Hội hoa lư năm 2024. Hội thi có sự tham gia của đội thi xã Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Hải.

Đời sống văn hóa
Trưng bày chuyên đề 'Kinh đô Hoa Lư - Theo dòng lịch sử'

Trưng bày chuyên đề 'Kinh đô Hoa Lư - Theo dòng lịch sử'

(CLO) Bảo tàng Ninh Bình đã tổ chức trưng bày hình ảnh và hiện vật phục vụ Lễ hội Hoa Lư năm 2024 với chuyên đề "Kinh đô Hoa Lư-Theo dòng lịch sử" trong 3 ngày (17-19/4/2024).

Đời sống văn hóa
Quần thể Danh thắng Tràng An góp mặt trên 'bảo tàng số' Google Arts & Culture

Quần thể Danh thắng Tràng An góp mặt trên 'bảo tàng số' Google Arts & Culture

(CLO) Triển lãm trực tuyến về Quần thể danh thắng Tràng An trên Google Arts & Culture chính thức ra mắt ngày 18/4, với sự hỗ trợ của Google Arts & Culture và UNESCO World Heritage.

Đời sống văn hóa
Linh thiêng “Quốc Ẩm Việt Trà” dâng lên Quốc tổ Hùng Vương

Linh thiêng “Quốc Ẩm Việt Trà” dâng lên Quốc tổ Hùng Vương

(CLO) Cùng với lễ giỗ tổ tại Đất tổ - Đền Hùng Phú Thọ, người dân vùng đất Tây nguyên cũng hướng về và thành kính tổ chức lễ Giỗ tổ tại quần thể di tích Đền Hùng trên núi Phượng Hoàng trấn linh, đèo Prenn, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Đời sống văn hóa