Nhà báo Tuấn Linh – Tổng biên tập báo Gia đình & Xã hội:

Đường dài không hẳn phải đường to

Thứ ba, 05/02/2019 02:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tôi coi cuộc trò chuyện với nhà báo Tuấn Linh như một buổi “đào tạo” về nghề trong bối cảnh CMCN 4.0 đang len lỏi vào từng ngõ ngách. Những điều ông chia sẻ chính là kỹ năng mềm để “đối diện” với thách thức, khó khăn.

Việc lựa chọn phải có tầm nhìn xa để dẫn dắt tờ báo đi đường dài

+ Tờ báo Gia đình & Xã hội trực thuộc Tổng cục Dân số - Bộ Y tế với ít nhiều lợi thế về tài chính trong cơ chế Nhà nước hỗ trợ, chắc cũng không quá áp lực trước những xu hướng mới cạnh tranh về thông tin và truyền thông của CMCN 4.0, thưa Tổng biên tập?

- Đó là câu chuyện của quá khứ. Chúng tôi đã thực hiện tự chủ 100% nhiều năm nay. Cũng có nhiều khó khăn, thách thức khi phải ngắt “bầu sữa” từ Nhà nước, thậm chí áp lực còn lớn hơn nhiều lần so với những tờ báo thị trường không được bao cấp. Bởi họ quen với việc tự lực cánh sinh ngay từ đầu, không quá đặt nặng phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, còn những đơn vị buộc phải “cai sữa” sẽ là cả một quá trình thích nghi không dễ vượt qua. Tiếp đó là “sóng gió” khách quan, sự cạnh tranh rất lớn về môi trường làm nghề, như công nghệ, các loại hình báo chí, mạng xã hội... mà bất cứ tờ báo nào cũng phải đối mặt thì với chúng tôi điều ấy được gọi là “khó khăn chồng khó khăn”.

TTL anh 2

+ “Trăm dầu đổ đầu tằm”, rõ ràng đây đang là thời điểm thể hiện bản lĩnh “vượt sóng” của các Tổng biên tập. Ông đã tìm cách tháo gỡ thế nào với bối cảnh này, thưa ông?

- Tôi mới ngồi ghế Tổng biên tập chưa lâu, nhưng trước đó lãnh đạo tòa soạn luôn phải đau đầu để giải quyết khó khăn. Phải nói là, với mô hình cơ quan báo chí nhà nước chuyển mình trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay quả thực quá khó khăn với người làm lãnh đạo, câu hỏi  tiền đâu để đầu tư, tiền đâu để trả lương cho cán bộ... lúc nào cũng thường trực. Không đủ tài chính thì thương hiệu tờ báo xuống dần, nhân sự giỏi bỏ đi. Chưa nói đến việc lương thưởng không đủ sống, cán bộ, phóng viên có thể vì sức ép thu nhập dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức làm báo trong quá trình tác nghiệp. Thực tế là cơ quan báo chí vừa phải làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, tuyên truyền cho các nhiệm vụ chính trị của ngành mình, vừa phải thực hiện mô hình tự chủ tài chính, nghĩa là hoạt động như một doanh nghiệp, nhà nước không bao cấp ngân sách. Để đi được “bằng hai chân” như thực tế này là một bài toán vô cùng hóc búa, khó giải quyết đối với các tòa báo.

Vì vậy, câu chuyện tìm lối đi phù hợp, để xác lập đường đi của tờ báo một cách bài bản, xác định một cách rõ nét “đầu ra” công chúng cho báo mình, chuyên tâm và đầu tư sản phẩm tốt nhất; tăng cường sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp bên ngoài vào tờ báo; thực hiện các hoạt động kinh tế ngoài báo chí… Đó là hướng mà chúng tôi đang đi. Tôi luôn nghĩ bất cứ “quốc lộ” nào cũng sẽ có một “ngách” nhỏ cho riêng mình, nhưng việc lựa chọn phải có tầm nhìn xa để dẫn dắt tờ báo đi đường dài chứ không nhìn trước mắt hay vì lợi ích cho cá nhân.

TTL anh 3

Có một ngách nhỏ mang tên “dân sinh”

+ Ngồi “ghế nóng” thời buổi này thật áp lực. Vậy mà tôi thấy báo GD&XH vẫn ổn, lương vẫn đều và nhuận bút vẫn khá. Đường dài này có lẽ đang rất thênh thang?

- Đường dài không hẳn phải đường to. Có một ngách nhỏ mang tên “dân sinh” là lựa chọn và định hướng nội dung của tờ báo. Chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn với cách đi riêng mà nghĩ lại tôi cho rằng, đó là hướng đi phù hợp. Chúng tôi không chạy theo phong trào mà luôn suy nghĩ đến nhu cầu thực tế của công chúng. Trong thách thức chúng tôi nhìn thấy cơ hội của mình. Vì thế, nhiều năm nay báo GĐ&XH tập trung đi sâu vào các vấn đề dân sinh, nhìn vấn đề xã hội từ góc độ gia đình. Tôi cho đó là phân khúc thị trường được quan tâm hàng đầu hiện nay. Nội dung trọng tâm hướng vào đối tượng tiềm năng nhất, đưa ra các thông điệp ý nghĩa, sản phẩm phù hợp với công chúng mục tiêu. Các vấn đề gia đình, y tế, sức khỏe cộng đồng... có dư địa rộng lớn là lợi thế mà chúng tôi đang tích cực tận dụng hướng đến tính thiết thực, bổ ích trong đời sống xã hội.

+ Chỉ tận dụng lợi thế đã đủ? Tôi thấy báo đã đi “nước cờ” rất nhanh từ báo in sang báo điện tử. Việc thay đổi tư duy ấy có gặp khó về nguồn lực không, thưa ông?

- Dĩ nhiên rồi. Đây cũng chính là nút thắt và rào cản cực lớn mà chúng tôi phải vượt qua. Báo GĐ&XH từ trước đến nay vẫn đi theo lộ trình, báo điện tử cũng vậy. Giai đoạn trước, báo đã có những tờ chuyên sâu về sức khỏe, về mẹ và bé, có những tờ hướng dẫn kỹ năng cho người dân tộc miền núi, biển đảo... Nhưng giai đoạn này, báo in không còn hiệu quả, quảng cáo trên báo in không có nhiều mà đã dồn sang báo điện tử. Vì thế, chúng tôi buộc phải bỏ bớt một số ấn phẩm báo in để tập trung vào làm điện tử, bằng cách mở rộng các chuyên trang điện tử với nhiều phân khúc bạn đọc khác nhau.

Tuy nhiên, quá trình chuyển mình từ báo in sang báo điện tử gặp khá nhiều trở ngại. Nhất là theo lộ trình của tòa soạn hội tụ, xảy ra sự va chạm về nhận thức đôi khi rất căng thẳng và gay gắt. Tư duy làm báo in đã ăn vào máu giờ phải chuyển đổi là chuyện rất “bĩ cực” đối với nhiều người. Đó là sự thay đổi thói quen, tư duy công việc và cách tiếp xúc công việc.

TTL anh 5

+ Rồi cả chuyện “chảy máu chất xám”. Thưa ông, điều này liệu có ảnh hưởng ít nhiều tới tờ báo?

- Đúng vậy, nhưng ở đời không phải chỗ nào trả lương cao cũng tốt. Quan trọng là phải tạo tâm lý thoải mái cho nhân viên cảm giác cơ quan như ngôi nhà của họ. Ứng xử của người lãnh đạo rất quan trọng, không thể vì áp lực với đổi mới mà thiếu chia sẻ và mở rộng cơ hội phát triển cho nhân viên được. Cách tòa soạn ứng xử minh bạch rõ ràng và đánh giá đúng chất lượng của từng người, ai cũng làm việc và mỗi người phải tự tạo ra giá trị cho mình, cho đơn vị. Giá trị của họ làm ra chính là nồi cơm của tòa soạn, vì vậy lãnh đạo làm sao phân chia lợi ích cho công bằng. Tất nhiên là, không thể cản trở nhân viên, thậm chí cả lãnh đạo khi họ đã muốn “sang câu lạc bộ khác có lương cao” vì đó cũng là lẽ thường của cuộc sống mưu sinh mà. Nhưng thật may mắn với GĐ&XH, đến thời điểm này chưa có một lãnh đạo nào của báo ra đi mà tạo ra sự khủng hoảng cả.

Phóng viên không làm chủ được công nghệ làm báo sẽ tụt hậu

+ Việc làm báo điện tử bắt nhịp xu thế mới như ông nói, thật không đơn giản chỉ là sự dịch chuyển vị trí hay sắp xếp tổ chức, thưa Tổng biên tập?

- Rõ ràng rồi. Với báo in nếu viết xong thì ném cho thư ký tòa soạn, còn báo điện tử khi xong một bài thì phải nghĩ ngay đến bài tiếp theo. Cứ hình dung cuộc đời như một cái bánh xe quay hết ngày này đến ngày khác chính là công việc của người làm báo điện tử. Báo điện tử phải cập nhật hằng ngày, hằng giờ, đáp ứng tiêu chí, một là viết phải có bạn đọc, hai là viết phải nghĩ đến mình – phải tư duy thực tế để rèn kỹ năng “tỉa tót” nội dung của sự kiện, tạo ra nguồn tài nguyên bài vở nhiều từ đó mới có mức nhuận bút cao. Phóng viên ngoài việc viết ra thì phải hiểu về công nghệ và thành thục các kỹ năng làm báo thời công nghệ chứ không như trước đây nữa. Nếu không làm chủ được việc này thì sẽ tụt hậu.

Với báo Gia đình & Xã hội, bây giờ báo điện tử đã gánh được gần hết chi phí cho tòa soạn, với nhân lực khoảng 80 người. Chúng tôi hoàn toàn xây dựng đội ngũ phóng viên làm nội dung chuyên sâu mà không bị ép về doanh số quảng cáo. Mô hình quản trị của báo tương đối mạch lạc về phân loại, quản trị, xếp hạng. Không có chỉ tiêu kinh tế nhưng chỉ tiêu về view, chỉ tiêu về nội dung - đó là yêu cầu bắt buộc.

anh 1 (39)

+ Nhưng chuyện câu view cũng đã không còn như xưa nữa, thưa Tổng biên tập?

- Chúng tôi luôn xác định, với báo điện tử thì mục đích cuối cùng phải là có bạn đọc. Xu hướng bạn đọc cướp giết hiếp thuần túy bây giờ không “ăn” nhiều view nữa, chỉ có thể đạt ở mức trung bình thôi (trừ những vụ rúng động xã hội). Như bạn nói, đã qua cái thời sốc, sex, sến thì view cao rồi. Quan trọng nhất là đi vào đời sống những cái thiết thực, bổ ích mới thực sự là những vấn đề được nhiều người quan tâm. Nói đúng hơn là đã qua thời câu view rẻ tiền, thậm chí báo nào lừa bạn đọc bằng những thứ giật gân, sẽ “gậy ông đập lưng ông”, làm giảm niềm tin với bạn đọc. Đến bây giờ thì chúng tôi đã cơ bản ổn định, có một con đường và một mục tiêu lâu dài để cùng nhau đi một chặng đường xa nữa. Tiến tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đầu tư thêm về các mảng truyền thông bên ngoài, tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên về lĩnh vực của ngành chẳng hạn... Dù khó cạnh tranh với những tờ báo điện tử lớn hiện nay, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng dẫn đầu một vài phân khúc là thế mạnh của chúng tôi.

+ Vâng, xin cảm ơn ông!

Hà Vân (Thực hiện)

Tin khác

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo
Tạo môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động

Tạo môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động

(CLO) Chiều 17/4, Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động”. Hội thảo đóng góp nhiều ý kiến, trong đó có việc đổi mới trong xây dựng văn hóa, tinh thần cho người lao động, từ đó tránh xa tín dụng đen và tệ nạn xã hội.

Nghề báo