Dưỡng sức cho nhân viên y tế: Cần xây dựng chính sách tổng thể

Thứ sáu, 21/01/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho y tế cơ sở đang là bài toán đặt ra cấp bách để đất nước có thể đứng vững trước những đợt sóng dồn dập của đại dịch.

Để giải quyết vấn đề này, một trong những vấn đề cần quan tâm hàng đầu là có chính sách đãi ngộ tương xứng với khó khăn, vất vả mà lực lượng y tế cơ sở đang phải đối mặt, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc. Nhiều chuyên gia y tế mong rằng 2022 là năm Nhà nước sẽ thay đổi được câu chuyện chế độ với ngành Y bằng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong phòng chống dịch nói chung và quan tâm hơn tới lực lượng tuyến đầu nói riêng. Cùng với đó là sự đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

duong suc cho nhan vien y te can xay dung chinh sach tong the hinh 1

Giữ nhân lực cho tuyến đầu

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 145/NQ-CP điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, tăng mức phụ cấp cho lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương có ca mắc COVID-19 cao như nhân viên y tế, quân đội, công an... Đây là nguồn động viên về vật chất, tinh thần cho những nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Trong những ngày cả nước đương đầu với đại dịch COVID-19, rất khó để kể hết sự nỗ lực, hy sinh của các lực lượng trên tuyến đầu. Từ khi dịch COVID-19 bắt đầu ảnh hưởng đến nước ta, cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên và các cấp, ngành, địa phương đã không quản ngại khó khăn, vất vả, cống hiến hết mình để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế, lực lượng tuyến đầu đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực khi số ca nhiễm đang ở mức cao, cùng với đó là những trường hợp tiếp xúc gần trong diện F1, F2. Áp lực công việc đè nặng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nhân viên y tế không thể tiếp tục gắn bó với nghề.

Thống kê tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong 10 tháng năm 2021 đã có gần 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc, lý do chính là vì sức ép công việc, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Một vấn đề đáng lưu tâm là số nhân viên y tế nghỉ việc chủ yếu tập trung ở tuyến cơ sở, khiến lực lượng y tế ở cấp xã vốn đã mỏng nay lại càng thiếu hụt, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch.

Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho y tế cơ sở đang là bài toán đặt ra cấp bách để đất nước có thể đứng vững trước những đợt sóng dồn dập của đại dịch. Để giải quyết vấn đề này, một trong những vấn đề cần quan tâm hàng đầu là có chính sách đãi ngộ tương xứng với khó khăn, vất vả mà lực lượng y tế cơ sở đang phải đối mặt, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc. Cùng với chính sách chung, nhiều địa phương trên cả nước đã có phương án dành nguồn lực từ ngân sách để hỗ trợ nhân viên y tế, trong đó có tính đến những yếu tố đặc thù, tính chất phức tạp trong công việc hằng ngày.

Bên cạnh cơ chế, chính sách đãi ngộ, việc tăng cường, bổ sung nhân lực cho ngành y tế, nhất là những người trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân F0 cũng cần được quan tâm hơn nữa. Có những tâm sự nhói lòng của y, bác sĩ, điều dưỡng viên khi trên địa bàn khoảng 100.000 dân nhưng chỉ có 9 nhân viên y tế, mỗi trạm y tế lưu động đảm nhận chăm sóc 850 F0.

Làm việc liên tục 24 giờ trong nhiều ngày liền đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, khiến cho những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch bị quá tải, rơi vào trạng thái mệt mỏi, hao mòn sức lực. Một trong những giải pháp đang được kiến nghị áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh là khuyến khích bác sĩ mới tốt nghiệp đến công tác tại các trạm y tế cấp cơ sở.

Thay vì thực hành 18 tháng ở bệnh viện, các bác sĩ này sẽ có 12 tháng làm việc ở trạm y tế, vừa được tích lũy kinh nghiệm, vừa có phụ cấp và hỗ trợ chi phí. Chính sách này sẽ giúp bổ sung nhân lực chất lượng cao cho y tế cơ sở và bản thân người nhận nhiệm vụ cũng nhiệt tình, hào hứng với công việc, tạo dựng hành trang cho bước trưởng thành trong nghề nghiệp chuyên môn.

Càng trong khó khăn, thử thách, bản lĩnh, quyết tâm của lực lượng trên tuyến đầu chống dịch càng cần được tiếp tục phát huy. Sự quan tâm của cộng đồng xã hội sẽ là động lực để các y, bác sĩ, nhân viên y tế nói riêng và những người đang ngày đêm đương đầu với dịch bệnh nỗ lực hơn nữa, đưa đất nước đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến với đại dịch.

duong suc cho nhan vien y te can xay dung chinh sach tong the hinh 2

Củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở

Được xem là một trong “2 mũi giáp công” đặc biệt trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, thế nhưng y tế cơ sở lại đang tồn tại những bất cập dai dẳng khi nhân lực vừa thiếu lại yếu. 

Nhìn nhận về hệ thống y tế cơ sở, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, đại biểu Quốc hội, cho rằng, hệ thống y tế cơ sở của TP.HCM trong nhiều năm qua rất thiếu và yếu về chỉ tiêu phân bổ ngân sách, nhân lực. Chỉ tiêu 30% ngân sách chi cho y tế dự phòng chưa đáng kể so với nhu cầu thực sự của người dân.

Trong khi đó, cơ chế phân bổ lại không hợp lý khi dựa trên sự phân chia địa lý chứ không theo quy mô dân cư. “Ngân sách cho y tế, đặc biệt y tế dự phòng, đầu tư chưa thỏa đáng nên khi xảy ra dịch, hệ thống dự phòng “thủng” dẫn đến khối điều trị cũng dễ vỡ trận”, bà Phạm Khánh Phong Lan phân tích và khẳng định rằng, y tế dự phòng là 1 trong 3 nhánh của y tế (gồm điều trị, cung ứng và dự phòng); trong đó y tế dự phòng đóng vai trò nền móng. Tuy nhiên, lâu nay, TP.HCM chỉ chú tâm đầu tư điều trị, cung ứng mà chưa đầu tư thỏa đáng cho dự phòng, trong khi việc chăm sóc sức khỏe toàn dân phải nhìn vào dự phòng.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát - nhất là từ sau đợt dịch thứ 4, hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế xã phường chịu áp lực rất  lớn trong việc đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch trong khi vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ thường ngày.

“Quá tải”, “Quá sức chịu đựng”… Đó là những lời cảm thán mà chúng ta nghe được không chỉ từ các nhân viên y tế mà còn từ cộng đồng, chính quyền cơ sở khi nói về vai trò và nhiệm vụ của hệ thống y tế xã, phường.

Hai năm trải qua đại dịch COVID-19, hệ thống y tế cơ sở cả nước nói chung và BR-VT nói riêng đã được kích hoạt nhanh chóng, thể hiện được vai trò là cánh tay nối dài của ngành y tế. “Cuộc chiến” kéo dài đã khiến cho nhiều nhân viên y tế cơ sở kiệt sức, nhiều người trở thành F0 nhưng các “chiến binh áo trắng” vẫn phải tiếp tục công việc mà hiện nay là tăng cường cho các trạm y tế lưu động và đội phản ứng nhanh, tham gia vào việc hỗ trợ điều trị F0 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà.

Trong thời điểm căng thẳng nhất của dịch bệnh, người ta chứng kiến sự “xáo trộn” trong hệ thống y tế xã phường, đó là hàng loạt nhân viên y tế của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Ở các tỉnh thành, tuy không xin nghỉ việc nhưng nhân viên y tế cơ sở cũng bị “phân tâm” bởi áp lực công việc, khủng hoảng tâm lý, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, thiếu cơ hội thăng tiến nghề nghiệp...

Tại cuộc hội thảo bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh tổ chức vào cuối tháng 6/2020, bác sĩ Phạm Minh An - Giám đốc Sở Y tế thừa nhận ngành Y tế còn đối mặt với những khó khăn như nguồn nhân lực của ngành chưa đủ về số lượng và chất lượng; Năng lực chuyên môn của mạng lưới y tế cơ sở còn yếu; Chính sách giữ chân, thu hút nhân lực tuyến y tế cơ sở chưa khả thi; Thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ trong đơn vị công lập còn thấp. Một số lĩnh vực về pháp y, phẫu thuật, lao, phong, tâm thần… và các trung tâm y tế tuyến huyện nhiều năm không tuyển được bác sĩ.

Có thể nói, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến phường, xã thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu và nhu cầu thực tế lại thêm cơ chế hoạt động bị bó buộc, chưa dung hòa với chính sách khác về khám, chữa bệnh, bác sĩ gia đình đã khiến cho hoạt động của y tế cơ sở nghèo nàn, đơn điệu, tay nghề của các y bác sĩ khu vực này dần mai một, không ít người đã “dứt áo ra đi”.

duong suc cho nhan vien y te can xay dung chinh sach tong the hinh 3

Những yếu kém, bất cập về nhân lực lẫn cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của y tế cơ sở BR-VT cũng là vấn đề chung của các tỉnh thành trong cả nước. Đó là lý do khiến các nhà quản lý, chuyên gia y tế đề xuất cần có sự thay đổi toàn diện mô hình y tế cơ sở và vấn đề phải do Chính phủ, các bộ ngành chủ trì, triển khai, bản thân một địa phương không thể tự quyết định.

Giải pháp trọng tâm mà các chuyên gia y tế đề xuất là sớm có chính sách đồng bộ nhằm giữ chân, thu hút nguồn nhân lực đến công tác tại y tế cơ sở, trong đó việc tạo điều kiện để những người ở tuyến y tế cơ sở được cấp chứng chỉ hành nghề, có chính sách đãi ngộ, chính sách bảo hiểm phải là một trong những mục tiêu hướng tới đầu tiên.

Bên cạnh đó, nhân lực tại các trạm y tế cần được bố trí theo quy mô dân số thay vì phân theo hành chính cấp xã, phường. Đối với những địa phương có mật độ dân số ít có thể thành lập các trạm y tế liên phường. Ngoài trạm y tế cơ hữu, cần có chính sách để thu hút các y bác sĩ đã nghỉ hưu hoặc làm ở y tế tư nhân có thể tham gia vào các hoạt động y tế cơ sở dưới hình thức hợp đồng… Đó chính là “kế sách” để nhân viên y tế gắn bó với người dân, bám trụ lâu dài với hệ thống y tế cơ sở.

Dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và còn diễn biến phức tạp, trong bối cảnh đó việc củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở cần sớm được đặt ra. Hệ thống y tế cơ sở được “nâng cấp” sẽ giúp giảm gánh nặng cho các bệnh viện tuyến trên, người dân cũng thuận lợi hơn trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của mình. Đã đến lúc cần xác định hướng đi lâu dài cho việc xây dựng nguồn nhân lực y tế cơ sở nói riêng và ngành y tế nói chung.

Trong đó, cần có bước thay đổi toàn diện, cấu trúc lại mô hình y tế xã, phường; chú trọng xây dựng các mô hình cả cơ sở hạ tầng, chuyên môn và nhân lực phù hợp đặc thù từng khu vực chăm sóc sức khỏe toàn diện, nhanh chóng, hiệu quả cho người dân nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn