EU cân nhắc quay lại nhập khẩu LNG của Nga trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ
(CLO) EU đang đối mặt với thách thức lớn khi phải cân nhắc trở lại nhập khẩu LNG từ Nga, trong bối cảnh quan hệ với Mỹ ngày càng căng thẳng và giá năng lượng leo thang.
Trong bối cảnh quan hệ giữa châu Âu và Washington có dấu hiệu xấu đi, một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là Pháp và Đức, đang cân nhắc khả năng từng bước nối lại việc nhập khẩu khí đốt từ Nga - bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Thông tin được hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia trong ngành năng lượng cho biết.

Reuters cho biết EU lo ngại rằng Mỹ có thể tận dụng nguồn cung LNG như một công cụ gây sức ép trong các cuộc đàm phán thương mại. Trước tình hình đó, một số lãnh đạo doanh nghiệp năng lượng lớn tại châu Âu cho rằng việc tái thiết lập một phần nguồn cung từ Nga là điều cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng.
Ông Didier Holleaux, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn năng lượng Engie (Pháp), nhận định: “Nếu tình hình tại Ukraine tiến tới một nền hòa bình hợp lý, châu Âu có thể nối lại lượng nhập khẩu khoảng 60 đến 70 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, bao gồm cả LNG từ Nga”.
Theo ông Holleaux, con số này sẽ chiếm khoảng 20-25% nhu cầu năng lượng của EU - thấp hơn nhiều so với mức 40% trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra.
Ông Patrick Pouyanné, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí TotalEnergies (Pháp), cũng lên tiếng cảnh báo về việc phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Mỹ. “Châu Âu cần đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một hoặc hai đối tác”, ông nói với Reuters.
Dù TotalEnergies hiện là một trong những nhà xuất khẩu lớn khí LNG của Mỹ và cũng kinh doanh LNG từ Nga thông qua đối tác Novatek, ông Pouyanné cho rằng mức nhập khẩu từ Nga có thể ổn định ở khoảng 70 tỷ mét khối - thấp hơn đáng kể so với mức 150 tỷ mét khối trước chiến sự, nhưng vẫn là con số đáng kể.
Tại Đức, các doanh nghiệp trong ngành hóa chất đang đối mặt với áp lực lớn do chi phí năng lượng tăng cao. Ông Christof Günther, Giám đốc điều hành InfraLeuna - đơn vị quản lý Khu công nghiệp hóa chất Leuna, nơi tập trung nhiều nhà máy lớn của các tập đoàn như Dow Chemical và Shell cho biết: “Các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng và không thể tiếp tục chờ đợi”.
Cùng quan điểm, ông Klaus Paur, Giám đốc điều hành Công ty hóa dầu Leuna-Harze, nhận định: “Chúng tôi cần khí đốt từ Nga. Chúng tôi cần nguồn năng lượng giá rẻ, bất kể đến từ đâu. Chúng tôi cần Nord Stream 2 để có thể kiểm soát chi phí năng lượng”.
Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU cũng đang leo thang. Ngày 2/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố áp thuế đối với hàng hóa từ 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó áp mức thuế 20% đối với các sản phẩm từ EU.
Đáp lại, ngày 9/4, các quốc gia thành viên EU đã thông qua gói biện pháp trả đũa, áp thuế 25% đối với loạt hàng hóa nông nghiệp và công nghiệp đến từ Mỹ.
Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ tạm hoãn tăng thuế trong vòng 90 ngày đối với 75 quốc gia sẵn sàng tham gia đối thoại thương mại.