EU có thể chế ngự giá điện tăng cao?
(CLO) Áp lực về giá khí đốt và giá điện tăng cao luôn đè nặng lên toàn EU, mối lo chế ngự và kiểm soát giá điện vẫn luôn là “mối tơ vò” với các nhà lãnh đạo thuộc khối Liên minh châu Âu.
Vào tháng 3, xe tăng Nga lăn bánh vào Ukraine, giá năng lượng tăng vọt buộc Liên minh châu Âu lần đầu tiên đề xuất giới hạn giá khí đốt và điện.
Ủy ban châu Âu, cơ quan điều não của EU cho biết toàn khối nên xem xét "các phương án can thiệp thị trường tạm thời trong ngắn hạn để hạn chế việc tăng giá."
6 tháng sau, bất chấp thực tế giá hợp đồng điện của Đức đạt 995 EUR (995 USD)/megawatt giờ vào thứ Sáu tuần trước, tăng gấp 10 lần so với năm ngoái, áp trần giá điện trên toàn EU vẫn chưa được áp dụng.

Giá điện tăng cao tại Sàn giao dịch năng lượng châu Âu ở Leipzig gây lo ngại cho người tiêu dùng, ngành công nghiệp và doanh nghiệp. Ảnh: DW.
Trong những ngày gần đây, các nhà lãnh đạo của một số quốc gia EU đã kêu gọi hành động khẩn cấp để điều chỉnh giá năng lượng, bao gồm cả Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, người đã nêu mong muốn “sẽ đi một mình” nếu EU không can thiệp.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết một giải pháp của EU là cách tốt nhất để "cuối cùng ngăn chặn mức giá điên cuồng trên các thị trường năng lượng."
Hôm 28/8, Cộng hòa Séc dự định sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Bộ trưởng Năng lượng EU vào ngày 9/9 để xem xét giới hạn giá và can thiệp thị trường.
Giá điện tại EU hiện nay như thế nào?
Trong khi một số nhà cung cấp tự sản xuất năng lượng, phần lớn mức giá mà các công ty điện phải trả là do thị trường tài chính quy định, nơi các nhà sản xuất, công ty tiện ích và nhà đầu cơ cạnh tranh dựa trên cung và cầu.
Các nhà sản xuất điện được trả cùng một mức giá mặc dù có các khoản chi khác nhau rất lớn. Các trạm năng lượng khí đốt đắt hơn nhiều so với các trang trại năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời và do đó, có xu hướng định giá chung trên thị trường.
Khí đốt cũng có giá cao hơn vì nó được sử dụng để đáp ứng những biến động về nhu cầu điện. Các nhà máy điện khí có thể nhanh chóng đốt hết năng lượng trong thời gian nhu cầu đạt đỉnh điểm.
Sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời tuỳ thuộc rất lớn đến thời tiết. Do đó, phương án sử dụng khí đốt đã làm tăng tầm quan trọng của loại năng lượng này trong những thời điểm cần thiết.
Vào tuần trước, sau khi Nga thông báo ngừng giao hàng tới Đức vì bảo trì đường ống dẫn khí Nord Stream 1 trong ba ngày, giá khí đốt tại khu vực này đã leo thang đột ngột.
Đầu tháng, giá khí đốt giao dịch trên sàn Dutch TTF (Hà Lan) - một sàn tiêu chuẩn cho hoạt động kinh doanh khí đốt tự nhiên tại châu Âu, tăng 19% lên 291,5 euro (tương đương 291,9 USD)/MWh. Kết thúc phiên tuần trước, giá khí đốt đạt mức cao kỷ lục là 244,55 EUR/MWh. Đây là mức tăng thứ 5 liên tiếp trong tuần.
Tuy nhiên, động thái này được nhiều người coi là “một ván bài quyền lực chính trị”. Berlin cho rằng Nga có thể cắt giảm hoàn toàn nguồn cung “để trả đũa” các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc chiến ở Ukraine.
Khi nào giá khí đốt sẽ giảm?
Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, một số chuyên gia trong ngành tin rằng giá cả có thể sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới.
Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell Ben van Beurden phát biểu tại một hội nghị ở Na Uy hôm thứ Hai rằng mức giá cao có thể kéo dài trong "một số mùa đông" và nhu cầu phân chia khẩu phần năng lượng trong khối sẽ diễn ra gay gắt.
Cũng trong thứ Hai đầu tuần, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ, Tinne Van der Straeten, cảnh báo rằng "5 đến 10" mùa đông tới sẽ rất "khủng khiếp" nếu không có biện pháp nào để giới hạn điện và khí đốt.
Nathan Piper, một nhà phân tích dầu khí tại Investec nhận định trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin PA vào tuần trước rằng "kỷ nguyên năng lượng giá rẻ đã lướt qua" khi châu Âu cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và tăng nhu cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Giới hạn giá khí đốt, giá điện có thực sự khả thi?
Cho đến nay, dù đã có ý tưởng, tuy nhiên Ủy ban châu Âu vẫn chưa cho biết mức giới hạn được đề xuất sẽ dựa trên giá tiêu dùng, khí đốt của Nga hay tất cả khí đốt nhập khẩu vào EU.
Ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã áp dụng mức trần đối với giá điện dựa trên khí đốt, trong khi Pháp đã hạn chế việc tăng giá điện.
Vào tháng 6, quốc gia Iberia đã được EU chấp thuận trả cho các nhà sản xuất điện khí khoản chênh lệch giữa giá khí thị trường và giá giới hạn là 40 EUR/MWh, tăng 5 EUR/MWh mỗi tháng sau sáu tháng đầu tiên.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học người Đức Daniel Gros đã nhận định vào tháng trước trong một bài đăng trên blog cho CEPS rằng giới hạn giá tiêu dùng thực sự sẽ là động lực đánh thức “nhu cầu đốt cháy nhiên liệu hóa thạch”, "điều ngược lại với những gì chúng ta nỗ lực để đạt được mức phát thải ròng bằng 0." Ông cho biết giới hạn khí đốt của Nga sẽ chỉ có ý nghĩa nếu Moscow không cắt giảm nguồn cung trước.
Đầu tuần, Claudia Kemfert, một nhà phân tích chính sách năng lượng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức cho hay áp mức trần giá "không phải là giải pháp", cảnh báo động thái này có thể sẽ biến thành một khoản trợ cấp tốn kém trong dài hạn.
Được biết, Ủy ban Châu Âu thông báo rằng họ đang tiến hành một cuộc cải cách cơ cấu dài hạn hơn đối với thị trường điện.
"Giá điện tăng vọt hiện đang bộc lộ những hạn chế trong thiết kế thị trường điện hiện tại của chúng ta", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại một diễn đàn ở Slovenia.
Các quan chức EU được cho là đang xem xét các biện pháp tách giá điện ra khỏi giá khí đốt để tính đến mức giá thấp hơn nhiều của các nguồn năng lượng khác.
Nhiều nước EU đã đề nghị trợ cấp cho các hộ gia đình để bù đắp phần nào chi phí năng lượng ngày càng tăng, trong khi một số nước cũng đề xuất đánh thuế đối với các công ty năng lượng.
Lê Na (Theo DW)