EU: Trung Quốc nên giảm nợ cho các nước nghèo
(CLO) Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần của các quốc gia kém phát triển nhất thế giới, nơi đang chịu tổn thương nhất trước bao sóng gió toàn cầu.
Những năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 đã tác động đáng kể đến sự phát triển kinh tế - xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia, đặc biệt những nước kém phát triển. Trong đầu năm nay, xung đột Nga – Ukraine nổ ra đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực, kéo theo nguy cơ suy thoái toàn cầu, đặc biệt thúc đẩy nhanh chóng giá trị của đồng đô la khi Trung Quốc tăng lãi suất.
Trong bài phát biểu trước công chúng đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng 9, đại sứ Liên minh châu Âu (EU) Jorge Toledo Albinana cho biết các quốc gia nghèo nhất thế giới phải đối mặt với khoản nợ 30 tỷ USD của các chủ nợ chính thức và khu vực tư nhân trong năm nay.

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, Jorge Toledo Albinana, nói rằng Bắc Kinh phải giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần cho các nước đang phát triển. Ảnh: SCMP.
“Việc không tái cơ cấu nợ có thể tạo gánh nặng cho các quốc gia mắc nợ cao tuy nhiên lại có thu nhập thấp và trung bình với nhiều năm gặp khó khăn trong việc trả nợ, tăng trưởng thấp và ít đầu tư,” ông phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Caixin ở Bắc Kinh hôm (17/11).
Trong khi đó, một số quốc gia đang phát triển, chẳng hạn như Sri Lanka, đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn tài chính sau cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo hãng tin SCMP, cộng đồng tài chính quốc tế đã chỉ trích Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất thế giới sau Ngân hàng Thế giới (WB) vì sự thiếu minh bạch trong việc tái cơ cấu nợ, khiến các chủ nợ khác khó đánh giá mức độ hỗ trợ.
Ông Albinana chia sẻ, những kết quả tích cực từ khuôn khổ chung về xóa nợ của Nhóm 20 (G20) được khởi xướng từ năm 2020 đến nay là “khó nắm bắt”.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở đảo Bali của Indonesia hồi đầu tuần, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ lo ngại về tình hình nợ ngày càng xấu đi ở một số quốc gia có thu nhập trung bình dễ bị tổn thương, đồng thời cho rằng vấn đề này có thể được giải quyết bằng sự phối hợp đa phương có sự tham gia của tất cả các chủ nợ.
Trung Quốc cũng như WB chiếm hơn 40% số nợ. Với việc đồng đô la Mỹ mạnh mẽ và lãi suất tăng nhanh, gánh nặng nợ nần của nhiều quốc gia càng nặng nề hơn. EU hy vọng rằng tất cả các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc với tư cách là chủ nợ song phương lớn nhất của các quốc gia này, sẽ thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, ông Albinana không nêu chi tiết về cách Trung Quốc nên phát huy vai trò của mình ra sao, nhưng ông ngầm báo hiệu thương mại song phương lớn mạnh nhất hành tinh có thể được thúc đẩy.
EU là điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc sau Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, mua 518,2 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm ngoái và thâm hụt thương mại 20,8 tỷ USD.
Dữ liệu hải quan cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực này đã tăng 14% so với một năm trước đó lên 472,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, trong khi việc mua hàng hóa châu Âu của họ giảm 6,3% so với cùng kỳ xuống còn 238,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, giờ đây châu Âu - Trung Quốc đang cố gắng thay đổi tình hình trên, vị đại sứ chia sẻ.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Brussels phải đối mặt với một số thử thách, bao gồm những bất đồng về cáo buộc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông và Đài Loan, bên cạnh các vấn đề thường xuyên như thương mại và tiếp cận thị trường. Một hiệp định đầu tư song phương khó đàm phán đã bị gác lại vào năm ngoái.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã “thu hút” các doanh nghiệp châu Âu, sau khi quan hệ với Hoa Kỳ, Canada và Úc trở nên xấu đi. Hồi đầu tuần, bất chấp những lời kêu gọi ngày càng tăng ở Đức và EU về một đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn có chuyến thăm và làm việc tại nơi đây.
Chính quyền Trung Quốc đã cho nước ngoài vay một lượng vốn khổng lồ để tài trợ cho các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng nước này lại nổi giận trước những cáo buộc về chính sách ngoại giao “bẫy nợ”.
Bắc Kinh đã công bố miễn trừ nợ cho một số quốc gia kém phát triển, đặc biệt là ở châu Phi trong hai năm qua. Tuy nhiên, không có con số tổng thể nào được công bố.
Trong một bài phát biểu vào tháng 9, Jin Zhongxia, cựu giám đốc điều hành Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết các quốc gia mắc nợ phải chịu trách nhiệm chính. Các chủ nợ Trung Quốc sẽ tăng cường phối hợp nội bộ, tăng cường liên lạc và hợp tác với IMF và các chủ nợ chính thức khác.
“Khi có cơ hội, chúng tôi sẽ cố gắng liên lạc với Câu lạc bộ Paris để đạt được giải pháp cuối cùng”, ông nói, đồng thời đề cập đến nhóm chủ nợ không chính thức nhằm tìm giải pháp phối hợp và bền vững cho các quốc gia mắc nợ.
Lê Na (Theo SCMP)