EVFTA được ký kết: Cơ hội cho hàng “Made in Việt Nam”

Thứ tư, 03/07/2019 09:58 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau gần 9 năm với nhiều cuộc đàm phán căng thẳng ở các cấp, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do song phương (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) ngày 30/6/2019 tại Hà Nội.

Các chuyên gia kinh tế đều kỳ vọng Hiệp định sẽ đem lại những cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, EVFTA còn góp phần giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh.

Sân chơi hấp dẫn

Đây có thể coi là một bước đột phá nữa của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn 3 thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam để đưa nền kinh tế vượt qua từng nấc thang hội nhập, từ hợp tác khu vực tới liên khu vực, từ mở cửa từng phần đến hội nhập toàn diện. 

Với việc ký kết hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư với EU, vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu tăng lên. Khác với các hiệp định tương tự mà Việt Nam đã ký với các đối tác trước đó, EVFTA và EVIPA đòi hỏi các tiêu chuẩn rất cao. Nó không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại - đầu tư, mà còn gắn với “các chuẩn mực về xã hội, lao động, môi trường và các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm”. Thực hiện những cam kết này sẽ giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh là một quốc gia năng động, văn minh, tôn trọng luật lệ và các giá trị chung.

mo-cua-cho-hang-viet-tim-duong-vao-eu-062349

Kết quả này là hệ quả tất yếu từ sự lớn mạnh của nền kinh tế Việt Nam, là bằng chứng về thành công của công cuộc đổi mới, mở cửa. Nó cho thấy vị thế và vai trò đang lên của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam và EU ký được Hiệp định thương mại và bảo hộ đầu tư, bởi đây là hiệp định toàn diện nhất mà EU từng ký với một quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho những giao dịch của EU với các nước có nền kinh tế mới nổi khác. 

Với hiệp định được ký kết, Việt Nam trở thành một trong những đối tác lớn của EU tại châu Á, ngang hàng với các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng chỉ có Singapore có hiệp định tương tự với EU như Việt Nam. Là một thực thể kinh tế lớn gồm 27 nước thành viên, dân số khoảng 500 triệu người nhưng chiếm tới gần 30% GDP toàn cầu, sức mua theo đầu người khoảng 32.700 USD/năm, EU được xem là một thị trường rộng lớn và đầy hấp dẫn mà ai cũng muốn được thâm nhập và khai phá.

Cánh cửa của những cơ hội đang rộng mở với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam và EU. Khi đi vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Các biểu thuế thương mại sẽ nhanh chóng giảm xuống mức rất thấp, từ 0 - 2% tùy nhóm hàng, trong đó có tnhững nhóm hàng giảm ngay khi hiệp định có hiệu lực. Điều này làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường EU, vốn đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2018 (sau Mỹ, ngang hàng với Trung Quốc). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như hàng điện tử, máy tính, giày dép, cà phê, hạt điều, thủy hải sản sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các nước EU.

Về phía Liên minh châu Âu, việc Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng đến từ EU sẽ giúp cho khu vực này tiếp cận thuận lợi hơn với một thị trường tiềm năng gần 100 triệu dân, một nền kinh tế phát triển nhanh và năng động bậc nhất thế giới. Xét về tiêu dùng, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận tốt hơn với những mặt hàng chất lượng cao xuất xứ châu Âu như ô tô, dược phẩm và đồ uống bởi thuế nhập khẩu giảm mạnh. 

Với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Việt Nam với nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư châu Âu đến tìm kiếm lợi nhuận. Ngược lại, những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau được quy định trong EVIPA sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, giúp Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ EU và các nước trên thế giới.

Một “sân chơi” đầy hấp dẫn là điều không thể phủ nhận khi nói về EVFTA và EVIPA. Tuy nhiên, làm sao biến cơ hội mà EVFTA và EVIPA mở ra để nhân lên sức mạnh Việt Nam, tạo lợi thế cho đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế là điều mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam phải nắm lấy.

LH

Thách thức tuân thủ “luật chơi” quốc tế

Chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam, Giáo sư Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đánh giá rằng, các hiệp định trên có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, song nó cũng tạo ra không ít thách thức.

Trả lời phỏng vấn đài Sputnik mới đây, Giáo sư Vladimir Mazyrin cho rằng, ngoài các cơ hội thương mại được quy định theo khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định trên cũng mở ra nhiều cơ hội khác. Nếu so sánh với hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký năm 2016 với Nga và các nước khác trong Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), thì EVFTA và EVIPA có yêu cầu nghiêm ngặt hơn, đồng nghĩa với việc Việt Nam phải mở rộng tất cả cánh cửa.

“Hai thỏa thuận có thể đưa tới những thách thức cho Việt Nam. Chẳng hạn, EVFTA và EVIPA có điều khoản quy định rằng, tranh chấp giữa các chủ thể kinh doanh, tức là giữa phía Việt Nam và các công ty nước ngoài, phải được giải quyết tại tòa án trọng tài đặc biệt chứ không phải theo luật pháp của nước sở tại.

Nói cách khác, Việt Nam đang bị áp đặt các quy tắc của luật pháp quốc tế, vốn không phải lúc nào cũng phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong thỏa thuận giữa Việt Nam và EAEU không có điều khoản như vậy. Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EAEU, các tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp của các quốc gia EAEU hoặc Việt Nam, tùy theo nơi thu hút đầu tư”, ông Vladimir Mazyrin dẫn chứng.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích, thông tin trên được đón nhận một cách tích cực vì đó là kỳ vọng kinh tế. Đây cũng là đường hướng thay đổi mà Việt Nam phải nhắm tới một khi bước vào EVFTA. “Cũng do các quy định của EVFTA, Việt Nam sẽ phải tiến hành một số cải cách trong nước, đặc biệt là vấn đề quyền của người lao động, bên cạnh những cải cách liên quan tới mua sắm công và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Các cải cách này được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nền kinh tế và giúp bộ máy chính quyền vận hành hiệu quả và minh bạch hơn”, ông Hiệp nhận định.

Sau Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA tiếp tục là một trong những FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam “thay da đổi thịt”. Thế nhưng cần phải khẳng định, các FTA, điển hình như CPTPP và EVFTA đều là những Hiệp định tiêu chuẩn cao, nếu Việt Nam không chuẩn bị tốt, thách thức sẽ rất lớn. Thách thức tới đây là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tháo bỏ những rào cản, tạo cơ hội cho DN Việt Nam bứt phá, cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài.

Đơn cử như CPTPP có hiệu lực từ đầu năm nay nhưng đến nay bên cạnh những DN được hưởng lợi, vẫn còn nhiều DN bị thiệt hại nặng do chưa hiểu rõ “luật chơi”. Các ngành như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản… đều kêu gặp khó khăn lúng túng trước CPTPP. Các DN chưa kịp khởi động với CPTPP thì nay lại là EVFTA. So với các đối thủ cạnh tranh đến từ EU, DN trong nước còn nhiều hạn chế và khả năng cạnh tranh yếu hơn về vốn, tiếp thị, khả năng xây dựng các liên kết, hợp tác, liên doanh liên kết với các đối tác khác. Kéo theo đó là các cam kết về môi trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, sẽ đối diện với nhiều hàng rào kỹ thuật…

Theo VCCI, 77% DN dân doanh không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về EVFTA. Với CPTPP và cộng đồng kinh tế ASEAN, tỷ lệ này là 71% và 63%. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam mới chỉ đạt 40%, trong đó chủ yếu là các DN FDI.

Mỗi Hiệp định đều mở ra cơ hội nhưng cần có giải pháp để tận dụng cơ hội đó. Chính phủ không còn cách nào khác là phải sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan để phù hợp với tiến trình phát triển và các cam kết quốc tế. Chính phủ đang triển khai mạnh mẽ chương trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh. Các cải cách thủ tục hành chính trong kinh doanh, trong xuất nhập khẩu cần thực hiện quyết liệt hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời cần có một cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, giải thích, tư vấn về EVFTA hay các Hiệp định khác. Đặc biệt có các biện pháp hỗ trợ cho DN để tận dụng tốt nhất các cơ hội và vượt qua khó khăn từ EVFTA.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn