(CLO) Chiến dịch mới nhất của Facebook trong cuộc chiến chống tin tức giả đã xuất hiện khi công ty này quyết định bước ra khỏi mạng Internet và sử dụng hình thức truyền thống nhất để tiếp cận người dân: quảng cáo trên báo giấy.
[caption id="attachment_162567" align="aligncenter" width="525"]
Quảng cáo của Facebook trên nhiều tờ báo lớn của Anh bao gồm tờ Times và The Guardian. Ảnh: NBC[/caption]
Hiện những trang quảng cáo này đang được xuất bản tại Anh ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào tháng 6 tới. Những trang quảng cáo này bao gồm các thông tin hữu ích về việc phân biệt thông tin thật giả đã được Facebook chia sẻ trên mạng xã hội tước đó.
"Đây là một cách để công ty chứng minh rằng họ đang thực sự cố gắng trong cuộc chiến chống lại tin tức giả và Facebook là một kênh thông tin có thể bị sử dụng sai lệch một cách cực kỳ dễ dàng", Niklas Myhr, trợ lý giáo sư marketing tại đại học Chapman chia sẻ.
Facebook đã dành ra vài tháng để đối phó với vấn nạn tin tức giả bằng cách sử dụng các công cụ kỹ thuật mới, một hệ thống báo cáo cũng như ngăn cản nguồn thu nhập quảng cáo tới từ các trang tin tức giả.
Trong khi chiến dịch quảng bá trên báo giấy chỉ là một trong số những phương tiện hữu dụng, ông Myhr nói rằng đó là một bước đi đúng hướng trong việc cải thiện tu duy người dùng.
"Khi người dùng vẫn tiếp tục truy cập vào các đường link với những tiêu đề gây sốc hoặc tò mò, những trang tin tức giả vẫn sẽ tiếp tục tồn tại". Thuật toán của Facebook xác định những gì người dùng sẽ nhìn thấy trên News Feed của mình. Vì lẽ đó, việc Facebook có thành công hay không trong công tác định hướng tư duy người dùng sẽ trở nên thiết yếu trong cuộc chiến này.
Vào tháng trước, chỉ vài tuần trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra, Facebook đã xoá bỏ 30,000 tài khoản giả mạo đã và đang tuyên truyền những tin tức giả.
Facebook nói trong thông cáo của mình rằng công nghệ của họ cho phép "nhận diện các tài khoản giả mạo dễ dàng hơn nhờ vào việc phân tích hành vi mà không cần trực tiếp quan tâm tới nội dung". Những tín hiệu trong việc này bao gồm "liên tục đăng tải nội dung giống nhau, một lượng tăng đột biến tin nhắn gửi đi".
Với gần 2 tỷ người dùng trên toàn thế giới, Facebook nói rằng họ sẽ tăng cường truy quét các tài khoản giả mạo ở quy mô lớn hơn.
Những căng thẳng đạt tới đỉnh điểm ngay sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc với việc Facebook bị nhiều người chỉ trích đã ảnh hưởng tới cuộc bầu cử này bằng việc cho phép thông tin giả được tuyên truyền một cách rộng rãi trên nền tảng của mình mà không bị kiểm duyệt.
Vài ngày sau khi ông Donald Trump đắc cử, Mark Zuckerberg đã nói rằng việc Facebook có thể ảnh hưởng tới một cuộc bầu cử là "ý tưởng điên rồ". Thế nhưng, Mark đã nhanh chóng rút lại lời nói này và tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp phòng chống tin tức giả nhưng vẫn phải đảm bảo rằng họ không xoá bỏ đi một số thông tin của người dùng.
Vào tháng 12, Facebook tuyên bố họ sẽ cho thêm chức năng kiểm duyệt bởi nhóm thứ 3, và một tựa đề "tin tức chưa kiểm chứng" sẽ được thêm vào các bài viết bị đánh dấu. Kế tiếp, một nhóm nhân viên Facebook sẽ phân loại những tin tức này trước khi gửi chúng tới các tổ chức kiểm chứng như Politifact, Snopes hay Factcheck.org.
Nếu như tin tức này bị nhận diện là giả mạo, nó sẽ không bị xoá trên Facebook mà vẫn sẽ tồn tại và bị đánh dấu là tin tức không xác thực kèm theo một dòng ghi chú giải thích lý do. Một trong những ví dụ gần đây nhất là bài viết "Ông Trump cấm các thiết bị Android sau khi thông tin Nhà Trắng bị rò rỉ" với ghi chú thông tin này bị phủ nhận bởi Snopes.com và Politifact.
Trong khi tin tức này vẫn có thể được share, người dùng sẽ nhận được 1 cảnh báo trước khi làm điều đó và khả năng nó xuất hiện trên News Feed cũng sẽ ít hơn.
Hoàng Việt (Theo NBC News)