Festival Guitar Quốc tế Hà Nội: Dấu ấn “người giữ lửa”
(NB&CL) Từ ngày 18 - 20/11/2022, gần 60 nghệ sĩ guitar Việt Nam và quốc tế sẽ tham dự Festival Guitar quốc tế Hà Nội lần thứ tư. Để có được 4 kỳ Festival, sẽ phải nhắc nhiều đến guitarist Vũ Hiển, khi anh đã “nhen lửa”, thúc đẩy phong trào guitar classic ở Việt Nam phát triển…
“Lộ diện” những siêu phẩm hàng đầu thế giới
Nằm trên con phố Trung Liệt không quá sôi động, showroom Emotion Guitars chìm khuất trong số hàng chục cửa hàng thời trang, gia dụng, công sở… Không biển hiệu hoành tráng, cũng chẳng có biểu hiện gì của một nơi sang trọng, ngược lại bên trong trông khá bừa bộn, giống với một xưởng sửa chữa nhạc cụ thông thường. Có lẽ vì vậy chẳng ai ngờ, lẩn khuất giữa mớ bộn bề ấy, có sự hiện diện của những siêu phẩm hàng đầu trong làng guitar thế giới.

Một buổi giao lưu các cá nhân sưu tầm đàn guitar tại Hà Nội.
Emotion Guitars là thương hiệu nằm trong hệ thống của nghệ sĩ guitar Vũ Hiển. Thương hiệu này là đại lý độc quyền phân phối cho nhiều hãng đàn và phụ kiện guitar danh giá như: Kohno Sakurai (Nhật Bản), Hanika, Hannabach, Guitarlift, Wolgang Jellinghaus (Đức), Libor Prazan (CH Czech), Picado, Antonio Sanchez (Tây Ban Nha)...
Showroom của Emotion đang trưng bày rất nhiều những cây guitar giá trị, có thể nói là bộ sưu tập đàn quý. Nghệ sĩ guitar Vũ Hiển cho biết, anh vừa may mắn sưu tầm được hai cây đàn có “thứ hạng” trên thế giới, đó là Ignacio Fleta-1968 và Daniel Friederich-1988. Giá của cây Ignacio Fleta-1968 được Vũ Hiển tiết lộ là 1,6 tỷ đồng, còn cây Daniel Friederich-1988 “khiêm tốn” hơn một chút, khoảng trên 55.000 USD.
Nói về hai thương hiệu hàng đầu thế giới này, nghệ sĩ Vũ Hiển cho biết, trong số 1.000 nghệ sĩ guitar có ảnh hưởng nhất kể từ thế kỷ XIX đến nay, cây đàn được sử dụng nhiều nhất là Ignacio Fleta với 38 người, thứ 2 là Daniel Friederich với 36 người. Cây Ignacio Fleta mà Emotion đang sở hữu do nghệ nhân hàng đầu thế giới Ignacio Fleta chế tác năm 1968. Năm 1978, ông Fleta qua đời. Hai người con nối nghiệp nhưng hầu hết những chiếc đàn được đánh giá cao là thời kỳ ông Ignacio Fleta làm và đặc biệt năm 1968 được coi là thời điểm thăng hoa của nghệ nhân này, những chiếc đàn được chế tạo trong năm đó đều là những tuyệt phẩm giá trị nhất. “Fleta được ví với một bầu trời xanh không có một gợn mây nào, âm thanh vô cùng trong trẻo, đi thấu vào tim”, Vũ Hiển nhận xét.
Nghệ sĩ sinh năm 1983 nói rằng, nhờ một “cơ duyên” mà anh có được cây Fleta-1968. Hơn 20 năm trước, khi mới 18 tuổi, trong một lần đến rạp Hồng Hà, anh được nghe nghệ sĩ guitar Nhật Bản Kozo Tate chơi cây Fleta-1968. Hiển bị “choáng luôn” vì âm thanh “khủng khiếp” của cây đàn này. Sau khi đã khá có tiếng ở Việt Nam, anh được tiếp xúc rồi chơi với ông Kozo Tate. Và sau hàng chục năm bị “ám ảnh” bởi thứ âm thanh diệu kỳ của nó, anh đã mua được của ông Kozo Tate cây đàn này với giá rẻ hơn thị trường 30%.

Nghệ sĩ Vũ Hiển biểu diễn guitar classic tại Tây Ban Nha, tháng 5/2022.
Còn cây Daniel Friederich-1988, theo Vũ Hiển, đây là một trong “tứ trụ” những cây guitar vĩ đại nhất thế giới cùng với Santos Hernandez, Aguado Hernandez (Tây Ban Nha) và Bouchet (Pháp). Daniel Friederich là dòng guitar được rất nhiều nghệ sĩ “thèm” sở hữu nhưng không phải lúc nào cũng có thể mua được.
“Ông Daniel từng nói rằng, muốn nghe cây đàn của tôi thì bạn phải luyện tập đôi tai của mình. Quả thật, mỗi một nốt chính của Daniel vang lên thì luôn có một hợp âm đi theo, nghe rất lạ và vô cùng lãng mạn” nghệ sĩ Vũ Hiển đánh giá.
So sánh hai cây Fleta-1968 và Daniel Friederich-1988, Vũ Hiển cho biết, Daniel được ví như kỳ quan của âm thanh với dải âm rộng, thoáng đãng và nốt trầm rất đậm còn Fleta lại mang đến tận cùng cảm xúc, khi mỗi thanh âm vang lên như xuyên thấu vào tim. Về độ hiếm thì cây Daniel khó mua hơn rất nhiều vì dòng này đã thất truyền, nghệ nhân làm đàn không có người nối nghiệp.
“Hai cây đàn này rất khó để đánh giá cây nào hơn. Nếu bạn chơi một bản nhạc buồn se sắt, nhói tim thì dùng Fleta, còn nếu một bản nhạc đẹp, lãng mạn thì chơi Daniel”, Vũ Hiển chia sẻ.
Vũ Hiển cho biết, anh đã phải đánh đổi rất nhiều thứ quý giá và cả tiền bạc để có được cây Daniel Friederich-1988 huyền thoại. “Bây giờ số cây Daniel Friederich đẹp trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí là khi bị nứt vài vết rồi nhưng tại các showroom vẫn coi đó là những cây đàn biểu tượng, có giá trị nhất trong bộ sưu tập của họ. Vì thế, khi ôm cây Friederich vào lòng, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận”- Vũ Hiển cho biết.
Khát vọng nâng tầm guitar Việt
Sở hữu những cây đàn “khủng” nhưng đây không phải là lý do để giới guitar trong và ngoài nước biết đến Vũ Hiển. Trước đó, anh đã được coi là nghệ sĩ guitar có đẳng cấp thế giới. Vũ Hiển được khán giả mến mộ bằng lối chơi đàn với rất nhiều cảm xúc và tinh tế. Sự nổi tiếng của anh có thể thấy qua một “sự kiện” hy hữu. Đó là, năm 2020, do dịch COVID-19, các nghệ sĩ Tây Ban Nha không sang được Việt Nam biểu diễn tại Festival Huế, Vũ Hiển đã được Đại sứ quán Tây Ban Nha cử làm đại diện để góp mặt tại sự kiện lớn này.

Nghệ sĩ Vũ Hiển biểu diễn và giao lưu với các bạn sinh viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tháng 9/2022.
Vũ Hiển cũng từng tổ chức nhiều buổi biểu diễn tại Việt Nam, thường mỗi năm 4-8 concert lớn và các chương trình này luôn đông khán giả. Anh còn lưu diễn và làm giám khảo nhiều cuộc thi quốc tế tại các nước Thái Lan, Tây Ban Nha, Indonesia... Những sự kiện âm nhạc Festival Guitar quốc tế tại Hà Nội do Vũ Hiển tổ chức đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ. Anh còn là nhà soạn nhạc cho guitar và được mệnh danh là “người giữ lửa” đối với guitar cổ điển ở Hà Nội, được ghi nhận là người làm hồi sinh phong trào guitar Thủ đô. Nhờ đóng góp quan trọng của anh, một nghệ sĩ từng làm giám khảo cho nhiều cuộc thi guitar ở Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nepal… đã đánh giá rằng, giờ đây “Việt Nam đã có tên trên bản đồ âm nhạc guitar thế giới”.
Chia sẻ với Báo Nhà báo & Công luận, nghệ sĩ Vũ Hiển cho biết, từ ngày 18 đến 20/11 tới, Festival Guitar quốc tế Hà Nội lần thứ tư sẽ được nối lại sau 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19. Đây cũng là kỳ Festival Guitar lớn nhất từ trước đến nay, là nơi hội tụ những anh tài guitar trong nước và quốc tế.
“Đến nay đã có gần 60 thí sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đăng ký dự thi, trong đó nhiều người có trình độ rất cao. Giải thưởng cho bảng đấu cao nhất là chiếc đàn giá trị 10.000 USD. Đặc biệt, ban giám khảo rất uy tín với các thành viên đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Hàn Quốc… Họ đều là những tên tuổi nổi tiếng, trong đó có người ở trong top A, ông ấy đã đoạt giải nhất một cuộc thi cấp độ master của thế giới”, Vũ Hiển nói.
Theo Vũ Hiển, guitar classic tuy giản dị, mộc mạc nhưng đây là bộ môn tinh tế, sang trọng nên kén khách và không dành cho số đông. Những năm tháng theo đuổi nghệ thuật guitar đã mang lại cho anh rất nhiều trải nghiệm thú vị và anh mong muốn tổ chức được nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật guitar chất lượng, để guitar đến gần hơn với khán giả.
Tuy nhiên, dù đã có nhà tài trợ và rất tâm huyết, nhưng nghệ sĩ Vũ Hiển cũng chia sẻ rất thật rằng, 3 kỳ Festival trước anh đều bỏ tiền túi ra tổ chức và đều “bị lỗ”, mỗi kỳ cỡ một vài trăm triệu. Năm nay, dự kiến sẽ lỗ nhiều hơn, khoảng 400 triệu đồng, song anh vẫn quyết tâm tổ chức Festival lần thứ tư.
Nói về sự kiện này, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, Festival Guitar quốc tế Hà Nội là niềm vui, là sự tự hào đối với những người yêu guitar, chơi guitar. Tiếng đàn guitar đã đồng hành với thời gian, với cuộc sống, đi vào mọi ngõ ngách, mọi nẻo đường. Một cây guitar gỗ thôi cũng đã trở thành biểu tượng của tâm hồn, của đời sống âm nhạc người Việt nói chung, Hà Nội nói riêng.
Nhắc lại hình ảnh đầy cảm xúc mở màn bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thuỷ, khi nghệ sĩ Văn Vượng chơi đàn guitar, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, những cảm xúc đó luôn nhắc nhớ những tâm hồn Hà Nội, dù trải qua gian lao nhưng vẫn cất lên những thanh âm tuyệt diệu từ cây đàn mộc mạc ấy.
“Chúng ta không đo sự phát triển của Hà Nội bằng chiều cao của những công trình mà hãy tôn vinh Hà Nội với chiều sâu, nét đẹp văn hoá. Trong nét đẹp của văn hoá ngàn năm ấy, tiếng đàn guitar là một trong những sợi dây kết nối, góp phần làm cho Hà Nội đẹp hơn lên”, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.
Thế Vũ