Nhiều thiệt hại gây ảnh hưởng lớn đến doanh số xe của hãng Ford. Ảnh: TL
Bên cạnh khoản thiệt hại nói trên, Ford cũng sẽ không thể nhập khẩu chiếc wagon gầm cao Focus Active từ Trung Quốc để bù đắp chỗ trống trong danh mục sản phẩm của mình ở thị trường quê nhà, sau quyết định dừng sản xuất toàn bộ xe du lịch tại Mỹ (trừ Mustang) hồi tháng 4 vừa qua. Mức thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân khiến những chiếc xe này không thể sinh lời khi được nhập khẩu và bán ra tại Mỹ.
Việc nguồn tài chính đầu vào suy giảm buộc Ford phải đề ra kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" triệt để. Hãng sẽ cắt giảm đáng kể nhân sự trên toàn cầu trong thời gian tới, với con số dự kiến có thể lên tới 70.000 người. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ then chốt mà Giám đốc điều hành James Hackett được giao thực hiện, sau khi ngồi vào "ghế nóng" thay ông Mark Fields.
Chưa dừng ở đó, Ford cũng sẽ rút số lượng nền tảng ô tô từ 9 hiện nay xuống chỉ còn 5, và tập trung phát triển các nền tảng dạng module như C2 (ứng dụng trên Focus) và CD6 (ứng dụng trên Explorer). Đây là những nền tảng có tính linh hoạt cao, nên có thể cải tiến và thay đổi dễ dàng khi cần ứng dụng phát triển sản phẩm mới. Ngoài ra, Ford cũng sẽ hợp tác cùng Volkswagen trong việc sản xuất xe thương mại và xe chuyên dụng tại các thị trường nằm xa nước Mỹ như Ấn Độ.
Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, dải sản phẩm của Ford thời gian tới cũng sẽ có nhiều thay đổi, và tập trung vào xe crossover, SUV, và đặc biệt là những mẫu điện hóa ở mọi phân khúc. Đây là là hướng đi tương đồng với chiến lược của Fiat Chrysler, nhưng lại rất khác biệt với General Motors. Tập đoàn sở hữu thương hiệu Chevrolet hiện vẫn đặt niềm tin rất lớn vào tương lai của các loại xe sedan và hatchback cỡ nhỏ.
Hoàng Sơn