FTA với EFTA: Cơ hội từ thị trường nhỏ, tiêu chuẩn lớn
(CLO) EFTA dù quy mô không quá lớn so với các khối FTA khác, nhưng đây lại là khu vực có thu nhập cao, yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe và rất tiềm năng cho những doanh nghiệp có năng lực, sản phẩm chất lượng.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với phạm vi cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao, trong đó có các đối tác lớn như CPTPP, EU, UK và sắp tới là Hiệp định mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) ...
Việc hình thành và vận hành hiệu quả hệ sinh thái FTA có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và bền vững của đất nước.

Liên quan tới vấn đề này, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, EFTA (EFTA gồm 4 nước châu Âu, bao gồm Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Lientesttein) được đánh giá có nhiều điểm tương đồng với các FTA thế hệ mới đã ký.
Đây là lợi thế quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng thích ứng và vận dụng những kinh nghiệm sẵn có trong việc tuân thủ cam kết, nâng cao chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất.
Dù quy mô không quá lớn so với các khối FTA khác, nhưng đây lại là khu vực có thu nhập cao, yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe và rất tiềm năng cho những doanh nghiệp có năng lực, sản phẩm chất lượng.
Các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, thủy sản, dệt may, thiết bị điện tử, hàng tiêu dùng cao cấp, vốn là thế mạnh của doanh nghiệp miền Trung, hoàn toàn có cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng EFTA nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược phù hợp.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na uy, Latvia) chia sẻ về thị trường khối EFTA nói chung, Na Uy nói riêng và đưa ra 1 số kiến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam.
Người tiêu dùng khối EFTA nói chung và Na Uy nói riêng đặc biệt quan tâm đến giá trị đạo đức và tính bền vững của sản phẩm hơn là giá thành. Các yếu tố như dấu chân carbon thấp, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, và bao bì sinh học sẽ là lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Bên cạnh đó, câu chuyện sản phẩm độc đáo cũng đóng vai trò quan trọng, giúp sản phẩm Việt vươn tới phân khúc cao cấp hơn.
Na Uy đang có xu hướng giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam – một thị trường mới nổi với nguồn nhân lực mạnh mẽ.
“Với hơn 80% hàng tiêu dùng như đồ gỗ, may mặc và các sản phẩm chế biến đang được nhập khẩu, doanh nghiệp Việt có thể thâm nhập vào phân khúc trung và cao cấp nếu đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về tính bền vững và minh bạch”, bà Thúy nói.
Tuy nhiên, bà Thúy cũng chỉ ra những hạn chế hiện tại của doanh nghiệp Việt, bao gồm chưa có sự hiện diện số mạnh mẽ và thiếu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm qua mã QR, so với các đối thủ từ Đông Âu, Nam Mỹ hay Thái Lan.
Đồng thời, doanh nghiệp Việt còn thiếu các đối tác tư vấn am hiểu sâu sắc về thị trường Na Uy.
Để khắc phục những thách thức này và nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp cần xây dựng hồ sơ số minh bạch cho sản phẩm, phát triển các cụm hàng hóa chuyên biệt như thủy sản sạch, nội thất xanh, dệt may truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây sẽ là những bước đi chiến lược giúp sản phẩm Việt Nam tạo dựng vị thế vững chắc tại thị trường.
Bên cạnh đó, ông Đào Ngọc Tiến, Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương, cũng chia sẻ, thời gian tới có 25 doanh nghiệp sẽ được lựa chọn tham gia chương trình tư vấn chuyên sâu với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại quốc tế, quản trị doanh nghiệp, tiếp cận thị trường và tiêu chuẩn xuất khẩu.
Các doanh nghiệp được lựa chọn ưu tiên nằm trong nhóm ngành tiềm năng được hưởng lời từ FTA này, bao gồm: dệt may, da giày, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến thực phẩm đồ uống.