G20 kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine
(CLO) Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đã thông qua tuyên bố đồng thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào hôm thứ Bảy (9/9), trong đó kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế và tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo rằng Tuyên bố của các nhà lãnh đạo đã được thông qua vào ngày khai mạc của Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở New Delhi.

Các nhà lãnh đạo tham dự lễ ra mắt Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ vào ngày 9 tháng 9 năm 2023. Ảnh: Reuters
"Nhờ sự làm việc chăm chỉ của tất cả các nhóm, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận về Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20. Tôi tuyên bố thông qua tuyên bố này", ông Modi phát biểu.
Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định".
"Chúng tôi... hoan nghênh tất cả các sáng kiến có liên quan và mang tính xây dựng nhằm hỗ trợ nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine… Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được”, Tuyên bố cho biết thêm.
Tuyên bố cũng kêu gọi nối lại sáng kiến Biển Đen, giúp vận chuyển ngũ cốc, thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine và Nga. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói: “Các quan điểm và lợi ích khác nhau đang diễn ra, nhưng chúng tôi có thể tìm thấy điểm chung trong mọi vấn đề”.
Tuyên bố cũng cho biết khối này đã đồng ý giải quyết các lỗ hổng nợ ở các nước thu nhập thấp và trung bình “một cách hiệu quả, toàn diện và có hệ thống”. G20 cho biết các nước cam kết tăng cường và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương, đồng thời quy định chặt chẽ hơn về tiền điện tử.
Hội nghị cũng đồng ý rằng thế giới cần tổng cộng 4 nghìn tỷ USD tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng, "giảm dần năng lượng than", nhưng phải "phù hợp với hoàn cảnh quốc gia và nhận thấy sự cần thiết phải hỗ trợ cho việc chuyển đổi công bằng".
Bùi Huy (theo Reuters)