Gã khổng lồ vũ khí Đức thu về lợi nhuận gấp đôi trong bối cảnh xung đột Ukraine
(CLO) Rheinmetall, nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Đức, đã thông báo rằng lợi nhuận hoạt động của công ty đã tăng gần gấp đôi trong nửa đầu năm 2024 và hiện có số lượng đơn hàng tồn đọng kỷ lục trị giá hơn 50 tỷ USD. Công ty cho biết xung đột ở Ukraine đã "cải thiện đáng kể hiệu suất kinh doanh".
Trong một tuyên bố vào tuần này, công ty có trụ sở tại Dusseldorf cho biết doanh số trong nửa đầu năm nay đã tăng một phần ba lên 3,8 tỷ euro (4,14 tỷ đôla), trong khi lợi nhuận hoạt động tăng 91% lên 404 triệu euro (440 triệu đôla). Ước tính, số lượng đơn đặt hàng của công ty hiện có giá trị kỷ lục là 48,6 tỷ euro (53 tỷ đôla).
Trước khi xung đột ở Ukraine bắt đầu, doanh số bán phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô dân dụng chiếm hơn một phần ba hoạt động kinh doanh của Rheinmetall. Tuy nhiên, doanh số bán hàng dân sự của công ty đã giảm, trong khi nhu cầu về các sản phẩm quân sự của công ty - bao gồm xe tăng, xe bọc thép, pháo binh và hệ thống phòng không - lại tăng vọt.

Xe tăng chiến đấu Leopard 2A4 được bảo trì tại cơ sở Rheinmetall ở Unterluess, Đức, ngày 6 tháng 6 năm 2023. Ảnh: AFP.
Rheinmetall hiện đang xây dựng một nhà máy mới ở Lower Saxony, dự kiến sẽ sản xuất khoảng 100.000 quả đạn pháo mỗi năm kể từ năm thứ hai hoạt động trở đi. Vào tháng 5, công ty cho biết họ đang đặt mục tiêu sản xuất 700.000 quả đạn pháo này tại tất cả các nhà máy của mình vào năm tới.
Nguồn cung tăng này khó có thể đáp ứng được nhu cầu của Ukraine. Đầu năm nay, các quan chức Ukraine đã tuyên bố rằng họ sẽ cần 20.000 quả đạn pháo 155mm mỗi ngày.
Theo Defense News đưa tin vào tháng 6, lượng tiêu thụ đạn pháo của Ukraine, kết hợp với nhu cầu về cùng loại đạn pháo từ Israel và chi phí năng lượng tăng cao ở châu Âu đã đẩy giá của một quả đạn pháo 155mm lên mức từ 5.000 đến 10.000 đôla.
Năm ngoái, Rheinmetall cho biết giá đạn pháo có khả năng sẽ tăng cao hơn nữa khi xung đột ở Ukraine kéo dài.
Rheinmetall đã mở một trung tâm bảo dưỡng xe tăng ở miền tây Ukraine vào tháng 6 và có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy đạn dược và phòng không trên đất Ukraine.
Nga đã cảnh báo rằng họ sẽ coi các cơ sở này là "mục tiêu hợp pháp" và nguy cơ bị Nga tấn công này được cho là đã khiến các đối thủ cạnh tranh của Rheinmetall tại Mỹ không muốn đầu tư vào Ukraine.
Điệp Nguyễn (Theo RT)