Gần 2 tháng vẫn chưa phát sinh dư nợ, chuyên gia chỉ ra bất cập của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
(CLO) Đánh giá cấu trúc của gói tín dụng 120.000 đồng không phù hợp, TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra những bất cập khiến gói hỗ trợ này vẫn chưa thể giải ngân sau gần 2 tháng triển khai.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính từ thời điểm triển khai đến nay đã gần 2 tháng nhưng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa phát sinh dư nợ. Các ngân hàng cho biết vẫn đang chờ danh mục dự án đủ điều kiện vay.

Sau gần 2 tháng triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa phát sinh dư nợ
Bài liên quan
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản
Dành hẳn 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhưng chưa chắc đã hấp thụ hết
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Chờ gỡ từ Bộ Xây dựng
Gói 120.000 tỷ đồng giúp 'rã băng' thị trường địa ốc?
Một số doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận gói vay này. Ngoài chấp nhận chủ trương, cấp phép, chủ đầu tư còn phải thẩm định giá bán, đối tượng mua và nhiều quy định khác. Trong khi đó, người mua nhà cũng phải đáp ứng một loạt điều kiện như chưa có nhà ở và dưới mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Là chuyên gia trong ngành tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, cấu trúc của gói tín dụng này không phù hợp. "Bản thân tôi làm trong ngành ngân hàng đã 40 năm và tôi chưa thấy gói tín dụng nào có nhiều thiếu sót như thế. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc gần 2 tháng trôi qua, gói này vẫn giải ngân được", vị chuyên gia nhận định.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất 8,2% với đối người mua nhà và 8,7% đối với chủ đầu tư vẫn còn cao. Bên cạnh đó, mức lãi suất định kỳ 6 tháng sẽ được NHNN công bố trong thời gian ưu đãi. Sau 5 năm, lãi suất sẽ là lãi suất đàm phán giữa người mua nhà, tức là người mua nhà với ngân hàng. Như vậy, nó có thể tạo ra rủi ro lớn, nếu trong tương lai lãi suất tăng cao.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, gói tín dụng này dù dành cho những người có thu nhập thấp, tuy nhiên chưa có hướng dẫn nào liên quan đến điều kiện, chỉ tiêu của người mua nhà như thu nhập, công việc, điểm tín dụng... để được vay vốn.
Ngoài ra, gói tín dụng dành cho bất động sản này không đưa ra thời gian cho vay cụ thể như 5 năm, 10 năm hay 20 năm... "Đây là điều thiếu sót vô cùng đối với cho vay bất động sản. Thời gian cho vay này rất quan trọng đối với khách hàng, đặc biệt là khách hàng thu nhập thấp - đối tượng của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, để người vay quyết định khả năng trả lãi và hoàn vốn cho ngân hàng", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Trước những bất cập đã đưa ra, vị chuyên gia kiến nghị 3 giải pháp gắn liền với việc hoàn thiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Thứ nhất, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nên kéo mức lãi suất xuống còn 5% như gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản của NHNN khởi điểm đầu năm 2012. Bên cạnh đó, cũng cần có trần lãi suất dưới 10% để phù hợp với nội dung định kỳ 6 tháng, NHNN sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi.
Thứ hai, cần đưa ra điều kiện, tiêu chuẩn vay cụ thể, đặc biệt đối với người mua nhà không chứng minh được tài chính.
Thứ ba, gói tín dụng cần cho biết thời gian cho vay cụ thể. Thời gian cho vay này cần đảm bảo cho người mua nhà số tiền gốc và và lãi phải trả không quá 50% thu nhập, nếu con số này tăng lên khoảng 80% thì rủi ro rất lớn với cả người vay và phía ngân hàng.
Trước đó, ngày 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ… về tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản mà là góp phần thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương cần đẩy nhanh việc lập quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương báo cáo định kỳ hằng tháng về tiến độ triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương án, thời gian hỗ trợ lãi suất phù hợp cho các chủ đầu tư, người mua nhà đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.