Gần 300 người lang thang ở TP. HCM được đưa về trung tâm bảo trợ, nhiều người nghi mắc COVID-19

25/08/2021 08:40

(CLO) Hàng trăm người ăn xin, lang thang cơ nhỡ… trước khi được TP. HCM đưa vào các cơ sở tập trung nuôi dưỡng, chăm sóc, đã test nhanh và phát hiện nhiều người nghi ngờ mắc COVID-19.

Gần 300 người lang thang ở TP.HCM được đưa về trung tâm bảo trợ, nhiều người nghi mắc COVID-19. Ảnh minh họa

Gần 300 người lang thang ở TP.HCM được đưa về trung tâm bảo trợ, nhiều người nghi mắc COVID-19. Ảnh minh họa

Chiều 24/8, gần chục bộ đội, Công an phường Võ Thị Sáu, quận 3 tuần tra nhiều tuyến đường TP. HCM để tìm kiếm người tá túc ở vỉa hè trong ngày thứ hai thực hiện cao điểm tập trung người lang thang.

Theo cảnh sát, ngoài trường hợp này, hơn 20 người cơ nhỡ là lao động thất nghiệp không có nơi trọ, ở dọc các tuyến đường, gầm cầu đã đưa về 2 ngày qua. Người lang thang sau khi xét nghiệm sẽ được sàng lọc đưa về Trung tâm Hỗ trợ Xã hội hoặc trại cai nghiện. Trường hợp dương tính nCoV sẽ được phân loại chữa trị.

Theo một lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP HCM, trong hai ngày qua đơn vị đã tiếp nhận khoảng 300 người lang thang được các quận, huyện đưa về.

"Họ sẽ được chăm lo đủ các bữa ăn và test Covid-19 cách nhau 3 ngày", lãnh đạo Trung tâm nói và cho biết nhóm người này sẽ được chia nhỏ về các trung tâm khác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để có nhiều không gian sinh hoạt hơn.

Từ ngày 23/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các quận huyện tập trung toàn bộ người lang thang, cơ nhỡ để xét nghiệm, phân loại, cách ly và chăm sóc, tránh nguy cơ lây dịch trong bối cảnh TP HCM tăng cường biện pháp chống Covid-19 với yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó".

Trước đó, UBND TPHCM đã có văn bản gửi một số sở ngành, chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận huyện về việc thực hiện công tác tập trung quản lý người xin ăn, người sinh sống lang thang trên địa bàn TP.

Theo đó, UBND TPHCM giao TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với lực lượng công an, quân sự tổ chức cao điểm tuần tra, kiểm tra lập hồ sơ, tập trung người xin ăn, lang thang nơi công cộng trên địa bàn.

Tổ chức test nhanh các đối tượng trên trước khi tập trung và chuyển cho các cơ sở bảo trợ xã hội. Trường hợp âm tính thì tiếp nhận vào 2 trung tâm hỗ trợ xã hội ở quận Bình Thạnh và TP.Thủ Đức. Trường hợp người lang thang dương tính thì tiếp nhận vào khu cách ly, điều trị của các quận, huyện.

Riêng đối với đối tượng lang thang có sử dụng ma túy có kết quả xét nghiệm dương tính: đối tượng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì chuyển vào Trung tâm cách ly tập trung F0 Bình Triệu.

Đối tượng nặng thì chuyển vào Bệnh viện dã chiến Củ Chi để được chăm sóc, điều trị. Huy động cả hệ thống chính trị, gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, không để tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc xin ăn. Ngăn chặn tình trạng chăn dắt hoặc lợi dụng các đối tượng yếu thế đi xin ăn để trục lợi.

UBND TP cũng giao Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với các địa phương tăng cường tập trung chuyển các đối tượng trên vào trung tâm hỗ trợ xã hội và cơ sở bảo trợ để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ xã hội tiếp nhận phân loại người lang thang từ các địa phương chuyển đến trong thời gian từ 7 đến 10 ngày, tổ chức phân loại diện đối tượng, lập hồ sơ và chuyển nhóm đối tượng này đến các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc sở.

Các cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm sắp xếp, bố trí khu vực để tiếp nhận đối tượng từ Trung tâm Hỗ trợ xã hội chuyển đến, thực hiện nghiêm túc cách ly đối tượng trong 21 ngày để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị theo quy định. Công an TP có nhiệm vụ phối hợp hỗ trợ, dẫn đường khi chuyển các đối tượng đến các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cụm Bình Phước.

Tính đến tối 24/8, TP. HCM đã ghi nhận hơn 184.000 ca nhiễm và hơn 9.000 người tử vong do Coid-19.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gần 300 người lang thang ở TP. HCM được đưa về trung tâm bảo trợ, nhiều người nghi mắc COVID-19
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO