Gaza thiếu lao động trầm trọng vì cuộc chiến Israel - Hamas
(CLO) Cơ quan lao động Liên Hợp Quốc cho biết, Gaza đã mất ít nhất 61% việc làm kể từ khi chiến sự Israel-Hamas bắt đầu, đồng thời cảnh báo nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng trong “nhiều năm tới”.
Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết hôm thứ Hai trong một đánh giá về tác động kinh tế của cuộc xung đột, tổn thất việc làm ước tính trên lãnh thổ Palestine tương đương với 182.000 việc làm.
Ruba Jaradat, Giám đốc khu vực của ILO tại các quốc gia Ả Rập cho biết: “Đánh giá ban đầu của chúng tôi về hậu quả của cuộc khủng hoảng hiện nay đối với thị trường lao động Palestine đã mang lại những kết quả cực kỳ đáng lo ngại, điều này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu xung đột tiếp tục”.

Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết tác động kinh tế của cuộc xung đột sẽ còn ảnh hưởng trong ‘nhiều năm tới’. Ảnh: Al Jazeera.
“Các cuộc xung đột đang diễn ra không chỉ đại diện cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo to lớn về thiệt hại nhân mạng và các nhu cầu cơ bản của con người, mà còn đại diện cho một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội gây ra thiệt hại to lớn cho việc làm và hoạt động kinh doanh, với những ảnh hưởng sẽ còn vang dội trong nhiều năm tới”, Giám đốc Ruba nói thêm.
ILO cho biết, Bờ Tây bị chiếm đóng cũng đã mất khoảng 24% việc làm, tương đương với 208.000 việc làm, do tác động lan tỏa của chiến tranh.
Theo cơ quan Liên Hợp Quốc, khi kết hợp lại, tình trạng mất việc làm ở hai vùng lãnh thổ của Palestine sẽ dẫn đến tổn thất thu nhập hàng ngày ước tính là 16 triệu USD.
Theo lời của bà Ruba, người dân ở Gaza phải được phép tiếp cận “đầy đủ, nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở” với viện trợ nhân đạo.
Gaza, nơi bị Israel phong tỏa từ năm 2005, đã phải chịu sự thiếu hụt kinh tế nghiêm trọng ngay cả trước khi bắt đầu cuộc xung đột mới nhất.
Tỷ lệ thất nghiệp tại lãnh thổ này ở mức 46,4% trong quý 2 năm 2023, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.
Theo Liên Hợp Quốc, hơn 80% dân số sống dưới mức nghèo khổ.
Tình trạng thiếu lương thực, nước uống và vật tư y tế trở nên trầm trọng hơn kể từ khi Israel thắt chặt phong tỏa và bắt đầu bắn phá khu vực này sau cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas nhằm vào các cộng đồng Israel.
Theo các quan chức tại khu vực do Hamas quản lý, ít nhất 10.022 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc oanh tạc của Israel kể từ đó.
Lê Na (Theo Al Jazzera)