Ghìm cương giá thép: Vẫn chưa có lời giải căn cơ?

Thứ sáu, 04/06/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bất chấp hàng loạt giải pháp chặn đà tăng, thì giá thép vẫn chưa có dấu hiệu quay đầu hạ nhiệt. Câu hỏi khi nào giá thép hạ nhiệt vẫn thường xuyên được đặt ra và dường như, chưa cơ quan chức năng liên quan nào có được câu trả lời thật sự căn cơ.

Vấn đề được đặt ra: Quản lý giá trong cơ chế thị trường ra sao để giá thép có thể được “bình ổn” cung cầu mà không phải lập Quỹ bình ổn, doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu bình thường?

Bao giờ giá thép hạ nhiệt?

Báo cáo mới công bố của Fitch Solutions cho biết, trong năm 2021, nhu cầu thép sẽ ổn định và ngành sản xuất thép sẽ mở rộng về quy mô. Từ đó, giá thép sẽ giảm đáng kể trong năm 2022. Báo cáo của cơ quan xếp hạng tài chính quốc tế Fitch Solutions dự đoán trong ngắn hạn, giá thép toàn cầu sẽ đạt mức trung bình 800 USD/tấn vào nửa cuối năm nay. Mức dự đoán này đã tăng lên so với dự báo trước đó (660 USD/tấn) với lý do là sự mất cân đối trong cung – cầu khiến giá vật liệu này tiếp tục tăng cao.

Báo Công luận

Tại thị trường Việt Nam, thời gian qua, giá thép trong nước đã tăng phi mã 40-45% so với quý IV/2020. Cơn sốt nóng của giá thép bắt nguồn từ giá nguyên liệu đầu vào của mặt hàng này không ngừng tăng. Trong khi ngành thép Việt Nam phụ thuộc phần lớn từ nguồn nhập khẩu với nguyên liệu sản xuất đầu vào như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite...

Trước tình hình giá thép tăng cao đột biến, Bộ Công thương cho biết, đang xem xét để kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu.

Bộ Công thương cũng có văn bản số 2612/BCT-CN gửi VSA và các doanh nghiệp, các nhà sản xuất thép lớn trong nước đề nghị rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.

Tuy nhiên, kiến nghị ban hành chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu, nhiều ý kiến cho rằng, thép không phải mặt hàng thiết yếu, hạn chế xuất khẩu sẽ làm mất đi cơ hội phát triển của doanh nghiệp sản xuất trong nước khi thị trường đang thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hạn chế xuất khẩu thép sẽ tác động rất tiêu cực vì doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu từ đầu năm, nếu ngưng xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ phải chịu phạt với khách hàng, gây mất uy tín.

Báo Công luận

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, không nên can thiệp vào thị trường bằng chính sách hạn chế xuất khẩu bởi sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nếu đầu ra bị ngăn chặn, doanh nghiệp sẽ dần thu hẹp sản xuất, Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc sâu vào doanh nghiệp nước ngoài. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia hội nhập với 14 FTA đang có hiệu lực, là nền kinh tế thị trường, mở cửa với thế giới, doanh nghiệp, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận để thị trường điều tiết giá cả sản phẩm hàng hóa. 

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước; tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước.

Chỉ đạo của Chính phủ về “ưu tiên thị trường trong nước” với mặt hàng thép rất kịp thời trong bối cảnh hiện nay. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trong thông báo phát đi của Văn phòng Chính phủ về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại trong năm nay đã đưa ra thông điệp như vậy. Trong đó, giao cho Bộ Công thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước. Nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm. Với Bộ Xây dựng, cần chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.

Hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh

Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã chỉ rõ hạn chế của ngành thép là mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được.

Nói cụ thể hơn, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho biết năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng thông thường. Một số sản phẩm xuất khẩu cao như: tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội. Tuy nhiên, các chủng loại thép khác phục vụ ngành chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ như: thép HCR, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, thép tấm cán nguội,... còn phải nhập khẩu.

image-20210528140254-1

Nhận định về những thách thức của ngành sản xuất thép thời gian tới, ông Trương Thanh Hoài cho rằng do nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.

Có ý kiến chuyên gia cho rằng, năng lực sản xuất thép của Việt Nam đảm bảo, nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào đang là nút thắt vì không đủ nguyên liệu sản xuất thì nhà máy cũng phải “ngồi chơi”. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh tiếp tục chỉ ra rằng: Thứ nhất, việc khai thác quặng sắt ở Việt Nam không hề dễ dàng, mặc dù đã có kế hoạch thăm dò khai thác một số mỏ nhưng không đạt được hiệu quả cao. Các mỏ ở vùng miền núi phía Bắc thì nhỏ, lẻ, sản lượng thấp, cùng với giao thông không thuận tiện, nếu đưa về các nhà máy sản xuất thép, dễ dẫn đến tình trạng “một tiền gà, ba tiền thóc”. Chính vì vậy, xuất khẩu quặng ngược sang Trung Quốc là giải pháp thuận lợi hơn cả.

Thứ hai, Việt Nam phải nhập khẩu phôi nguyên liệu để luyện thép từ thị trường Trung Quốc là chủ yếu, dẫn đến giá thép phụ thuộc vào giá nhập khẩu nguyên liệu. Chưa kể, trong quá trình sản xuất phải sử dụng cả than cốc, điện cực graphite, mà giá những nguyên liệu này tăng thì khó mà kìm hãm được giá thép ổn định.

Trước đề xuất “Quỹ bình ổn giá thép” mà Tổng hội Xây dựng nêu ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị cân nhắc việc này. Song, nhiều chuyên gia đã đồng thời khẳng định, như vậy là trái với thể chế về quản lý giá trong cơ chế thị trường.

Các chuyên gia muốn nhấn mạnh về tác động của các cơ quan quản lý, tiêu biểu là Bộ Công Thương trong việc điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng xuất nhập khẩu để đảm bảo cung cầu trong nước ổn định. Từ đó, giá thép sẽ bình ổn hơn so với hiện nay.

Cụ thể, kiềm chế việc xuất khẩu không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà sẽ khiến doanh nghiệp không mất chi phí logistics, vận chuyển và cả tiền thuế,... Mà còn tạo cho cung cầu trong nước thay đổi, lượng cung ứng trong nước tăng, giá cả sẽ hạ nhiệt.

Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các giải pháp nhằm ổn định cung - cầu và giá thép trong năm 2021, Bộ Công Thương đã đưa ra dự báo, năm 2021 Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn...

Nhằm thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; đồng thời điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh đến một số giải pháp, yêu cầu các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi để thực hiện cho được các mục tiêu phát triển ngành thép, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh.

Vẫn biết, để giải quyết triệt để tình trạng giá thép tăng phi mã như hiện nay, cần có một chiến lược tổng thể với đồng bộ hàng loạt giải pháp về quy hoạch, về chính sách thuế, nguồn tài chính, nhân lực… song bên cạnh đó, những giải pháp tình thế “hạ nhiệt” giá thép là cần thiết để bảo đảm bình ổn thị trường và giảm gánh nặng giá cả leo thang sẽ đổ hết lên vai người tiêu dùng vốn đang lay lắt chống chọi với những tác động tiêu cực từ sự lan rộng của dịch Covid-19.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn