Gia đình chính sách yêu cầu UBND tỉnh Long An trả lại đất khai hoang theo luật định
(NB&CL) Hộ gia đình chính sách Trần Thị Hường (66 tuổi, ngụ xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) sau hàng chục năm khai hoang thửa đất 27.514m2 tại địa phương, đã bất ngờ bị UBND tỉnh Long An ra quyết định thu hồi. Quá bức xúc, bà Hường đã khởi kiện để đòi quyền và lợi ích hợp pháp…
Gây bức xúc vì thu hồi đất của người khai hoang theo chủ trương
Theo hồ sơ, thời điểm những năm 1980 - 1985, việc khai hoang, tăng gia sản xuất được Nhà nước khuyến khích. Do đó, năm 1982, gia đình bà Hường đã vào khai hoang, cải tạo phần đất diện tích 27.514m2, tại ấp 5, xã Đức Hòa Đông (diện tích trên giấy tờ là 25.707m2), trồng điều, bạch đàn trên hầu hết diện tích.
Bỗng năm 1992, ông Nguyễn Khắc Thiện khiếu nại với lý do bà Hường lấn đất gia đình ông, khi thực tế là bà Hường cũng như bao hộ dân khác khai hoang đất theo chủ trương của Nhà nước.
Năm 1993, UBND xã Đức Hòa Đông buộc bà Hường phải giao lại 8.569m2/25.707m2 đất cho ông Thiện. Rồi sang năm 1994, UBND huyện Đức Hòa quyết định giữ nguyên canh quyền sử dụng 25.707m2 đất cho bà Hường. Đến 28/7/1995, UBND tỉnh Long An ra Quyết định 4345/QĐ-UB chuẩn y quyết định của huyện, với lý do “Bà Hường trực tiếp khai hoang và sử dụng đất ổn định từ năm 1981 cho đến nay (thời điểm 1995)”.

Bà Hường trên khu đất hơn 10 năm khai phá, trồng trọt ổn định.
Bất ngờ, năm 1996, UBND tỉnh Long An lại có Quyết định 1767/QĐ-UB với kết luận trái ngược hoàn toàn, cho rằng bà Hường “lấn chiếm” đất nên công nhận toàn bộ phần đất cho ông Thiện. Đáng chú ý, cả 2 quyết định ban hành năm 1995 và 1996 của UBND tỉnh Long An đều do Phó Chủ tịch Trần Thị Sửa ký ban hành, lúc khẳng định bà Hường “có công khai hoang”, sau lại nói bà Hường “lấn chiếm” (?).
Năm 1997, đoàn liên ngành tỉnh Long An đã vào cuộc thẩm tra, xác minh lại vụ việc, nêu rõ việc bà Hường khai hoang, cải tạo đồng bưng theo chủ trương của địa phương. Tuy vậy, UBND tỉnh Long An vẫn bảo lưu quan điểm một cách khó hiểu.
Bà Hường tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ. Năm 2002, Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT kiểm tra xác minh và có văn bản trả lời khiếu nại. Năm 2003, sau khi làm việc, Bộ TN&MT đã có công văn 2545/TNMT-TTr báo cáo vụ việc lên Thủ tướng, nêu rõ: Gia đình ông Thiện từ trước năm 1975 đến 1983 không sử dụng diện tích 25.707m2 và đất bị bỏ hoang. Từ năm 1983 đến 1996, bà Hường đã khai hoang và sử dụng ổn định suốt 13 năm trên đất. Căn cứ Hiến pháp 1980, Luật Đất đai 1988, Luật Đất đai 1993 và Nghị định số 64/CP ngày 27/7/1993 của Chính phủ thì việc khiếu nại của bà Hường có cơ sở xem xét.
Báo cáo cũng nêu rõ: “Ngày 18/6/2003, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Long An đã làm việc và thống nhất để UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định số 4227/QĐ-UB năm 1998 theo hướng: Công nhận cho bà Lê Thị Hường được tiếp tục sử dụng 22.256m2 đất (bà Hường đã khai hoang), thuộc thửa 741, bản đồ số 5 tại xã Đức Hoà Đông...”. Cùng ngày, Bộ TN&MT cũng có công văn gửi UBND tỉnh Long An, đề nghị sớm giải quyết vụ việc như đã thống nhất và báo cáo Thủ tướng.
UBND tỉnh Long An sau đó đã không ra được quyết định cuối cùng theo hướng cơ quan quản lý đất đai Trung ương – Bộ TN&MT đề xuất.
Rồi tới 12/10/2007, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định số 2603/QĐ-UBND bác khiếu nại của bà Hường với lý do “không có cơ sở xem xét giải quyết”. Cũng trong quyết định này, UBND tỉnh Long An tuyên bố thu hồi diện tích 27.514m2 để giao cho UBND huyện Đức Hòa sử dụng vào mục đích chung (?).
Đại diện UBND tỉnh Long An lúng túng về căn cứ thu hồi đất?
Sau khi khiếu nại hành chính không được toại nguyện (UBND tỉnh Long An khẳng định thu hồi đất là đúng - PV), vào tháng 6/2018, bà Hường đã khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên hủy văn bản 2194/UBND-TCD ngày 24/5/2017 về việc trả lời đơn khiếu nại và Quyết định giải quyết khiếu nại 2603/QĐ-UBND ngày 12/10/2007 của UBND tỉnh Long An.
Sau nhiều lần hoãn, ngày 14/5/2019, TAND tỉnh Long An đã đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của UBND tỉnh Long An chưa trả lời được nhiều câu hỏi của luật sư phía bà Hường đưa ra, như việc UBND tỉnh dùng các điều khoản của luật nào để áp dụng giải quyết khiếu nại đối với trường hợp của bà Hường? Vị này cũng chưa trả lời thuyết phục được câu hỏi mà chủ tọa phiên tòa nêu ra, đó là năm 2003, Bộ TN&MT đã có báo cáo trình Thủ tướng, trong đó nêu rõ việc Bộ và tỉnh Long An đã thống nhất công nhận đất cho bà Hường, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo giải quyết và chấm dứt vụ việc với nội dung Bộ đã báo cáo, tại sao UBND tỉnh Long An lại để vụ việc kéo dài? ...
Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh), việc giải quyết tranh chấp giữa bà Lê Thị Hường và ông Nguyễn Khắc Thiện ngay từ đầu chưa xác định rõ tư cách của hai người. Theo đó, đất tranh chấp có liên quan đến nguồn gốc xa xưa của gia đình ông Thiện. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng xác định thời điểm 1975 đến năm 1982, ông Thiện không hề sử dụng đất, thuộc đất đồng bưng 500ha ở xã Đức Hòa Đông những năm 1980.
Trước khi bà Hường cải tạo, mảnh đất này không có giấy tờ về đất và cũng không có người sử dụng. Vì vậy, khi giải quyết tranh chấp, bà Hường và ông Thiện có tư cách như nhau, tức phải xem xét thực tế việc sử dụng đất và quá trình sử dụng đất. Căn cứ yếu tố đang sử dụng và thời gian đã sử dụng, được Bộ TN&MT xác định hơn 10 năm liên tục (1983 - 1996) là yếu tố quyết định, chứ không phải là gốc gác đất thế nào. Trên thực tế, khoảng thời gian ông Thiện bỏ hoang đất được các cơ quan chức năng xác định là từ 1975 trở về trước.
Trong khi đó, căn cứ các quy định của pháp luật lúc bấy giờ thì trường hợp này được quy định rất rõ. Hiến pháp năm 1980 khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và “… cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định pháp luật”. Mặt khác, Luật Đất đai 1987 cũng nêu: “Người đang sử dụng đất đai hợp pháp được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này”. Như vậy, bà Hường hoàn toàn đủ điều kiện được công nhận diện tích đã khai hoang, sử dụng ổn định liên tục 10 năm trước khi có tranh chấp.
Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ này.
Giang Đoàn – Đại Chơn