Gia đình nghệ nhân 4 đời giữ lửa cho nghề làm nón

Thứ ba, 03/09/2019 15:52 PM - 0 Trả lời

(CLO) Say mê với nghề làm nón cùng với nỗi đắn đo và trăn trở với việc giữ nghề, nghệ nhân Lê Xuân Đạt ở làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội không chỉ giữ lại giá trị văn hóa truyền thống của nón lá, mà còn góp phần đưa nón làng Chuông đến với bạn bè khắp năm châu.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Lê Xuân Đạt vẫn thoăn thoắt từng đường kim mũi chỉ. Ảnh Trần Toản.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Lê Xuân Đạt vẫn thoăn thoắt từng đường kim mũi chỉ. Ảnh Trần Toản.

Trăn trở hồi sinh nghề truyền thống

Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay nhiều làng nghề truyền thống không còn giữ được vẻ đẹp vốn có của nó, bị phai mờ theo năm tháng. Nghề làm nón ở làng Chuông cũng nằm trong thực trạng chung đó.

Về với làng Chuông hôm nay tuy số người làm nón trong làng không còn nhiều như xưa, nhưng với tình yêu dành cho quê hương và niềm tự hào về một làng nghề truyền thống cổ của Việt Nam, những người nghệ nhân nơi đây vẫn đang ngày ngày cần mẫn, tỉ mỉ làm nên những chiếc nón mang đậm nét đẹp hồn quê, lưu giữ nét đẹp truyền thống của quê hương.

Trong số đó, nghệ nhân Lê Xuân Đạt (69 tuổi), dưới đôi bàn tay tài hoa, ngày ngày ông vẫn ngồi tỉ mẩn chắp nối từng vành tre mỏng mảnh, uốn thành khuôn nón, là từng cọng lá, khâu từng mũi kim…

Những công việc tưởng chừng nghe rất đơn giản nhưng chứa đựng trong đó là những nỗi niềm đam mê, tâm tư trăn trở của người làng nghề.

Hành trình làm " sống lại ” nghề làm nón cổ của ông thật không đơn giản. Nhận thấy, nghề làm nón của làng đang ngày càng mai một, nghệ nhân Đạt quyết định gìn giữ nghề làm nón bằng những cách của riêng mình.

Trong số các loại nón của làng, ông tập trung vào việc gìn giữ chiếc nón quai thao bởi trong làng hiện nay còn rất ít người làm loại nón lá này.

Sản phẩm nón quai thao do gia đình nghệ nhân Lê Xuân Đạt làm được khách hàng khắp nơi ưa chuộng. Ảnh Trần Toản.

Sản phẩm nón quai thao do gia đình nghệ nhân Lê Xuân Đạt làm được khách hàng khắp nơi ưa chuộng. Ảnh Trần Toản.

Theo nghệ nhân Lê Xuân Đạt, làm nón quai thao đòi hỏi cầu kỳ và mất nhiều thời gian hơn so với làm các loại nón lá khác.

Một chiếc nón quai thao cổ thường phải ghép bằng nhiều lọn lá được lấy từ cây cọ, rồi đem phơi nắng, là nóng, ép phẳng mới thành. Phía bên trong nón có khi được trang trí bằng những loại vải đủ sắc màu, quai buộc nón cũng được kết bằng những sợi chỉ đa màu.

Lá là chất liệu quan trọng làm nên chiếc nón được lấy từ hai loại cây giống như cây cọ, mọc ở những vùng đồi núi, trung du phía Bắc. Ngoài ra, người thợ phải biết cách chọn lá thật trắng, tẽ lá không được để rách, lá được là thật phẳng, không để ngả màu.

Với loại lá non còn búp, chưa xòe ra hẳn, người ta cắt về phơi khô hai đến ba nắng. Sau khi phơi khô lá sẽ được rẽ cho thẳng ra, sau đó người thợ đưa lá qua lưỡi cày được làm nóng, kéo nhanh tay để đảm bảo lá phẳng và không bị hỏng.

Sau đó tới công đoạn “ bứt vòng ”: Người thợ sẽ sử dụng dao, cước để quấn vòng quanh khuôn nón.

Công đoạn làm khung nón được cho là khó nhất bởi nó quyết định đến độ tròn vành và sự bền chắc của một chiếc nón. Nón làng Chuông trông đơn giản, nhưng đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ khi làm ra nó.

Khung nón làm bằng tre ngâm kỹ vừa dẻo dai lại rắn chắc, gồm 16 vành. Tre, nứa làm vành được vót tròn, đều và khi khâu không làm đứt cước.

Tiếp theo, người thợ sẽ dùng 1 lớp lá đã được là phẳng dải vào khung 1 lớp đầu tiên, sau đó đến 1 lớp mo và cuối cùng sẽ là 1 lớp lá nữa. Sau khi quay xong người thợ sẽ thực hiện khâu nón theo từng vòng. Bước “khâu nón” khá mỉ mỉ, người thợ sẽ dùng kim, cước để khâu lần lượt các vòng nón từ trên đỉnh nón xuống đến vòng cạp ( vòng to nhất của nón ).

Sự khéo của người thợ khâu sẽ thể hiện qua từng mũi kim. Mũi khâu yêu cầu phải ngắn, lỗ nhỏ thì chiếc nón mới tròn, khít, mịn từ mép lá đến đường khâu. Cái tài của người thợ làng Chuông là các múi nối sợi móc khi khâu được dấu kín và khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy đều tăm tắp những mũi khâu…

Sau khi khâu xong đủ 16 vòng nón, các bà các chị phải luồn nhôi. Người thợ sẽ dùng kim (kim luồn nhôi cong) để luồn sợi chỉ qua vòng nón bên mặt trong của chiếc nón, người sử dụng có thể buộc quai nón khi sử dụng.

Công đoạn cuối cùng là bước " nức nón ": Người thợ sẽ dùng vòng liếc, vòng kèm, cước đỏ, kim để làm công đoạn này. Để chiếc nón đẹp thêm, ngoài các hoa văn, người thợ còn kết hợp trang trí bằng chữ màu hình hoa sao. Cứ thế, bí quyết, kinh nghiệm và kỹ thuật làm nghề cũng như tâm huyết làm nón lá được truyền từ đời này sang đời khác.

Làm nón quai thao cũng công phu và phức tạp hơn nhiều so với làm một chiếc nón đội đầu thông thường. Người làm nón phải trải qua rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều có độ khó khác nhau.

Từ khâu làm lá, lắp lá vào hay còn gọi là quay nón rồi khâu nón, cạp nón, trang trí… đều đòi hỏi người thợ phải thật kiên trì, khéo léo để nón được tròn, được khít, mịn từ mép lá đến đường kim, mũi chỉ.

Vừa trò chuyện với khách, nghệ nhân Đạt vẫn chăm chú khâu nón với từng đường kim mũi chỉ nhịp nhàng, thoăn thoắt, ông cho biết: Mặc dù nghề làm nón vốn đem lại thu nhập không nhiều so với làm những nghề khác nhưng gia đình tôi từ thế hệ cha ông đến thế hệ các con của tôi vẫn luôn nhắc nhở, cùng nhau giữ nghề.

Trước đây, trẻ con trong làng hầu như cứ lên 6 - 7 tuổi là đã biết khâu nón, thậm chí biết cầm kim khâu nón trước khi cầm bút học chữ, hiện giờ do kinh tế thị trường mở cửa, các khu công nghiệp mọc lên san sát khắp nơi nên mà không dạy cho bọn trẻ nữa là coi như mất nghề…Hy vọng rằng với những nỗ lực và các cơ chế chính sách phù hợp của các cấp chính quyền, uy tín của nón làng Chuông sẽ càng được khẳng định; đồng thời mở ra cơ hội mới trong việc bảo tồn, phát triển nghề nón”, nghệ nhân Lê Xuân Đạt trăn trở.

Bà Phạm Thị Hòa ( sinh năm 1955 ) – vợ nghệ nhân Đạt tiếp lời cho biết: “ Trung bình một người chỉ làm ra một sản phẩm nón trong một ngày. Giá của một chiếc nón lá thường dao động từ 50.000 đồng đến 180.000 đồng, tùy vào từng sản phẩm. Ngày nay có nhiều công việc khác thu nhập cao hơn người dân có thể chọn lựa mà không nhất thiết phải làm nón. Nghề này từ thời tổ tiên tôi truyền lại nên thu nhập dù có ít tôi cũng phải giữ nghề, chỉ lo lớp trẻ và con cháu sau này chẳng còn ai học nghề để mà gìn giữ ”.

Cái nghề này nó tỉ mẩn lắm, làm nón mà suốt ruột thì không làm được. Trung bình một ngày, nếu người thợ làm nhanh, thành thạo các công đoạn cũng chỉ làm được khoảng 2 chiếc.

Nón quai thao thường được dùng trong các tiết mục biểu diễn như hát quan họ… chứ không dùng để đội đầu, che nắng, mưa như các loại nón thông thường khác bởi vậy sản phẩm của gia đình nghệ nhân Đạt làm hầu hết là theo đơn hàng đặt của khách nên thường đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng.

Đổi mới cách làm để sản phẩm đẹp hơn

Với nghệ nhân Đạt, mỗi lần làm xong, khi cầm chiếc nón trên tay, ngắm nghía lại những “đứa con” của mình, lòng ông lại ngập tràn hạnh phúc. Chính điều đó khiến ông thêm yêu nghề, yêu làng nhiều hơn.

Điều hạnh phúc hơn cả là những chiếc nón ông làm ra luôn được mọi người hào hứng đón nhận, những chiếc nón quai thao ấy lại tô điểm thêm nét duyên dáng cho các liền chị qua từng câu hát quan họ dịu dàng, đằm thắm.

Giờ đây, tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Đạt vẫn không ngừng sáng tạo. Ngày ngày, ông vẫn cần mẫn với công việc làm nón. Nghề làm nón cổ được ông phục hồi chẳng những giúp người thợ làng nón có thêm thu nhập, nâng cao giá trị của sản phẩm làng nghề mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn một nét văn hóa truyền thống của làng Chuông.

Những năm qua, sự hài lòng của khách hàng trong cả nước về sản phẩm đã khích lệ nghệ nhân đổi mới mẫu mã và kiểu dáng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng nhưng sản phẩm vẫn đảm bảo về chất lượng.

Ông Đạt chia sẻ, có rất nhiều nơi làm nón lá, nhưng nón lá làng Chuông vẫn luôn có một chỗ đứng cho riêng mình vì nón lá làng Chuông mang những đặc tính ưu việt, độ bền cao, chắc chắn, nón có độ bóng tự nhiên, cầm nón trên tay cảm giác nhẹ nhàng, thanh mảnh.... Những người tinh ý sẽ nhận thấy, nón làng Chuông được chăm chút từ đường chỉ, các mũi chỉ đều tay, nhịp nhàng.

Tuy nhiên, nghề làm nón ngày nay mang lại lợi nhuận không nhiều, rất ít người trong làng còn làm nghề, đa phần là những người lớn tuổi, còn thế hệ trẻ đã không mấy “ mặn mà ” theo nghề của cha ông. Bởi vậy, được truyền nghề cho lớp thợ trẻ, được giảng giải về cái đẹp, nét văn hóa đặc sắc thể hiện trong từng chiếc nón cổ là mong mỏi lớn nhất của người nghệ nhân tài hoa này.

Trung bình thời gian để hoàn thiện mỗi chiếc nón được gia đình nghệ nhân Lê Xuân Đạt làm từ 8 tiếng – 2 ngày tùy theo từng kích cỡ. Ảnh Trần Toản.

Trung bình thời gian để hoàn thiện mỗi chiếc nón được gia đình nghệ nhân Lê Xuân Đạt làm từ 8 tiếng – 2 ngày tùy theo từng kích cỡ. Ảnh Trần Toản.

Ngày nay, sợ nghề làm nón thất truyền, nghệ nhân Đạt vẫn thường xuyên dạy nghề cho những thế hệ trẻ trong làng có niềm yêu thích, đam mê với nghề. Các con của ông cũng được ông truyền dạy nghề, hàng ngày chị Nguyễn Thị Yến (con dâu nghệ nhân Đạt) vẫn hăng say, miệt mài cùng bố làm ra những chiếc nón quai thao đạt chất lượng cao, được nhiều người trong làng ngưỡng mộ.

Chị Nguyễn Thị Yến – con dâu của nghệ nhân Đạt cho biết: “Mặc dù là nghề phụ, nhưng làm nón mang lại tiền mặt để chi tiêu, trang trải nhiều khoản cho gia đình. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết thanh niên học xong phổ thông đều chọn nghề khác để kiếm sống”.

Cùng với đó, mỗi năm có những đoàn du khách, những cháu học sinh trên địa bàn Thủ đô về làng để trải nghiệm nghề làm nón, ông Đạt vẫn nhiệt tình truyền dạy lại cho các cháu. Với ông, đó là cách truyền nghề được xa hơn, sâu rộng hơn đến với mọi thế hệ.

Ông Lưu Văn Cường – trưởng làng Chuông cho biết: Gia đình nghệ nhân Lê Xuân Đạt là hộ gia đình tiêu biểu trong làng Chuông đã có 4 đời gắn bó với nghề làm nón của cha ông.

Để thúc đẩy bảo tồn và phát huy làng nghề làm nón truyền thống, địa phương chủ trương ra nghị quyết hàng năm để tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ gia đình vay vốn với lãi suất ưu đãi, giúp người làm nón mua sắm các dụng cụ, nguyên vật liệu làm nón; tuyên truyền mọi người dân đặc biệt là giới trẻ giữ nghề truyền thống và tạo điều kiện đối với các hộ kinh doanh buôn bán, chuyên chở nguyên vật liệu làm nón từ nơi khác về làng nghề.

                                                                                             Trần Toản

Tin khác

Công ty WPP bị xử phạt hành chính do vi phạm trong hoạt động quảng cáo

Công ty WPP bị xử phạt hành chính do vi phạm trong hoạt động quảng cáo

(CLO) Ngày 17/4/2024, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 55/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (Công ty WPP) do có nhiều vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo.

Đời sống
Sẽ thu hồi Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe nếu gian lận tập huấn và kiểm tra

Sẽ thu hồi Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe nếu gian lận tập huấn và kiểm tra

(CLO) Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe (Giấy chứng nhận) sẽ bị thu hồi khi cá nhân có hành vi gian lận để được tham dự tập huấn và kiểm tra để được Giấy chứng nhận.

Đời sống
Thanh Hóa: Người dân lập lán phản đối xây dựng bãi tập kết và xử lý rác

Thanh Hóa: Người dân lập lán phản đối xây dựng bãi tập kết và xử lý rác

(CLO) Nhiều ngày qua, rất đông người dân xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa treo băng rôn, phản đối việc xây dựng bãi tập kết và xử lý rác vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, sản xuất và đời sống của người dân.

Đời sống
Vườn Cúc Phương tràn ngập sắc trắng của mùa bướm

Vườn Cúc Phương tràn ngập sắc trắng của mùa bướm

(CLO) Mấy tuần qua, hàng ngàn lượt khách đã đổ về Vườn Quốc gia Cúc Phương để ngắm bướm trắng bay rợp trời.

Đời sống
Hưởng ứng Ngày Trái đất 2024 - Tiết kiệm năng lượng với VNPT Smart Lighting

Hưởng ứng Ngày Trái đất 2024 - Tiết kiệm năng lượng với VNPT Smart Lighting

(CLO) VNPT phát triển và cho ra mắt giải pháp chiếu sáng thông minh VNPT Smart Lighting, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sử dụng và bảo trì nhằm bảo vệ môi trường.

Đời sống