Gia Lai: Ăn, ngủ giữa rừng, ngày đêm canh giữ “báu vật”

26/07/2024 06:12

(CLO) Để bảo vệ “báu vật” quần thể giáng hương khỏi sự nhòm ngó, xâm hại của lâm tặc, lực lượng bảo vệ rừng ở Kbang (tỉnh Gia Lai) đã dựng lán trại ăn, ngủ giữa rừng canh gác từng cây hương quý.

Rừng giáng hương – “báu vật” vô giá

Nằm ẩn sâu trong cánh rừng già thuộc xã Krong, huyện Kbang, quần thể giáng hương trăm năm tuổi được xem là “báu vật” vô giá của tỉnh Gia Lai. Đây là cánh rừng hiếm hoi trên cả nước vì sở hữu mật độ cây hương dày đặc, kích thước lớn. Khu rừng thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa.

Sự tồn tại của quần thể giáng hương này chứa đựng nhiều ý nghĩa lớn lao, đặc biệt là trong thời điểm gỗ giáng hương đang ngày càng cạn kiệt. Vì giá trị của những gốc hương tính bằng tiền tỷ nên các đối tượng lâm tặc luôn nhòm ngó để cưa hạ. 

gia lai an ngu giua rung ngay dem canh giu bau vat hinh 1

Rừng giáng hương quý nằm ẩn sâu trong cánh rừng già xã Krong, huyện Kbang

Nhiều năm trước, các đối tượng lâm tặc dùng thủ đoạn đổ thuốc “bức tử” chết cây hương hoặc lén lút cưa hạ. Chính vì vậy, từ trước đến nay cuộc chiến giữ rừng hương chưa bao giờ hết khốc liệt.

Anh Nguyễn Văn Chim - Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa) cho hay: “Rừng hương này đã có tuổi đời hơn trăm năm. Cây thường mọc từng cụm, dọc sườn núi. Thời điểm này, hương sẽ bị rụng hết lá, người không biết lại tưởng cây bị chết khô. Những cây hương ở Krong đều có đường kính gốc từ 80cm đến 1,2m. Do hương có tuổi trăm năm nên nhiều cây đã mục phần gốc, rỗng ruột, nằm chênh vênh bên vách núi.

Cây hương được xếp vào nhóm I. Đặc biệt, hương vùng Kbang có đường kính khổng lồ, mùi thơm nhẹ, vân đẹp. Nếu tính về giá trị thị trường, mỗi cây hương có giá vài tỷ đồng. Với số lượng và đường kính trên thì rừng hương ở xã Krong là khu rừng độc nhất ở tỉnh Gia Lai và hiếm hoi trên cả nước”.

gia lai an ngu giua rung ngay dem canh giu bau vat hinh 2
gia lai an ngu giua rung ngay dem canh giu bau vat hinh 3

Những cây giáng hương cổ thụ 4 người ôm không xuể

Theo ông Hồ Ngọc Thọ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, thống kê của đoàn liên ngành tỉnh Gia Lai vào năm 2019, trên địa bàn xã Krong hiện có 410 cây hương, phân bố tại 27 khoảnh, 7 tiểu khu. Trung bình, mỗi cây có đường kính từ 80cm đến 1,5m. Nhiều cây được xác định đến vài trăm năm tuổi.

gia lai an ngu giua rung ngay dem canh giu bau vat hinh 4

Vì giá trị của những gốc hương tính bằng tiền tỷ nên các đối tượng lâm tặc luôn nhòm ngó để cưa hạ

‘Cây giáng hương mọc tập trung nhiều nhất là ở làng Vir với quần thể khoảng 250 cây và làng H’ro có khoảng 40 cây. Sự tồn tại của quần thể hương lớn nhất tỉnh Gia Lai này chứa đựng nhiều ý nghĩa trong việc bảo tồn gen và gìn giữ quần thể rừng phong phú, đa dạng. Công ty đang đề xuất xin hỗ trợ thêm các chế độ, chính sách và lực lượng để tăng cường bảo vệ “kho báu” này”, ông Thọ cho biết thêm.

Ngày đêm canh giữ rừng hương quý

Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh của lâm tặc, các nhân viên bảo vệ rừng đã dựng nhiều chốt, lán trên các tuyến đường độc đạo để bảo vệ rừng hương. Phần lớn các chốt trạm đều trong tình trạng không điện, không sóng nằm biệt lập giữa cánh rừng già.

Điển hình là Chốt bảo vệ rừng Tơ Nang (làng Vir), thiếu thốn đủ bề song vì đây là vị trí tập trung nhiều cây gỗ giáng hương nhất nên các anh em đành chấp nhận gian khổ để có thể canh gác, bảo vệ tốt nhất từng cây hương quý.

gia lai an ngu giua rung ngay dem canh giu bau vat hinh 5

Thiếu thốn bộn bề song các anh em bảo vệ rừng vẫn dựng chốt giữa rừng để có thể canh gác rừng hương 24/24

Hiện chốt có 4 nhân viên thay nhau quản lý, bảo vệ hơn 1.512ha rừng tự nhiên, trong đó có khoảng 256 cây hương. Vì mật độ cây hương lớn nên 4 nhân viên bảo vệ rừng phải phối hợp cùng khoảng chục người dân trong tổ giao khoán thay nhau đi tuần tra, bảo vệ xuyên suốt ngày đêm.

Anh Dương Tuấn Anh (SN 1996, Chốt trưởng Chốt Tơ Nang) trải lòng: “Chính vì giá trị của gỗ hương mang lại nên lâm tặc luôn rình rập để khai thác trái phép. Bên cạnh đó, quần thể giáng hương lại nằm sâu trong cánh rừng già, không có sóng nên việc tuần tra, canh giữ “kho báu” này rất vất vả. Năm 2021, hương liên tục bị lâm tặc lén lút vào cưa hạ, đổ thuốc độc cho chết dần.

gia lai an ngu giua rung ngay dem canh giu bau vat hinh 6

Nhiều cây giáng hương được đánh dấu để bảo tồn nguồn gen quý

"Trước tình trạng này, công ty đã phối hợp với lực lượng Công an cương quyết xử l‎ý nghiêm để răn đen, vì vậy những năm qua tình trạng xâm hại rừng hương đã giảm nhiều. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ thêm chế độ chính sách và lực lượng để tăng cường công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là cánh rừng hương. Đồng thời, tôi mong muốn cộng đồng cùng chung tay bảo vệ, phát triển rừng hương, duy trình kho báu cho thế hệ mai sau”, Tuấn Anh bộc bạch.

Cũng vì ngày đêm phải ăn, ngủ ở rừng để bảo vệ quần thể giáng hương quý nên lương thực chủ yếu của những nhân viên bảo vệ rừng đều là cá khô và mì tôm tích trữ. Với mức lương chưa đến 5 triệu đồng/tháng, nhưng họ luôn phải “căng mình” ngày đêm tuần tra, đánh đuổi mọi sự dòm ngó của cánh lâm tặc.

gia lai an ngu giua rung ngay dem canh giu bau vat hinh 7

Mới đây, trong quá trình tuần tra, lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện tại tiểu khu 90, lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa quản lý có 1 cây gỗ hương cổ thụ bị bật gốc, ngã

Anh Nguyễn Văn Chim bộc bạch: “Hơn 15 năm gắn bó với rừng hương, chúng tôi chưa có một đêm ngủ trọn giấc. Ban ngày thì đi tuần tra rừng, tối đến anh em dựng lán, thay nhau trực 24/24. Bất kể ngày nắng hay đêm mưa, cứ nghe có tiếng động chúng tôi đều phải đến tận nơi kiểm tra. Rừng hương quý khiến anh em vừa canh giữ, vừa lo trách nhiệm. Nhiều năm trước, tôi đã có suy nghĩ viết đơn xin nghỉ việc. Được công ty động viên và bổ sung thêm lực lượng phối hợp, hỗ trợ nên anh em yên tâm phần nào”.

Theo các nhân viên giữ rừng, vốn dĩ bảo vệ những cây giáng hương đứng đã vất vả nay bảo vệ cây hương ngã đỗ do mưa bão còn khó gấp nhiều lần hơn. Bởi lẽ cây hương ngã đổ phải giữ nguyên hiện trạng trong rừng, không được đưa ra ngoài. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương và lâm tặc luôn rình mò để cưa trộm cành nhánh, tận thu của những cây hương bị ngã đổ này.

gia lai an ngu giua rung ngay dem canh giu bau vat hinh 8

Việc canh giữ những cây hương ngã, đổ cũng gian truân, vất vả chẳng kém vì luôn bị người dân và lâm tặc nhăm nhe khai thác

Trao đổi với PV, ông Vũ Quang Sáng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cho biết: “Rừng hương có giá trị cao nên luôn bị các đối tượng nhòm ngó, xâm hại. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp để tăng cường lực lượng đi tuần tra, cắm chốt bảo vệ tận gốc. Khi phát hiện vi phạm lâm luật, chúng tôi cương quyết truy tìm ra đối tượng để xử lý nghiêm, kịp thời răn đe.

Nhờ vậy, rừng hương được bảo vệ nghiêm ngặt chỉ xảy ra một số vụ chặt cành, nhánh và đã bị xử phạt hành chính. Hạt cũng đã tham mưu các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng quyết liệt đấu tranh phòng, chống lâm tặc. Đồng thời rà soát, lập danh sách các nhóm đối tượng có biểu hiện hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để theo dõi và xử lý nghiêm”.

Bài và ảnh: Trần Hiền

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gia Lai: Ăn, ngủ giữa rừng, ngày đêm canh giữ “báu vật”
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO