Gia Lai chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm: "Chìa khóa" thoát nghèo vùng đồng bào DTTS

16/12/2023 09:25

(CLO) Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được cấp ủy, Chính quyền huyện Mang Yang (Gia Lai) chú trọng là đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Qua đó, nâng cao mức thu nhập, giúp người dân thoát nghèo.

Huyện Mang Yang có tới 61% dân số là đồng bào DTTS (trong đó trên 80% hộ DTTS thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo). Thời gian qua, nhằm nỗ lực đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, các cấp chính quyền huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo sinh kế cho người dân.

Trong đó đặc biệt chú trọng tới việc đào tạo nghề cho lao động đồng bào DTTS để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây được coi là một trong những chính sách quan trọng đối với lao động dân tộc thiểu số nhằm giải quyết việc làm, ổn định sinh kế và xóa đói, giảm nghèo. 

gia lai chu trong dao tao nghe gan voi giai quyet viec lam chia khoa thoat ngheo vung dong bao dtts hinh 1

Người dân xã Đăk Jrăng với mô hình nuôi dê phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập

Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề của UBND huyện Mang Yang và kế hoạch, thông báo tuyển sinh của Trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện, UBND xã Đăk Jrăng đã mở các lớp nuôi và phòng bệnh cho dê, trồng chăm sóc cây cà phê, trồng và chăm sóc cây lúa nước năng suất cao với hàng trăm công dân ở 5 làng DTTS trên địa bàn xã đăng ký tham gia. Đây là một trong những kế hoạch trọng tâm nằm trong tiểu dự án 3 của dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN thực hiện trong 2 năm 2022-2023.

Theo đó, các lớp đào tạo nghề đã tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức của lao động nông thôn đối với hoạt động đào tạo nghề. Các học viên được giáo viên có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, giải đáp nhiều bất cập, vướng mắc. Hiện lớp học đào tạo nghề nuôi và phòng bệnh cho dê tại làng Đê Rơn đã tốt nghiệp, các học viên đã bắt đầu vay vốn thí điểm mô hình này nhằm phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập. 

gia lai chu trong dao tao nghe gan voi giai quyet viec lam chia khoa thoat ngheo vung dong bao dtts hinh 2

Với những kiến thức học được ở lớp đào tạo nghề, người dân đã biết cách nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho dê lai

Ông Nguyễn Mạnh Điệp – Chủ tịch xã Đăk Jrăng cho biết: “Việc đào tạo nghề được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc” (dạy nghề kết hợp giữa lý thuyết và thực hành) nên các học viên đều dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Cùng với đó, vật tư thực hành ngày càng được đầu tư, trang bị bảo đảm việc thực hành thành thạo các kỹ năng cho từng học viên của lớp học. Qua đó tạo sự hấp dẫn thu hút các học viên tham gia lớp học, các học viên nắm chắc và vững những kiến thức, kỹ năng nghề và vận dụng ngay trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của hộ gia đình và đã thu được những kết quả nhất định”.

“Ngoài ra, lao động nông thôn tham gia học nghề còn được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình. Bên cạnh đó, các học viên được tư vấn nghề nghiệp và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”, ông Điệp nhấn mạnh.

gia lai chu trong dao tao nghe gan voi giai quyet viec lam chia khoa thoat ngheo vung dong bao dtts hinh 3

Người dân được đào tạo nghề, định hướng sản xuất ngay tại ngôi làng mình đang sinh sống

Tại xã Hra (huyện Mang Yang) cũng có 2 lớp dạy nghề là lớp thợ xây và sửa xe máy, máy nông nghiệp, mỗi lớp có khoảng 25 - 30 học viên. Sau khi học nghề, các học viên đã xin việc tại một số công ty xây dựng, làm thuê ở tiệm sửa xe hoặc tự mở cho mình tiệm sửa xe ngay trên địa bàn mình sinh sống. Nhiều thanh niên đã tự đứng ra nhận thầu xây nhà trong xã và đưa đội thợ xây cùng học trong trường đi làm.

Tương tự tại làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang), dựa trên đặc điểm thổ nhưỡng, Trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang đã mở lớp đào tạo kỹ năng, kỹ thuật trồng trọt ngay tại các làng nhằm hướng dẫn cho bà con sản xuất nông nghiệp, trồng lúa và trồng cây cà phê.

Nhiều năm qua, huyện Mang Yang đã triển khai nhiều giải pháp đào tạo nghề, định hướng sản xuất cho hàng trăm bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Từ việc dạy nghề, nhiều lao động trẻ đã làm giàu và hỗ trợ lại cho bà con trong làng.

gia lai chu trong dao tao nghe gan voi giai quyet viec lam chia khoa thoat ngheo vung dong bao dtts hinh 4

Cùng với việc tháo gỡ “nút thắt” về giao thông, nhiều chính sách và giải pháp giảm nghèo cũng được huyện Mang Yang quan tâm, giúp ngôi làng Pờ Yầu “thay da, đổi thịt”

Anh Đinh Driu (trú tại làng Bờ Yầu, xã Lơ Pang) là một trong những gương điển hình được trong việc phát triển kinh tế. Theo đó, năm 2019, Driu tham gia lớp học nghề trồng lúa. Sau khi học, chàng thanh niên trẻ đã mạnh dạn chuyển đổi trồng lúa nước 2 vụ. Đồng thời, anh còn chuyển đổi gần một ha đang trồng mỳ sang trồng cây cà phê.

Không những làm giàu cho bản thân, Driu còn giúp bà con trong làng chọn giống, hướng dẫn cách chăm sóc đối với cây lúa và cà phê. Nhờ vậy, anh đã được bầu làm Phó trưởng thôn Làng Bờ Yầu, trở thành cán bộ thôn tích cực giúp bà con phát triển kinh tế.

Theo ông Trần Văn Bảng - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mang Yang, trong kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, huyện luôn chú trọng việc chuyển đổi nghề phù hợp, hiệu quả cho bà con ở những làng đặc biệt khó khăn. Nhằm giúp những bà con vùng sâu, vùng xa có việc làm ổn định, thoát cảnh thiếu đói trong mùa giáp hạt, phương thức sản xuất cây trồng hiệu quả nâng lên rõ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gia Lai chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm: "Chìa khóa" thoát nghèo vùng đồng bào DTTS
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO