Gia Lai công bố các nghị quyết, quyết định quan trọng thành lập tỉnh Gia Lai mới
(CLO) Ngày 30/6, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Gia Lai tổ chức lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh, xã, phường.
Lễ công bố sáp nhập hai tỉnh thành tỉnh Gia Lai mới, đồng thời công bố việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp và các quyết định của Trung ương về công tác tổ chức cán bộ là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự phát triển của vùng đất Tây Nguyên – Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và của tỉnh Gia Lai mới nói riêng.
Việc sáp nhập hai tỉnh Gia Lai và Bình Định không chỉ là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học và nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương, mà còn là sự kết tinh của ý chí chính trị, của khát vọng phát triển mạnh mẽ từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai địa phương.

Đây là bước đi cụ thể trong quá trình tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh tổng hợp và là bước mở đầu cho một hành trình phát triển mới, rộng lớn, bền vững và toàn diện hơn.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã dự, trao quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai; quyết định về việc chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai nhiệm kỳ 2020-2025; Quyết định chỉ định Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai nhiệm kỳ 2020-2025 sau hợp nhất, sáp nhập; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các ban của HĐND tỉnh; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Gia Lai, chỉ định Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

Theo đó, sau khi sắp xếp, tỉnh Gia Lai mới có 135 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 110 xã và 25 phường (trong đó, có 101 xã, 25 phường hình thành sau sắp xếp và 9 xã không thực hiện sắp xếp), diện tích 21.576 km2 và dân số 3,5 triệu người.
Sau sáp nhập, hợp nhất, ông Hồ Quốc Dũng được chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, ông Rah Lan Chung giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Phạm Anh Tuấn giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài của Đảng ta, có ý nghĩa to lớn cả về mặt chính trị, tổ chức và thực tiễn trong quá trình nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống quản lý nhà nước.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính để tạo lập không gian phát triển mới, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng, tạo điều kiện, động lực và cơ chế mới để phát triển nhanh, bền vững hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Sắp xếp đơn vị hành chính không đơn thuần là điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính, mà còn là điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực phục vụ cho phát triển. Đây là cơ hội để chúng ta sàng lọc, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới”.