Gia Lai: Đường sạt lở nghiêm trọng hơn 3 năm vẫn chưa được khắc phục
(CLO) Tuyến đường giao thông đi vào Trạm OPY 500kV Nhà máy thủy điện Ia Ly, huyện Chư Păh (Gia Lai) bị sạt lở nghiêm trọng hơn 3 năm nay nhưng vẫn chưa được sửa chữa. Nguyên nhân là do khối sạt có phạm vi rất rộng, địa chất phức tạp…
Trước đó, mưa lớn kéo dài trên địa bàn huyện Chư Păh đã gây hư hỏng nhiều tuyến đường, trong đó có đường đi vào Trạm OPY 500kV Nhà máy thủy điện Ia Ly (thị trấn Ia Ly). Theo đó, điểm sạt lở trên tuyến bắt đầu từ điểm đầu (km0+000) giáp ngã ba đường Lê Hồng Phong - đường Phạm Văn Đồng (thị trấn Ia Ly) đến điểm cuối khoảng km 0+520.

Cụ thể, phần mặt đường bị sụt lún dài khoảng 30m, rộng từ 1-2m; phần nền, lề đường và mương thoát nước cũng bị sụt lún dài 30m, rộng 24m; chiều sâu sạt lở từ 7m - 12m. Ngoài mặt, lề đường taluy âm cũng bị sạt lở khoảng hơn 500m, chiều sâu có đoạn gần 30m.

Việc sạt lở trên tuyến đường đã làm ảnh hưởng lớn đến công tác vận hành Trạm OPY 500kV của Nhà máy Thủy điện Ia Ly cũng như ảnh hưởng đến an toàn giao thông hoạt động dân sinh của nhân dân trên địa bàn thị trấn Ia Ly.
Ngay sau khi phát hiện tình trạng sạt lở, Công ty Thủy điện Ia Ly (đơn vị quản lý, vận hành tuyến đường) đã căng dây và lắp đặt biển báo để cảnh báo.

Về phía UBND huyện Chư Păh cũng đã đề nghị Công ty Thủy điện Ia Ly sớm có phương án khắc phục, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo phục vụ tốt cho quá trình vận hành Trạm OPY 500kV của Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Tuy nhiên, sau đó Công ty Thủy điện Ia Ly vẫn chưa khắc phục sự cố sạt lở trên tuyến đường này.

Đến tháng 9/2023, mưa lớn kéo dài tiếp tục khiến một số vị trí trên tuyến đường sạt lở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận hành vào Trạm OPY 500kV của Nhà máy Thủy điện Ia Ly cũng như ảnh hưởng đến an toàn giao thông và hoạt động sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn thị trấn Ia Ly.
Theo ghi nhận của PV, tại hiện trường tình trạng sạt lở đã “ăn sâu” vào đường nhựa gần 2 mét, tạo thành vực sâu cao hàng chục mét. Hàng chục cây cao su đã bị cuốn trôi xa khỏi lề đường. Ngoài những vị trí sạt lở cũ, trên tuyến xuất hiện nhiều vị trí sạt lở mới tiếp tục “đe dọa” tuyến đường.

Nguy hiểm hơn cả là ngôi nhà của ông Lê Văn Yên (SN 1959, tổ dân phố 1, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Trước đó, toàn bộ phần móng nhà của ông Yên bị sạt lở nghiêm trọng, lo sợ ngôi nhà bị sụp đổ ông đã cùng vợ trám lại toàn bộ bằng xi măng. Còn căn nhà nhỏ bỏ máy móc phía sau nhà bị lún thẳng xuống, nứt toác và đã sụp đổ.
Chia sẻ với PV, ông Yên cho hay: “Tình trạng sạt lở này đã xảy ra cách đây đã hơn 3 năm nay rồi. Sau mỗi trận mưa nước ngấm xuống đất lại sụt lún và sạt lở. Người dân cũng đã kiến nghị lên chính quyền địa phương, sau đó đủ các cơ quan ban ngành xuống rồi nhưng đâu lại vào đó. Bây giờ sợ cũng chẳng biết đi đâu. Gần 70 tuổi rồi mới xây được căn nhà, giờ sạt lở cũng phải ở thôi. Con đường cũng sạt lở cùng đợt với căn nhà của chú, nhưng mãi cũng không thấy sửa chữa, khắc phục”.


Trao đổi với PV, ông Rơ Châm Vân - Chủ tịch UBND thị trấn Ia Ly cho biết: “Tình trạng sạt lở xuất hiện từ năm 2021 từ dưới chân hồ. Vì địa tầng chủ yếu là cát mịn nên theo thời gian cứ sụt lún dần lên đến trên này. Trước đó một căn nhà cũng đã bị sụp đổ hoàn toàn, sau đó các cấp ngành cũng đã xuống khảo sát.
Theo tính toán của các đoàn, muốn làm được phải đưa đá xuống làm kè (chi phí khoảng 30 tỷ), tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy thực hiện. Về phía người dân địa phương nhiều lần kiến nghị và mong muốn con đường sớm được sửa chữa, để lưu thông thuận lợi hơn”.
Liên quan đến tình trạng sạt lở trên tuyến đường, UBND huyện Chư Păh cũng đã nhiều lần đề nghị Công ty Thủy điện Ia Ly kịp thời khắc phục, sửa chữa tuyến đường đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, đến nay sự cố trên vẫn chưa được khắc phục.

Lý giải về vấn đề này, đại diện Công ty Thủy điện Ia Ly cho biết: “Phần mái taluy âm khu vực km 0+150 trên đường vận hành vào trạm OPY 500kV thủy điện Ialy bị sạt lở lớn do mưa bão, sau đó Công ty đã báo cáo Tập đoàn điện lực Việt Nam để chỉ đạo xử lý. Tháng 12/2022, tập đoàn đã cử chuyên gia đến hiện trường để xem xét, đánh giá mức độ sạt lở. Tuy nhiên do khối sạt có phạm vi rất rộng, địa chất trong khu vực phức tạp cần phải có thời gian để theo dõi, nghiên cứu nên tập đang xem xét.
Trong thời gian chưa xử lý, Công ty đã thực hiện các biện pháp như: Lập rào chắn và dựng biển cảnh báo tại khu vực sạt lở, tăng cường công tác tuần tra, duy tu bảo dưỡng, thông các rãnh nước hai bên đường không cho nước chảy vào khu vực đang sạt lở để tránh sạt lở thêm”.