Giá sầu riêng hôm nay 14/7: Thị trường ổn định, giá thu mua không biến động
Giá sầu riêng hôm nay duy trì ổn định trên cả nước. Đắk Lắk mở rộng vùng trồng an toàn, siết chất lượng, hướng đến sản lượng 50.000 tấn vào 2030.
Thị trường giao dịch trầm lắng khi giá sầu riêng tiếp tục điều chỉnh giảm
Theo ghi nhận trong sáng ngày 14/7/2025, giá sầu riêng hôm nay tại nhiều tỉnh phía Nam duy trì ổn định, không có biến động so với những ngày trước. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá sầu riêng Thái loại A phổ biến trong khoảng 75.000 – 77.000 đồng/kg, trong khi loại VIP có thể đạt 90.000 – 95.000 đồng/kg tùy chất lượng. Sầu riêng Thái loại B hiện được thu mua quanh mức 55.000 – 57.000 đồng/kg, loại C dao động từ 40.000 – 43.000 đồng/kg. Mức giá thu mua sầu riêng xô AB tại khu vực này cũng khá khả quan, dao động từ 60.000 – 63.000 đồng/kg.
Đối với sầu riêng Ri6, loại VIP hiện được giao dịch quanh ngưỡng 50.000 đồng/kg. Ri6 loại A ở mức 40.000 – 42.000 đồng/kg, loại B từ 25.000 – 26.000 đồng/kg và loại C thương lượng theo chất lượng hàng. Giá xô AB dao động từ 28.000 – 31.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh, giá sầu riêng Thái loại A nhìn chung duy trì quanh ngưỡng 75.000 – 78.000 đồng/kg. Loại B dao động từ 55.000 – 58.000 đồng/kg, loại C phổ biến trong khoảng 40.000 – 43.000 đồng/kg.
Riêng tại Đắk Lắk, nơi có sản lượng sầu riêng lớn, giá thu mua sầu Thái loại A nhỉnh nhẹ hơn, dao động trong khoảng 76.000 – 78.000 đồng/kg; trong khi sầu Thái loại B được giao dịch quanh mức 56.000 – 58.000 đồng/kg. Riêng sầu riêng Ri6 loại A tại các tỉnh này hiện phổ biến mức 38.000 – 40.000 đồng/kg, loại B từ 25.000 – 26.000 đồng/kg, loại C vẫn phụ thuộc vào chất lượng thực tế và thương lượng giữa bên bán và thương lái.

Tại khu vực Tây Nguyên, Gia Lai ghi nhận giá sầu Thái loại A phổ biến trong khoảng 75.000 – 77.000 đồng/kg, tương đương với Tây Ninh và Bình Phước. Các loại B và C lần lượt được giao dịch với mức giá 55.000 – 57.000 đồng/kg và 40.000 – 43.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri6 tại Gia Lai hiện giữ mức ổn định với loại A khoảng 37.000 – 40.000 đồng/kg, loại B từ 25.000 – 26.000 đồng/kg.
Tổng thể, thị trường sầu riêng hiện tại không có nhiều biến động, tuy nhiên nhu cầu xuất khẩu vẫn là yếu tố tác động lớn đến giá thu mua.Người trồng cần chủ động cập nhật diễn biến giá sầu riêng theo từng khu vực để có chiến lược bán hàng phù hợp.
Đắk Lắk đặt mục tiêu 50.000 tấn sầu riêng vào 2030, xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn hóa xuất khẩu
Trước sức ép ngày càng lớn từ thị trường quốc tế, ngành sầu riêng Đắk Lắk đang nỗ lực chuyển mình bằng cách mở rộng quy mô sản xuất gắn với tiêu chuẩn xuất khẩu. Tỉnh hiện ghi nhận tổng diện tích trồng sầu riêng đạt khoảng 41.000 ha, với sản lượng dự kiến năm 2025 lên tới 400.000 tấn, cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh so với những năm trước đó.
Tuy nhiên, sản lượng tăng cao cũng kéo theo bài toán lớn về chất lượng và đầu ra. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc – đối tác xuất khẩu chính của sầu riêng Việt Nam đang áp dụng hàng loạt yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có các chất như vàng ô hay kim loại nặng cadimi. Điều này buộc các doanh nghiệp và hợp tác xã tại địa phương phải nâng cao năng lực quản lý chuỗi cung ứng, minh bạch hóa quá trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản.
Nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, Đắk Lắk đang thúc đẩy xây dựng các vùng trồng an toàn, đạt chuẩn “luồng xanh”, giúp sầu riêng của tỉnh dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính. Theo ông Lê Tấn Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Thăng Tiến (huyện Krông Pắc), đơn vị hiện quản lý hơn 2.500 ha sầu riêng và đã áp dụng đồng bộ mã QR truy xuất nguồn gốc từng lô sản phẩm. Đây là bước tiến quan trọng để nâng cao giá trị thương hiệu và tạo niềm tin với đối tác nhập khẩu.
Vụ mùa năm 2025, HTX Thăng Tiến dự kiến thu hoạch từ 8.000 đến 10.000 tấn sầu riêng. Hướng tới năm 2030, đơn vị đặt mục tiêu nâng tổng sản lượng lên 50.000 tấn, đồng thời ưu tiên phát triển chuỗi giá trị bền vững thông qua hợp tác với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lớn. Trọng tâm là xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn GlobalGAP, cung cấp sầu riêng sạch, hữu cơ, có thể truy xuất nguồn gốc đầy đủ, góp phần nâng cao vị thế nông sản Đắk Lắk trên bản đồ xuất khẩu thế giới.