Giá sầu riêng hôm nay 15/7: Hàng đẹp vẫn được giá, Việt Nam mất thị phần vào tay Thái Lan, Campuchia
Giá sầu riêng hôm nay 15/7 tại nhiều tỉnh vẫn giữ mức tốt với hàng loại đẹp, nhưng xuất khẩu giảm sâu khiến Việt Nam dần lép vế trước Thái Lan, Campuchia.
Giá sầu riêng hôm nay 15/7: Sầu Thái nhích nhẹ tại một số nơi, thị trường vẫn trầm lắng
Theo ghi nhận trong sáng 15/7, giá sầu riêng Thái tại các tỉnh Tây Ninh và Bình Phước có xu hướng tăng nhẹ, trong khi mặt bằng chung tại các địa phương khác gần như đi ngang. Thị trường chưa ghi nhận dấu hiệu phục hồi rõ rệt sau chuỗi ngày trầm lắng kéo dài.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sầu riêng Thái VIP vẫn giữ mức cao, dao động từ 90.000 - 95.000 đồng/kg. Loại A được thu mua trong khoảng 75.000 - 77.000 đồng/kg, loại B ở mức 55.000 - 57.000 đồng/kg, và loại C từ 40.000 - 43.000 đồng/kg. Mức giá xô AB hiện phổ biến từ 60.000 - 63.000 đồng/kg.
Đối với giá sầu riêng Ri6 hôm nay, loại VIP giữ ổn định ở mức 50.000 đồng/kg, loại A khoảng 40.000 - 42.000 đồng/kg, loại B dao động 25.000 - 26.000 đồng/kg, còn loại C vẫn trong diện thương lượng. Xô AB được mua ở mức 28.000 - 31.000 đồng/kg.

Tại Đồng Nai, giá sầu riêng Thái loại A phổ biến trong khoảng 75.000 - 78.000 đồng/kg, loại B từ 55.000 - 58.000 đồng/kg, loại C 40.000 - 43.000 đồng/kg. Riêng dòng Ri6, loại A dao động 38.000 - 40.000 đồng/kg, loại B 25.000 - 26.000 đồng/kg, loại C vẫn chưa có mức giá cụ thể.
Tại Bình Phước, giá sầu riêng Thái ghi nhận mức nhích nhẹ: loại A 77.000 - 80.000 đồng/kg, loại B 57.000 - 60.000 đồng/kg, loại C ổn định ở mức 43.000 đồng/kg. Ri6 loại A tiếp tục dao động 38.000 - 40.000 đồng/kg, loại B 25.000 - 26.000 đồng/kg, loại C đang được các thương lái thỏa thuận riêng.
Tại Tây Ninh, sầu riêng Thái loại A duy trì trong khoảng 75.000 - 78.000 đồng/kg, loại B 55.000 - 58.000 đồng/kg, loại C 40.000 - 43.000 đồng/kg. Ri6 loại A được giao dịch ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg, loại B 25.000 đồng/kg, loại C thương lượng.
Tại Gia Lai, giá sầu riêng Thái loại A hiện nằm trong khoảng 75.000 - 77.000 đồng/kg, loại B 55.000 - 57.000 đồng/kg, loại C 40.000 - 43.000 đồng/kg. Đối với Ri6, loại A phổ biến từ 37.000 - 40.000 đồng/kg, loại B 25.000 - 26.000 đồng/kg, loại C chưa có giá cố định.
Tại Đắk Lắk, thị trường sầu riêng hôm nay vẫn tương đối ổn định. Sầu Thái loại A đang ở mức 76.000 - 78.000 đồng/kg, loại B 56.000 - 58.000 đồng/kg, loại C dao động 43.000 - 45.000 đồng/kg. Ri6 loại A có giá 38.000 - 40.000 đồng/kg, loại B 25.000 - 26.000 đồng/kg, loại C tiếp tục trong diện thương lượng.
Giới thương lái đánh giá, mặc dù giá sầu riêng Thái hôm nay có dấu hiệu tăng nhẹ tại một vài địa phương, song đà phục hồi chung vẫn chưa rõ rệt. Thị trường nội địa vẫn đang chịu áp lực từ nguồn cung lớn và sức tiêu thụ chậm trong nước, trong khi xuất khẩu chưa có tín hiệu khởi sắc trở lại.
Sầu riêng Việt Nam “thất thế” tại Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia bứt tốc chiếm lĩnh thị phần
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của trái cây Thái Lan và Campuchia tại thị trường Trung Quốc đang khiến xuất khẩu nông sản Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng sầu riêng và xoài, chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Số liệu mới nhất cho thấy, sầu riêng Việt Nam đang đánh mất thị phần nghiêm trọng vào tay các quốc gia láng giềng.
Theo thống kê từ Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2025, lượng sầu riêng tươi nhập khẩu vào nước này đã giảm mạnh từ 582.300 tấn xuống còn 390.900 tấn, tức sụt giảm hơn 33% so với cùng kỳ năm 2024. Giá trị nhập khẩu mặt hàng này cũng giảm tương ứng từ 2,86 tỷ USD xuống còn 1,93 tỷ USD.
Đáng lo ngại, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các quốc gia xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 387 triệu USD, giảm tới 58% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tỷ trọng mặt hàng này trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả cũng lao dốc, từ 35% xuống chỉ còn 17%.
Đáng chú ý, riêng trong tháng 5, xuất khẩu sầu riêng tiếp tục đi xuống, đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp sụt giảm. Tình trạng này kéo theo kim ngạch xuất khẩu rau quả toàn ngành trong 5 tháng đầu năm chỉ còn khoảng 2,3 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do Trung Quốc – thị trường tiêu thụ tới 72% lượng sầu riêng của Việt Nam đã giảm mạnh nhập khẩu mặt hàng này. Trong vòng 5 tháng, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc chỉ thu về 278 triệu USD, tương đương mức sụt giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục giữ vững vị trí nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc, bất chấp việc quốc gia này cũng ghi nhận mức giảm 22% về sản lượng và 24% về giá trị xuất khẩu. Campuchia “tân binh” trong cuộc đua xuất khẩu trái cây đang có bước tiến mạnh mẽ, dần chiếm lĩnh một phần thị phần mà trước đây Việt Nam nắm giữ.