Gia tăng các ca bệnh suy thận mãn tính ở người trẻ
(CLO) Hiện nay, suy thận không còn là căn bệnh của người già mà đang có xu hướng trẻ hóa. Người mắc bệnh, phải chạy thận nhân tạo 3 buổi/tuần, mỗi buổi 4-5 tiếng, kèm theo là chi phí điều trị lớn, ảnh hưởng đến công việc, tinh thần và khả năng sinh sản.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.000 ca mắc mới suy thận, trong đó có nhiều trường hợp là người dưới 30 tuổi. Điều đáng lo ngại là không ít người trẻ chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, buộc người bệnh phải lọc máu suốt đời hoặc chờ ghép thận.
Thời gian gần đây, Tại khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), tiếp nhận nhiều ca bệnh suy thận mãn tính. Đặc biệt, những người mắc suy thận mãn tính ở lứa tuổi tương đối trẻ. Người trẻ thường có thói quen sống không khoa học, hay thức khuya, ăn đồ ăn nhanh, uống nước ngọt… đây được cho là các tác nhân hình thành bệnh.
Suy thận đang có xu hướng trẻ hóa
Đưa con đi chạy thận, lọc máu để duy trì sự sống mẹ bệnh nhân Ngọc Anh (34 tuổi, Hà Nội) cho biết là cách đây gần 3 năm, do bị phù lan dần từ chân đến khắp cơ thể, con được gia đình đưa đi khám.
“Gia đình chúng tôi cháu đi khám thì được các bác sĩ xác định cháu bị bệnh suy thận giai đoạn cuối, khi ấy, chúng tôi tưởng đã mất con. Cháu nhà tôi thường có sở thích uống nước ngọt và ăn đồ ăn nhanh, tôi cho rằng đó cũng là một các nhân tố khiến con bị suy thận như hiện tại” Mẹ bệnh nhân Ngọc Anh chia sẻ với PV báo Nhà báo và Công luận.

Thời gian bắt đầu chạy thận, tình trạng sức khoẻ của chị Ngọc Anh yếu hẳn, liên tục thở dốc, da dẻ xám xịt, không leo nổi cầu thang. "Bệnh đến thì chúng tôi cũng phải chịu. Giờ thì cứ đến ngày, tôi và chồng thay nhau đưa cháu vào viện", mẹ bệnh nhân nói.
Trường hợp mắc suy thận mãn tính nữa là nam thanh niên sinh năm 1994, làm nghề mộc tại Hà Nội. Trước đó, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh nhưng gần đây cảm thấy mệt mỏi kéo dài nên đi khám sức khỏe. Kết quả cho thấy anh đã bị suy thận giai đoạn cuối. Bệnh nhân đang được kê thuốc nhằm bảo tồn phần chức năng thận còn lại, tuy nhiên khả năng phải lọc máu chu kỳ trong tương lai là rất cao.

Một trường hợp khác là sinh viên năm thứ 2 đại học, mới hơn 20 tuổi. Trước đó, bệnh nhân khoẻ mạnh nhưng đột nhiên bị choáng ngất, được đưa vào viện cấp cứu và phát hiện suy thận giai đoạn cuối. Bệnh nhân có tâm sự bản thân thường thức khuya, ăn đồ ăn nhanh, không vận động thể dục thể thao.
Gần đây nhất tại khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) có bệnh nhân có tham gia leo núi trên Tam Đảo và buổi sáng, đến tối thì sử dụng chất kích thích là ma túy đá. Sau khi sử dụng ma túy đá, nam thanh niên có nhiều biểu hiện bất thường về sức khỏe như mệt mỏi toàn thân, đau cơ bắp, đau mỏi nhiều vùng, lượng nước tiểu giảm rõ rệt và xuất hiện phù. Đây được cho là hệ quả của việc sử dụng chất kích thích và hoạt động thể lực quá mức.

Nhận thấy tình trạng sức khỏe có vấn đề nam thanh niên đã đến bệnh viện để thăm khám. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có tình trạng tiêu cơ vân – các chỉ số men gan và men CK tăng ở mức rất cao, kèm theo đó là tổn thương thận cấp nặng.
Tăng cường sức khám sức khỏe, tập thể dục
Theo BSCKII Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận gần 400 ca lọc máu chu kỳ, trong đó số bệnh nhân trẻ tuổi đang có xu hướng tăng.
“Phần lớn các trường hợp đến viện khi thận đã suy teo, rất khó tìm được nguyên nhân rõ ràng. Trước đây, bệnh thận mạn tính thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng giờ xu hướng đã ‘trẻ hóa’ do lối sống hiện đại thiếu lành mạnh”, bác sĩ Nguyễn Đăng Quốc thông tin.
Theo bác sĩ Quốc thì các yếu tố nguy cơ khiến bệnh thận đang trẻ hóa là chế độ ăn mất cân đối, đặc biệt là ăn quá nhiều đạm, dễ gây bệnh gút, lắng đọng sỏi thận, từ đó dẫn đến suy thận; Lười vận động, ít thể thao, thừa cân – béo phì là nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa, làm tổn thương thận theo thời gian.

“Đa phần người trẻ chỉ đi khám khi đã xuất hiện triệu chứng nặng và thận đã bị teo, phải lọc máu. Việc phát hiện sớm rất khó vì ở giai đoạn đầu bệnh thận thường tiến triển âm thầm, không rõ triệu chứng. Khi có biểu hiện lâm sàng thì đa số đã chuyển sang giai đoạn muộn. Nhiều dấu hiệu cảnh báo sớm cũng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý nội khoa khác như: đầy bụng, chán ăn (dễ nhầm với dấu hiệu của bệnh tiêu hóa), hoa mắt, chóng mặt (dễ nhầm với tình trạng thiếu máu)”. Bác sĩ Đăng Quốc phân tích.
Bên cạnh đó, cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh thận là đi khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần. Người trẻ, dù cảm thấy cơ thể khỏe mạnh, cũng không nên chủ quan và bỏ qua việc kiểm tra định kỳ.