Giá thịt lợn tăng làm CPI trong 4 tháng năm 2020 tăng thêm 2,58%
(CLO) Giá các mặt hàng thực phẩm 4 tháng năm 2020 tăng 13,65% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 3,08%; trong đó, giá thịt lợn tăng 61,5% so cùng kỳ năm trước đã làm CPI tăng thêm 2,58%.

Giá thịt lợn neo ở mức cao gây áp lực đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Ảnh minh họa
Hiện giá thịt lợn hơi ở mức 80.000 - 95.000 đồng/kg, giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường từ 140.000-180.000 đồng/kg. Theo Tổng cục Thống kê, mặt hàng thịt lợn chiếm 4,2% trong “rổ” tính toán CPI hàng tháng, và như vậy, nếu giá thịt lợn tiếp tục đứng ở mức cao sẽ là áp lực đối với lạm phát năm 2020.
Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn hiện chiếm tỷ lệ lớn từ 70 - 90% giá lợn hơi. Mỗi một kg thịt lợn bán lẻ đến tay người tiêu dùng trải qua 6 - 7 khâu trung gian như: thương lái, vận chuyển, thú y, giết mổ, lợi nhuận của các thương nhân chợ đầu mối, đóng gói, nhãn mác, thuế VAT đối với thịt lợn bán trong siêu thị... và mỗi khâu trung gian mất thêm chi phí. Do đó, khi giá thịt lợn hơi ở mức cao, cộng với chi phí các khâu trung gian cộng vào làm giá bán lẻ vẫn neo ở mức cao.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc ổn định CPI đang dồn “gánh nặng” vào việc đưa giá thịt lợn hơi về mức 60.000 - 65.000 đồng/kg và là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay.
Để bình ổn CPI năm 2020, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian này, cần nhập khẩu đủ thịt lợn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý thịt lợn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, cần làm tốt công tác quản lý thị trường, phòng tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý; đặc biệt, cần loại bỏ các khâu trung gian, lòng vòng gây đội giá thịt lợn.
PV