Giá trị văn hóa: “Sức mạnh mềm” góp phần phát triển bền vững đất nước

Thứ năm, 25/11/2021 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Lần đầu tiên, khái niệm “sức mạnh mềm” được nêu ra trong các văn kiện Đại hội XIII, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển bền vững đất nước.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm triển khai thực hiện các quan điểm chỉ đạo về văn hóa trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào ngày 24/11 được kỳ vọng sẽ nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường quốc dân đi”; khơi dậy khát vọng toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong chấn hưng và phát triển văn hóa; là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững…

gia tri van hoa suc manh mem gop phan phat trien ben vung dat nuoc hinh 1

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Sau 75 năm, kế thừa những tinh hoa đã đúc rút được từ hai Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, 1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được kỳ vọng sẽ nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, nội dung trọng tâm xuyên suốt của hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa. Phát huy được đầy đủ các nội hàm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Triển khai hệ giá trị con người Việt Nam - đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước...

Cách đây tròn 75 năm, vào ngày 24/11/1946, tại Nhà hát Lớn ở Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Trong diễn văn khai mạc, Người khẳng định nhiệm vụ “Xây dựng nền văn hóa mới của nước nhà phải lấy hạnh phúc của đồng bào, dân tộc làm cơ sở”. Người cũng đề cao sứ mệnh của văn hóa, nghệ thuật trong xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Hai năm sau, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai do Đảng ta chỉ đạo, đã diễn ra từ ngày 16 đến 20/7/1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, khi cả nước đang trường kỳ kháng chiến chống Pháp.

Cùng với Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948 được xem là “Hội nghị Diên Hồng” đầu tiên về văn hóa - nơi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ nội hàm và đích đến của “nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới”; thực sự là ánh sáng soi đường tập hợp đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thấm nhuần lời dạy và kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”, văn hóa luôn là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.

Đại hội XIII của Đảng xác định, phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào việc phát huy tối đa nhân tố con người; lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển của đất nước. Trong xây dựng văn hóa lấy trọng tâm là chăm lo cho con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp.

Nói về hội nghị văn hóa toàn quốc, nhà nghiên cứu văn hoá, TS. Nguyễn Ánh Hồng - nguyên Trưởng khoa Văn hoá phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, Hội nghị diễn ra có ý nghĩa đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của đất nước ta.

Thông qua hội nghị này nhằm khẳng định, nhìn nhận vai trò vị trí quan trọng của văn hóa. Khi văn hóa được coi là nguồn lực nội sinh, thì việc tiến hành Hội nghị có ý nghĩa cấp thiết, giúp chúng ta xác định được hệ giá trị của văn hóa Việt Nam, có cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển đề án đến giữa thế kỷ XXI.

TS. Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam ngày hôm nay là vấn đề cấp bách, cấp thiết, có ý nghĩa cả trên phương diện lý luận và thực tiễn.

Trong những nguồn lực tạo nên sức mạnh mềm Việt Nam, sự đa dạng văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng, không chỉ tạo nên sức hấp dẫn to lớn của Việt Nam đối với thế giới bên ngoài, mà còn là nền tảng hình thành nội lực cho sự phát triển của đất nước. Sự đa dạng của các nền văn hóa, các cộng đồng văn hóa ở Việt Nam tạo ra môi trường để tăng cường tình đoàn kết, sự gắn bó giữa các cộng đồng.

“Hội nghị Văn hóa toàn quốc là nền tảng đưa nước ta mở ra một thời kỳ phát triển mới, với một ý chí độc lập tự cường của nhân dân ta. Từ đó đưa ra các giải pháp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.

Hướng tới những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2030,  nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là trở thành nước phát triển, thu nhập cao” - TS. Nguyễn Ánh Hồng phân tích.

gia tri van hoa suc manh mem gop phan phat trien ben vung dat nuoc hinh 2

Công nghiệp văn hóa cần tự tin làm chủ thị trường

Việt Nam bước chân vào thị trường công nghiệp văn hóa muộn hơn nhiều nước trên thế giới. Nó chỉ thật sự trở thành vấn đề được quan tâm từ năm 2016 sau Quyết định 1755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành, một lần nữa, công nghiệp văn hóa được nhấn mạnh là vấn đề cần được ưu tiên.

Thực tế cho thấy, từ hồn cốt của văn hóa dân gian đã có nhiều sản phẩm điện ảnh, văn học, mỹ thuật, thời trang, du lịch… lấy làm cảm hứng sáng tạo, mang lại giá trị cao về vật chất. Minh chứng rõ nét, ngay sau 1 năm Quyết định 1755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, có hiệu lực, doanh thu ngành điện ảnh Việt đã đạt 3.228 tỷ đồng, tương đương 140 triệu USD.

Năm 2018, doanh thu ngành điện ảnh đạt 3.353 tỷ đồng, tương đương khoảng 145 triệu USD. Năm 2019, thống kê riêng từ các rạp phim lớn trên cả nước, tổng doanh thu màn ảnh Việt đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 178 triệu USD. Các lĩnh vực khác của công nghiệp văn hóa cũng tăng trưởng mạnh, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn thúc đẩy, quảng bá các giá trị văn hóa của đất nước Việt Nam ra thế giới.

Trong 2 năm 2020 và 2021, công nghiệp văn hóa phải đương đầu với những khó khăn, thách thức lớn do dịch bệch COVID-19, khiến doanh thu của ngành không đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa vẫn đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu.

Tuy đã đạt được thành công nhưng thẳng thắng nhìn nhận, công nghiệp văn hóa vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam và vẫn đang bộc lộ những hạn chế nhất định. Có thể kể đến, năng lực thiết kế sản phẩm chưa cao, chưa có sự hỗ trợ thường xuyên giữa khối thiết kế chuyên nghiệp với các nghệ nhân văn hóa dân gian. Bởi lẽ, các nghệ nhân thường làm theo cách thức truyền thống, họ chưa được tiếp xúc nhiều với giới thiết kế để đổi mới mẫu mã mạnh mẽ. Do đó, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống đương đại.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chắc chắn là một lựa chọn hợp lý cho phát triển văn hóa đất nước trong bối cảnh hiện nay, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, thể hiện chức năng kinh tế của văn hóa. Quan trọng là thông qua các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, chúng ta tạo ra sức sống mới cho các di sản văn hóa, khai thác tốt hơn vốn văn hóa của dân tộc, tài năng của các văn nghệ sỹ, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra khắp thế giới…

gia tri van hoa suc manh mem gop phan phat trien ben vung dat nuoc hinh 3

Phát huy sức mạnh mềm - tinh thần Việt Nam

Năm 2021 là năm đánh dấu hơn 35 năm công cuộc đổi mới của Đất nước, cùng với thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhận được sự quan tâm của đông đảo giới văn nghệ sỹ và đồng bào cả nước, đặc biệt là khi Nghị quyết của Đảng nhấn mạnh một trong những đột phát chiến lược giai đoạn 2021 – 2030 là “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội”.

“Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” - đây là điểm nhấn rất quan trọng của Đảng tại Đại hội XIII.

Lần đầu tiên, khái niệm “sức mạnh mềm” được nêu ra trong các văn kiện của Đảng tại Đại hội XIII. Qua hàng ngàn năm lịch sử, lòng yêu nước, yêu hoà bình, đoàn kết, nhân ái, ý chí tự cường và khát vọng cống hiến, nền tảng tinh thần tốt đẹp ấy đã trở thành sức mạnh dân tộc, đưa đất nước vượt qua bao gian nan thử thách. Và nay, những giá trị tinh thần ấy đang được tiếp nối, phát huy trong thời đại mới, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Quận Thanh Xuân, Hà Nội vào tháng 8 vừa qua, khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát, không thuộc bệnh viện hay cơ quan y tế nào nhưng suốt 2 tháng, đội xe cấp cứu 911 vẫn tình nguyện đưa đón miễn phí các ca F0, người đi cách ly. Xa gia đình, đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh, họ ở tập trung, tự bỏ chi phí xăng xe, hỗ trợ lực lượng y tế.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, các chiến sĩ công an, quân đội và cả người dân tình nguyện có mặt khắp các con hẻm những ngày giãn cách để giúp đỡ dân.

Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào là những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt. Trong gian khó, những phẩm chất ấy càng sáng lên. Khi Tổ quốc gọi, từ các y, bác sỹ nghỉ hưu đến sinh viên y khoa, lính trẻ sẵn sàng hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh thành phía Nam. Máy thở, ATM gạo, ATM ô-xy, siêu thị 0 đồng, những bữa cơm nghĩa tình trong đại dịch... gửi gắm tấm lòng của cả cộng đồng. Sức mạnh dân tộc được tạo nên từ những điều giản dị.

Phát huy sức mạnh mềm, biến tinh thần Việt Nam trở thành nguồn tài nguyên quý giá để phát triển trong thời đại mới để đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn