Giá vàng sẽ vượt mức cao nhất mọi thời đại?
(CLO) Giá vàng đang trên đà tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2024 nhờ lãi suất giảm dần và lo ngại về suy thoái kinh tế làm tăng vai trò của kim loại quý này như một tài sản trú ẩn an toàn.
CNBC đưa tin giá vàng giao ngay đạt mức cao kỷ lục trong ngày là 2.072,5/once USD vào ngày 7 tháng 8 năm 2020, theo dữ liệu từ Refinitiv. Các nhà phân tích chia sẻ với CNBC rằng giá kim loại quý này có thể vượt qua mức đó, thậm chí ngoài mong đợi.
Bart Melek, Giám đốc điều hành của TD Securities kiêm trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu, cho biết: “Tôi thực sự thấy vàng sẽ di chuyển trên mốc 2.100 USD/ouce vào cuối năm 2023, đầu năm 2024 như một cấp độ giao dịch”.

Đồ trang sức bằng vàng được trưng bày ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 25 tháng 7 năm 2023. Ảnh: CNBC.
“Tôi lạc quan về vàng vì tôi tin rằng Fed sẽ thay đổi chính sách khỏi chế độ hạn chế hiện tại. Tôi tin rằng điều này sẽ xảy ra trước khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%”, ông Melek nói với CNBC trong một email.
Vàng giao ngay được giao dịch lần cuối ở mức 1.912,26 USD/ounce.
Fed bắt đầu tăng lãi suất đều đặn vào tháng 3 năm 2022, khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 40 năm. Trong vòng chưa đầy hai năm, cơ quan này đã tăng chi phí đi vay lên từ 5,25% đến 5,5%.
Ông Melek viết trong một báo cáo gần đây rằng vàng đã vượt trội so với hầu hết loại tài sản lớn khác trong 12 tháng qua, nhờ vào khả năng chống lại lãi suất tăng và trở thành một khoản đặt cược an toàn trước lạm phát.
Nỗi sợ suy thoái
Một số nhà phân tích đặc biệt lạc quan về vàng và dự đoán sẽ tăng lên mức mục tiêu 2.500 USD/ounce vào cuối năm tới - cao hơn 26% so với mức hiện tại.
David Neuhauser, người sáng lập Livermore Partners cho hay: “Tôi dự đoán vàng sẽ cán mốc 2.500 đôla/ounce vào cuối năm 2024… Phần lớn điều này liên quan đến thực tế là suy thoái có thể bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay và tăng giá vào năm 2024”.
“Năm 2024 là lúc tôi thấy vàng bứt phá và đạt những đỉnh cao mới và hơn thế nữa”, ông nhận định.
Neuhauser cho biết ông dự kiến tình trạng lạm phát đình trệ sẽ tiếp tục tồn tại trong nền kinh tế toàn cầu trong vài năm tới khi lạm phát giảm xuống từ 3% đến 5%.
Vàng có xu hướng hoạt động tốt trong các giai đoạn kinh tế không chắc chắn như suy thoái và lạm phát do nó là một kho lưu trữ giá trị đáng tin cậy và thường được sử dụng như một hàng rào chống lại lạm phát.
Giám đốc điều hành của Wheaton Precious Metals, Randy Smallwood cho biết: “Tôi khá tự tin rằng trong vòng vài năm nữa, chúng ta sẽ chứng kiến giá vàng trị giá 2.500 đô la/ounce”.
Ông nói: “Bất kỳ loại động thái suy thoái nào cũng sẽ có lợi cho vàng,” đồng thời cho biết thêm rằng ông đang nhìn thấy sự yếu kém trong nền kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ.
UOB cũng dự báo giá vàng sẽ lập kỷ lục mới, nhưng chỉ đến nửa cuối năm 2024.
Heng Koon How, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường, kinh tế toàn cầu và nghiên cứu thị trường của ngân hàng, cho biết: “Động lực chính trong triển vọng tích cực của chúng tôi đối với vàng là chu kỳ tăng lãi suất của Fed cũng như sức mạnh của đồng đôla Mỹ sắp đạt đỉnh”.
Ông giải thích rằng vàng nên giao dịch cao hơn khi lãi suất ngừng tăng và đồng bạc xanh giảm giá.
Heng dự đoán rằng vàng sẽ giao dịch ở mức 2.100 USD/ounce vào quý 2 năm 2024.
CNBC trích dẫn giá vàng có xu hướng có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất.
Khi lãi suất tăng, nhu cầu về vàng giảm xuống khi các khoản đầu tư thay thế như trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn và mang lại lợi nhuận tốt hơn.
Lạm phát của Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất hàng năm trong hơn hai năm vào tháng 6, chỉ tăng 0,2% trên cơ sở hàng tháng. Cục Dự trữ Liên bang vào tháng 7 đã thông qua một đợt tăng lãi suất được dự đoán trước, đưa chi phí đi vay chuẩn lên mức cao nhất trong hơn 22 năm.
Nhu cầu tiêu dùng cao hơn
Heng chỉ ra rằng việc mua vàng của ngân hàng trung ương đã “liên tục mạnh mẽ” cùng với nhu cầu của người tiêu dùng đối với kim loại quý.
“Chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu trang sức bằng vàng vật chất từ Trung Quốc và Ấn Độ quay trở lại khi cả hai nền kinh tế đều ổn định và chi tiêu bán lẻ quay trở lại”, vị chuyên gia chia sẻ.
Trong khi đó, Citi cho biết trong một báo cáo tháng 7 rằng nhu cầu vàng bán lẻ của Trung Quốc đã phục hồi vào năm 2023 ngay cả khi mức tiêu thụ các mặt hàng khác vẫn yếu.
Nhu cầu trang sức vàng trong quý đầu tiên ở Trung Quốc "chỉ xấp xỉ 200 tấn, theo mùa mạnh nhất kể từ năm 2015", các nhà phân tích dẫn đầu bởi Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa của Citi, Aakash Doshi, cho biết trong báo cáo.
Citi dự kiến nhu cầu trang sức từ Trung Quốc sẽ tăng hơn 700 tấn trong năm nay, đánh dấu mức tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Smallwood của Wheaton cho biết ông nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng và bán lẻ tăng lên. “Cho dù đó là đồ trang sức, cho dù đó là vàng thanh, hay tiền xu”.
Nicky Shiels, Trưởng bộ phận Chiến lược kim loại tại công ty kim loại quý MKS PAMP, cho biết nhu cầu vàng vật chất ở một số khu vực đã quay trở lại và nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương vẫn mạnh.
Bà nói: “Các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi tiếp tục phi đôla hóa và sử dụng vàng như một giải pháp thay thế trong trường hợp có thêm bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây.
Các quốc gia BRICS, cụ thể là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cũng được cho là đang xem xét chuyển từ đồng đô la Mỹ sang một loại tiền tệ mới được hỗ trợ bởi vàng.
Điệp Nguyễn (Theo CNBC)