Giá xăng giảm, nhiều mặt hàng không giảm là do độ trễ: Lý do chính đáng nhưng chưa thuyết phục
(CLO) Theo đại diện của Bộ Tài chính, việc giá xăng giảm, nhưng nhiều mặt hàng không giảm, do thị trường có độ trễ. Tuy nhiên, một số chuyên gia chưa đồng tình về nhận định này.
Giá xăng giảm, nhưng nhiều mặt hàng không giảm là do độ trễ
Tại thời điểm giá xăng tăng vọt lên ngưỡng trên 30.000 đồng/lít, các mặt hàng lương thực, thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, hải sản và một số loại rau xanh đã tăng 10% - 15%.
Tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống cho rằng, giá lương thực, thực phẩm tăng là do giá xăng tăng, khiến các chi phí khác tăng theo, như thức ăn chăn nuôi, giá vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào.

Theo đại diện của Bộ Tài chính, việc giá xăng giảm, nhưng nhiều mặt hàng không giảm, do thị trường có độ trễ.
Tuy nhiên, trong 4 kỳ điều chỉnh gần đây, giá xăng dầu trong nước liên tiếp hạ nhiệt. Hiện, giá xăng đã về dưới mức 26.000 đồng/lít. Tuy nhiên, trái ngược với đà giảm của giá xăng, nhiều mặt hàng thiết yếu, phục vụ cuộc sống vẫn neo ở mức rất cao.
Nhận định về vấn đề này, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng: Trước hết, do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu, phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua.
Đồng tình về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng: Giá cả thị trường thường có độ trễ. Tuy nhiên, cũng có một số nguyên nhân khác khiến giá nhiều mặt hàng không giảm.
Theo ông Lực, các doanh nghiệp hiện có tâm lý lo sợ, giá xăng sẽ tăng trở lại, như vậy việc vừa giảm xong lại tăng rất “cồng kềnh” và cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình.
Dù vậy, ông Lực cho rằng, đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống".
“Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay”, ông Lực nói.
Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng, giá xăng giảm, nhưng nhiều mặt hàng không giảm cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cần phải sát tình hình hơn nữa.
Đồng thời, người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng mua bán, đi lại vẫn như cũ. Khi đó, họ có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng.
“Tôi cũng mong các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, không thì người dân cảm thấy nản lòng, kiến nghị nhiều mà không được xử lý”, ông Lực nói.
Nên cắt giảm các khâu trung gian
Trước tình trạng giá cả hàng hoá neo cao, Bộ Tài chính đã có một số giải pháp hạn chế như trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Vấn đề cung cầu hàng hoá, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm các khâu trung gian.
Đồng thời, Bộ Tài chính tăng cường việc tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá.
Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Ông Vũ Vĩnh Phú, chuyên gia kinh cho biết, về cơ bản Công điện của Thủ tướng đã bao quát được tình trạng giảm giá xăng dầu mạnh, nhưng mặt bằng giá thị trường đứng yên hoặc chỉ giảm chút ít. Tuy nhiên, vấn đề giá có phạm vi rộng, ngoài kinh tế và kỹ thuật, theo ông Phú nên có thêm các giải pháp khác.
Trước tiên là vấn đề cung cầu hàng hoá, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm các khâu trung gian. Ví dụ, 1 kg thịt lợn trang trại bán lẻ tăng giá lên tới 170% do các khâu trung gian. Đó là yếu tố tồn tại lâu rồi, phải khắc phục để giải quyết bài toán giá.
Ông Phú phân tích: Phải sử dụng sức mạnh của hệ thống chính trị, ngoài biện pháp hành chính, còn huy động hiệp hội bán lẻ, Mặt trận Tổ quốc, các chợ, khu phố, làm sao những người buôn bán tự giác giảm một phần theo tiến độ giảm giá xăng dầu, chia sẻ khó khăn chung với xã hội.
Nếu làm giải pháp đồng bộ, thì các chỉ đạo của Chính phủ sẽ được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4%.
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng: Cần tính cả 2 nhóm giải pháp bao gồm trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính bền vững chính sách.
Thứ nhất, ông Lực đồng tình với ông Phú, phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt không nên phản ứng thái quá câu chuyện về giá cả.
Hai là, làm rõ nguyên nhân cụ thể, tăng cấu phần giá, giáo dục, công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông giảm… Có 3 nhóm mặt hàng khiến chỉ số CPI tăng nhanh mạnh vừa qua, chiếm đến 80%. Trong đó, thứ nhất là nhóm hàng giao thông vận tải, chiếm tới 55%, về cơ bản do giá xăng dầu tăng. Thứ hai là lương thực thực phẩm tăng 13% tổng mức tăng CPI. Thứ ba là nhà ở vật liệu xây dựng…
“Công điện 679 của Thủ tướng về cơ bản đã xử lý trúng các nhóm này (chiếm 80% tác động vào việc tăng chỉ số CPI) chứ không xử lý dàn trải”, ông Lực cho biết.
Về câu chuyện thanh tra kiểm tra giám sát, sẽ phải làm mạnh hơn nhưng không thể làm hết, không thể làm triệt để nếu ý thức của người dân và doanh nghiệp chưa vào cuộc.
Cần tăng cường thêm ý thức cả doanh nghiệp và người dân, ngoài truyền thông, phải tạo văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam cả trước mắt và lâu dài.
Người dân hoàn toàn có quyền phản ánh về việc giá cả gia tăng. Tuy nhiên, bối cảnh này, Nhà nước, doanh nghiệp, người dân thực hành tiết kiệm, tiết kiệm tốt cũng là một biện pháp phòng chống lạm phát tốt.
Hy vọng thời gian tới với việc giá cả xăng dầu thế giới, lương thực thực phẩm đi theo chiều hướng dịu hơn. Chúng ta không nên lo lắng thái quá với lạm phát mà không dám làm gì.
“Nếu siết chặt có thể khiến kinh tế đình trệ, thiếu nguồn cung về lâu dài lại khiến giá tăng. Ở Việt Nam, tâm lý lạm phát quan trọng. Do đó, việc truyền thông rất quan trọng, giúp giảm bớt tâm lý lạm phát, té nước theo mưa”, ông Lực nói.