Giải bài toán “chảy máu chất xám”: Cần lắm sự ràng buộc từ hai phía
(NB&CL) Một trong những lý do khiến nạn "chảy máu chất xám" kéo dài nhiều thập kỷ qua được các chuyên gia đưa ra là chính sách thu hút và trọng dụng người tài của nước ta hiện không hấp dẫn, cần thiết phải được thay đổi, trong đó cần nhất là một sự ràng buộc từ cả phía Nhà nước lẫn người tài.
Người tài ra đi: Sự thất bại của triết lý giáo dục
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao câu chuyện các nhà vô địch cuộc thi Olympia sau khi nhận được học bổng tại nước ngoài đều quyết định không trở về nước. Thậm chí, nhiều người còn nói vui rằng đây là cuộc thi tìm nhân tài cho Australia, Mỹ. Nhưng cũng có nhiều ý kiến nhìn nhận, bản chất cuộc thi vốn chỉ là một chương trình truyền hình, một trò chơi và những người đoạt giải thì được phần thưởng của nhà tài trợ. Bản thân họ muốn “sử dụng” phần thưởng này thế nào là quyền của họ. Tuy nhiên, nếu mở rộng ra thì hiện nay có một thực tế, không chỉ có các nhà vô địch chương trình nói trên mà còn rất nhiều du học sinh xuất sắc, sau khi đi du học đều lựa chọn con đường ở lại nước ngoài, thay vì quay trở về Việt Nam làm việc. Con số này hằng năm rất lớn, có thể dẫn tới tình trạng “chảy máu chất xám” về lâu dài.

Một số học sinh xuất sắc, khi được hỏi về lý do không trở về Việt Nam sau khi du học thì đều có nhận định, đã từng có ý định quay về sau khi học xong đại học. Nhưng khi tìm hiểu về môi trường làm việc ở Việt Nam thì họ mới nhận thấy gần như không có cơ hội cho một công việc rõ ràng để có thể phát huy những kiến thức mà họ đã học được.
Đánh giá về thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng đây là thực trạng đáng buồn và đáng báo động. Nếu tình trạng này chỉ là một số ít người hay dừng lại ở một thế hệ thì có thể thông cảm. Nhưng đất nước đã mở cửa, hội nhập từ năm 1986 đến nay gần 35 năm nhưng nạn “chảy máu chất xám” vẫn ồ ạt cần thiết phải được ngăn chặn.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giáo sư Đặng Quốc Bảo (Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, việc phần lớn các học sinh đi du học chưa về là hiện tượng bình thường. Vì họ và gia đình thấy có lợi ích trước mắt nên chọn ở lại. Điều này không thể trách họ. Nhưng nhìn sâu xa trong cách đào tạo ở cấp phổ thông, chính sách đào tạo ở các trường chuyên, học sinh giỏi cũng chưa thành công.
Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh: “Nền giáo dục của chúng ta đang thiếu đi những con người có khả năng dẫn dắt cả dân tộc đi lên. Trường Quốc học Huế trước đây đã đào tạo ra nhiều cá nhân xuất sắc như Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu… Còn các trường chuyên, lớp chọn, được đầu tư hàng trăm tỷ ngày nay thì đào tạo được mấy người?.
Cách dạy học thiên về dạy kiến thức, yếu về dạy người nên sản phẩm tạo ra là thiếu những con người đi cùng, gắn liền với vận mệnh dân tộc. Giáo dục phổ thông đang khiếm khuyết. Một cá nhân được cho là xuất sắc nhưng sau 12 năm học phổ thông vẫn chưa ý thức được bản thân với vận mệnh dân tộc. Việc dạy học quốc văn, quốc ngữ, quốc sử trong nhà trường đã không hun đúc được trong lòng học sinh tinh thần yêu nước thiết tha đó là hạn chế”.
Tư duy thấy lợi thì tận dụng là không sai nhưng cũng phải đặt trong tổng hòa, tổng thể lợi ích của đất nước, dân tộc. Thực tế nhiều người tài của nước ta đã tự tách ra khỏi dân tộc đã cho thấy triết lý giáo dục của nước ta đang có phần thất bại. Giáo dục đáng lẽ phải đạt được tính dân tộc, nhân bản và khai phóng nhưng đến nay đều chưa đạt.
Giáo dục cần thiết phải có những lứa học trò giỏi về chuyên môn và đạo đức, đưa tinh hoa người Việt ra thế giới… Trong thư gửi ngày khai trường cách đây 75 năm Bác Hồ đã từng nói xây dựng một nền giáo dục “Hoàn toàn Việt Nam”. Nhưng giáo dục nước ta hiện nay lại… hơi nhí nhố, lai căng.
Cần sự ràng buộc về cơ chế, trách nhiệm
Cũng liên quan đến thực trạng này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng cần thiết phải có nhiều giải pháp tổng thể để giữ được người tài và để người tài phát huy năng lực của bản thân.
Trên nghị trường Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, ông Lê Như Tiến từng kiến nghị cần xây dựng Luật Thu hút nhân tài nhưng vì quá nhiều luật phải làm nên cuối cùng không được đồng ý. Luật Thu hút nhân tài là để những quy định cụ thể về thu hút nhân tài cho đất nước.

Chủ trương đưa người Việt Nam ra đào tạo ở nước ngoài là chủ trương rất đúng đắn. Nhưng tỷ lệ số người mà Nhà nước bỏ hàng chục tỷ đồng đầu tư cuối cùng bao nhiêu người trở về nước. Do đó, ông Lê Như Tiến đề nghị: “Bộ GD&ĐT phải có thống kê chính xác để báo cáo Quốc hội xem chủ trương đào tạo 20 nghìn tiến sĩ ở nước ngoài đã có bao nhiêu người về nước. Cần thống kê số học sinh thi quốc gia, quốc tế, du học diện có học bổng về nước để phụng sự đất nước, nhân dân là bao nhiêu. Không để việc Nhà nước bỏ tiền đào tạo, đi học sau đó “mất cả chì lẫn chài”. Đây là điều mà Bộ GD&ĐT phải nghiên cứu và tính cho kỹ. Còn nếu không thì nhân tài “chảy máu” ra nước ngoài hết”.
Do đó, cần phải có chính sách ràng buộc để không “chảy máu chất xám”. Trước hết, Nhà nước bỏ tiền ra cho ăn học rồi không về nước thì trách nhiệm thuộc về ai. Người đi ra nước ngoài học tập 4 năm đại học, 3 năm thạc sĩ, 4 năm tiến sĩ do Nhà nước bỏ tiền rồi đi luôn thì cần bị xử lý. Có sự ràng buộc về cơ chế, trách nhiệm, có cam kết để quản lý, bảo vệ nhân tài phụng sự đất nước.
Về mặt Nhà nước nếu như chưa ra được luật thì phải có nghị định, thông tư quy định về việc này để quy trách nhiệm, nghĩa vụ đối với người được Nhà nước bỏ tiền cho đi học để họ quay về phục vụ đất nước. Điều đó mới ngăn chặn được nạn “chảy máu chất xám”. Còn nếu không, nước ngoài họ có chính sách thu hút thì người tài Việt Nam sẽ ra nước ngoài hết. Không có chính sách thu hút chất xám thì nhân tài ngày càng mỏng đi, ít đi.
Ông Lê Như Tiến hiến kế: “Giải pháp thì có nhiều, trong đó cần có quy định văn bản để ràng buộc trách nhiệm người được đi học phải có ký kết ràng buộc với cơ quan quản lý. Phải phối hợp với các đại sứ quán các nước khi học xong yêu cầu sinh viên, lưu học sinh phải về nước. Thậm chí, phải đặt cược tiền trước khi đi du học… Chỉ có những biện pháp mạnh thì người đi học mới về nước để phục vụ cho nhu cầu phát triển trong nước”.
Bình luận về thực trạng này, Đại biểu Quốc hội khóa 13 bà Bùi Thị An nêu quan điểm: “Việc lựa chọn làm việc ở đâu là quyền của mỗi người nhưng cũng cần suy nghĩ thêm về trách nhiệm nơi mình sinh ra và lớn lên, được học hành hết các năm phổ thông. Vấn đề đặt ra là nước ta luôn muốn thu hút người tài nhưng vẫn chưa thu hút được.
Đối với người trẻ, tài năng, cái họ cần là môi trường làm việc, sự tôn trọng và hướng phát triển. Muốn thu hút được nhân tài thì phải có chế độ chính sách hấp dẫn. Trong đó có chế độ đãi ngộ vật chất, điều kiện làm việc cần tương xứng với trí tuệ. Chúng ta có thể có những thiết bị hiện đại nhưng môi trường làm việc như thế nào, chế độ lương bổng có phù hợp không đó là những vấn đề cần phải được thảo luận và cụ thể hóa bằng các chính sách hấp dẫn”.
Việc “chảy máu chất xám” lâu dài của nước ta trong thời gian dài cần thiết phải được khắc phục bằng các chính sách tổng thể. Từ việc giáo dục ý thức của công dân với dân tộc đến các chính sách hấp dẫn và môi trường làm việc thăng tiến. Có như vậy, người tài mới phát huy được khả năng, năng lực. Nếu không có một chính sách tổng thể thì người tài nước ta vẫn ra nước ngoài làm việc.
Trinh Phúc