Kinh tế vĩ mô

Giải bài toán vốn - 'nút thắt cổ chai' của khu vực tư nhân

Định Trần 22/05/2025 09:46

(NB&CL) Kinh tế tư nhân được xem là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, nhưng nguồn vốn lại đang trở thành rào cản lớn, kìm hãm sự phát triển của hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khu vực kinh tế tư nhân đang bị phụ thuộc vào vốn tín dụng, lãi suất cao

Tại Nghị quyết 68-NQ/TW, Bộ Chính trị đã xác định, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất đối với khu vực này là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho rằng, để khu vực này phát triển bền vững, vấn đề then chốt hiện nay là phải khơi thông các dòng vốn, cả ngắn hạn và dài hạn một cách thực chất và hiệu quả.

090671d8-4b0e-47ba-9176-358e8e2e4e6c.jpg
Khu vực kinh tế tư nhân đang bị phụ thuộc vào vốn tín dụng, lãi suất cao. Ảnh: TCH

Về nguồn vốn ngắn hạn, khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm khoảng 50% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng, tương đương gần 7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải chịu mức lãi suất vay thương mại dao động 9% – 11%/năm, cao hơn mặt bằng chung trong khu vực ASEAN (6% – 7%/năm).

Ở góc độ vốn dài hạn, khu vực tư nhân Việt Nam mới chỉ huy động được khoảng 13% vốn qua thị trường chứng khoán, con số khiêm tốn so với mức 40% – 60% ở các nước phát triển.

“Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm cũng còn ít, chỉ khoảng 30 quỹ đang hoạt động và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ, trong khi các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, logistics vẫn “khát vốn”, PGS.TS. Nghiêm Thị Thà nói.

Giải thích về hiện tượng này, Tổng thư ký VFCA cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân đang thiếu kênh huy động vốn, khi phần lớn vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Đồng thời, hệ thống pháp lý liên quan đến tài chính và đầu tư tư nhân còn thiếu đồng bộ, đặc biệt chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân.

Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích đầu tư tài chính dài hạn và vốn mạo hiểm chưa đủ hấp dẫn. Đặc biệt, việc thiếu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và công cụ đánh giá năng lực tài chính khiến các doanh nghiệp tư nhân khó tạo được niềm tin với nhà đầu tư.

Đồng tình với nhận định này, TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết: Tại Nhật Bản, các doanh nghiệp tư nhân được vay vốn với lãi suất 1% - 2%/năm, thì tại Việt Nam mức lãi suất này gấp 3 lần, từ 6% - 7%, rất khó cạnh tranh.

TS. Bùi Thanh Minh nhấn mạnh, đây là giai đoạn “không chậm nhưng cũng không nhanh” và Việt Nam cần có thời gian để thích ứng và tìm ra những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế này.

Nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển tài chính tư nhân quốc gia

Trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế theo Nghị quyết 68, việc tháo gỡ điểm nghẽn về vốn đang trở thành yêu cầu cấp thiết, không chỉ mang tính giải pháp ngắn hạn mà còn là chiến lược dài hạn.

PGS.TS. Nghiêm Thị Thà cho rằng bước đi đầu tiên là xây dựng khung pháp lý chuyên biệt cho tài chính khu vực tư nhân, thông qua luật hoặc nghị định riêng. Đồng thời, cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan như Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 để bổ sung các công cụ như bảo lãnh tín dụng, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Theo bà Thà, Việt Nam cần nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển tài chính tư nhân quốc gia, với chức năng cung cấp nguồn tín dụng dài hạn, lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, mô hình “matching fund”, kết hợp vốn công và vốn tư theo cơ chế đối ứng cần được khuyến khích nhân rộng, tương tự như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đang vận hành.

PGS.TS. Nghiêm Thị Thà nhấn mạnh, để “khơi thông” dòng vốn cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Nhà nước, hệ thống tài chính – ngân hàng, các nhà đầu tư và bản thân các doanh nghiệp tư nhân.

“Trong bối cảnh Nghị quyết 68 đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất, khơi thông các dòng vốn cho khu vực này không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn là chiến lược then chốt để phát triển kinh tế quốc gia trong giai đoạn mới”, PGS.TS. Nghiêm Thị Thà cho biết.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giải bài toán vốn - 'nút thắt cổ chai' của khu vực tư nhân
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO